Học sinh THPT ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đi học trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng
Trường học đã sẵn sàng mở cửa
Cuối tuần qua, do tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 đã giảm mạnh, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 đến trường học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch .
Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tình hình dạy học trực tiếp tại các trường thời gian qua vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của thành phố và ngành Giáo dục. Căn cứ công văn số 735/UBND-KGVX ngày 15/2/2022 của UBND thành phố về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị trường học tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca mắc, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.
Sở GDĐT yêu cầu các trường học thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và các văn bản hướng dẫn của thành phố; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12; đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 9, lớp 12.
Trên thực tế, từ cuối tuần trước, UBND TP Hà Nội đã không còn công bố cấp độ dịch tại các xã, phường, thị trấn. Ngay sau khi nhận thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, lãnh đạo các Phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường THCS, THPT sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, sau khi nhận được văn bản của Sở GDĐT, Phòng GDĐT quận Hà Đông đã yêu cầu các trường rà soát các trường hợp học sinh, giáo viên là F0, F1 để làm căn cứ đề xuất việc cho học sinh lớp 7 đến lớp 9 đi học trở lại. Trên cơ sở đề xuất của tất cả các trường, phòng GDĐT sẽ báo cáo UBND quận phê duyệt.
Ông Lê Trung Hiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ, việc cho học sinh đi học thời điểm này rất có ý nghĩa vì giáo viên sẽ tận dụng thời gian để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kiểm tra, đánh giá giữa kỳ cũng như học sinh cuối cấp đỡ căng thẳng.
Ông Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng GDĐT quận Thanh Xuân thông tin, Phòng GDĐT đã tổ chức họp hiệu trưởng các trường THCS để quán triệt tinh thần, mở cửa trường học vẫn đảm bảo tất cả các phương thức dạy học nếu học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, từ đầu tuần tới, tất cả các trường THCS - THPT cho học sinh lớp 7-12 trên địa bàn đi học trực tiếp…
Không để học sinh học trực tuyến quá lâu
Trước đó, ngay sau Tết Nguyên đán, TP Hà Nội đã cho học sinh từ lớp 7-12 đi học trực tiếp. Tuy nhiên sau đó vì số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều xã/phường có dịch ở cấp độ 3, hàng trăm trường học đã đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến.
Đối với học sinh lớp 1-6, tính từ cuối tháng 4/2021 đến nay các em đã học trực tuyến gần 2 năm học. Hiện các trường THCS tại Hà Nội đã và đang tổ chức kiểm tra chất lượng giữa học kỳ II, thời gian từ nay đến khi kết thúc năm học cũng không còn nhiều. Dẫu thế, Hà Nội vẫn chưa có phương án nào cho đối tượng này quay lại trường học khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học 2021-2022.
Trước lịch học mới của học sinh, phụ huynh vừa mừng vừa băn khoăn. Câu hỏi đang được đặt ra là bao giờ học sinh lớp 1-6 và trẻ mầm non Hà Nội đi học trở lại?
Được biết, hiện nay theo báo cáo, tỷ lệ học sinh lớp 1-6 đang mắc Covid-19 và khỏi bệnh khá cao dù các em không đến trường. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục chưa có ý kiến đề xuất cho đi học trở lại mà chờ ý kiến của lãnh đạo Sở GDĐT vì đối tượng này chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi (học sinh từ tiểu học tới lớp 6), các chuyên gia y tế khẳng định, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Do đó, các bậc phụ huynh có trẻ từ 5-12 tuổi hãy cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế.
PGS.TS Lê Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế khẳng định, ông ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh, sinh viên. Theo ông Nga, nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ cho thấy nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học trực tuyến quá lâu dài.