Quá tải trường lớp, sĩ số học sinh/lớp quá đông là một thách thức rất lớn khi năm học này bắt đầu triển khai chương trình giáo dục mới ở lớp 1 và sẽ thực hiện 'cuốn chiếu' trong các năm sau. Với những áp lực đó, năm học 2020-2021, các giáo viên lớp 1 sẽ phải xoay xở như thế nào để dạy chương trình giáo dục phổ thông mới?
Giáo viên xoay xở dạy chương trình mới
Trường tiểu học An Hưng là một trong các trường có số lượng học sinh đông của quận Hà Đông, Hà Nội. Năm học 2020-2021, trường này có 6 lớp 1 với 276 học sinh. Vì trên địa bàn quận Hà Đông năm nay có 5 trường học mới đưa vào sử dụng nên trường tiểu học An Hưng được san sẻ bớt học sinh. Tuy nhiên, vẫn có lớp sĩ số 50 bạn/lớp, gây khó khăn cho các giáo viên dạy lớp 1. Tình trạng này còn diễn ra ở một số quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Theo các giáo viên, trong tháng đầu của năm học mới, họ đã phải 'xoay như chong chóng' để nắn từng nét chữ cho hàng chục học sinh.
Giáo viên xoay xở dạy chương trình mới
Cô giáo Bùi Thị Phương Hòa, Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: 'Chúng tôi không có 1 khoảng thời gian để giúp các con vào nếp trước khi các con vào năm học. Do vậy, song song với việc rèn nếp cho các con, chúng tôi cũng phải nghiên cứu tài liệu sử dụng dạy cho bộ sách giáo khoa mới năm nay'.
'Trong 1 tiết học, các cô không gọi được các con nhiều; gọi luân phiên, giờ này các con được gọi, giờ khác phải gọi bạn khác', cô giáo Nguyễn Thị Hương Liên, Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Năm nay, thành phố Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh. Theo đó, nhiều lớp các cô phải kê thêm bàn, thậm chí có lớp phải ngồi ghép 3 học sinh/bàn thì mới đủ chỗ cho các em.
Năm học 2020-2021, Hà Nội có khoảng 1.000 lớp với sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương, trường tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng. có những cách là đổi chỗ ngồi cho các bạn, làm sao tiếp cận các bạn chậm hơn, dành nhiều thời gian cho các bạn ấy. Còn bạn nào tốt hơn thì mình bố trí cho các bạn ở khu vực khác, thậm chí có thể giúp nhau học hành luôn.
Trường tiểu học điều chỉnh cách thức dạy học
Việc tăng dân số cơ học, nhất là ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh khiến ngành giáo dục gặp khó khăn trong mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp. Vướng mắc này cũng là một trong những khó khăn cơ bản của Hà Nội, TP.HCM trong việc áp dụng các mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực khi thực hiện chương trình giáo dục mới.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội đưa 44 trường mới vào sử dụng trong năm học mới, đồng thời số học sinh cũng tăng 67.594 em so với năm học trước. Việc ép sĩ số của các trường tiểu học xuống còn 50 học sinh/lớp để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bởi theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh thì mới đảm bảo được chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh mới đảm bảo được chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cho nên, nhiều trường phải tính toán, điều chỉnh các hoạt động dạy học của lớp, nhất là với những môn học cần tương tác nhóm.
Ở cấp quản lý, bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ: 'Trường Tiểu học Xuân La ở trên địa bàn dân cư đông, có quá nhiều chung cư. Do sĩ số đông nên lúc đầu nhà trường tổ chức các hoạt động có bỡ ngỡ. Bài soạn phải theo hướng mở, để cho giáo viên chủ động, có sự điều chỉnh. Chúng tôi phải tính toán lại cho phù hợp. Thứ nhất là sử dụng phương tiện dạy học bổ trợ. Thứ hai là đưa các con ra học ở những không gian thoáng hơn lớp học. Về vấn đề sĩ số đông, chúng tôi sẽ phải khắc phục dần trong những năm học sau bởi đây cũng là yếu tố khách quan'.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội nhìn nhận: 'Một tiết học đối với học sinh lớp 1 bây giờ có 35 phút. Lượng kiến thức mang tính chất bao quát, tổng hợp kế thừa chương trình cũ. Vì vậy, cái đòi hỏi cơ bản giáo viên phải linh hoạt trong 1 tiết học về phương pháp giảng dạy, ứng xử tình huống sư phạm với các con làm sao cho phù hợp'.
Mọi sự bây giờ đều trông chờ vào sự nỗ lực của mỗi giáo viên khi đứng lớp.
Học sinh lớp 1 bước vào năm học mới chưa đầy 1 tháng. Những bỡ ngỡ và hiếu động của lứa tuổi, các em sẽ khó bắt nhịp kịp với chương trình học hoàn toàn mới của năm nay. Mọi sự bây giờ đều trông chờ vào sự nỗ lực của mỗi giáo viên khi đứng lớp.