Khoảng 15h, cái nắng ở thị trấn La Gi (Bình Thuận) vẫn còn gay gắt, cháy cả da người. Ở phường Phước lộc, nhiều ngư dân đang gỡ lưới chuẩn bị cho chuyến đi đánh cá, nhiều người lớn tuổi thì lật đi lật lại mớ cá đang phơi ven đường.
Khung cảnh vẫn yên bình như mọi ngày, chỉ có khác một điều, đó là thi thoảng người ta lại nghe tiếng bàn tán xôn xao việc cô giáo H nghi có quan hệ không đúng mực với một nam sinh ở trường trung học.
'H gọi điện nói: Cứu con không thì con chết'
'Con H tính tình cũng được lắm, xưa giờ chưa nghe ai nói nó làm gì xấu cả, nay lan tràn trên mạng chuyện kia, cô cũng hết hồn', một chị hàng nước nói khi chúng tôi hỏi thăm.
Nở một nụ cười ái ngại, người đàn ông ngồi nghỉ trưa dưới bóng cây hỏi: 'Cô H giáo viên mấy bữa nay nổi tiếng phải không? Đi vào con hẻm đó vài căn, qua cái căn nhà lụp xụp là thấy ngay'.
Đi vào một con hẻm nhỏ, rẽ vào một con hẻm khác rộng chưa đầy 2 mét, theo chỉ dẫn, tôi được một người địa phương tốt bụng dẫn đường thấy một ngôi nhà 2 gian cấp 4.
Bên trong, một người tầm 65 tuổi đang giữ thang cho người đàn ông hí hoáy dán thứ gì đó lên trường.
Họ là bố mẹ của cô H, bà Tăng Thị Hòa cùng chồng. Hỏi ra mới biết, ông bà đang dán lá bùa nhằm ngăn những xui rủi về nhà.
Tỏ ra ái ngại, bà Hòa vội vàng dọn dẹp lại chiếc ghế mời chúng tôi ngồi rồi tiếp chuyện. Bà nói do lớn tuổi không biết dùng mạng nhưng cũng có nghe em, người ta nói về cái chuyện con gái bị đăng lên mạng, 'gán ghép với học sinh gì đó'.
Ở cái tuổi gần thất thập, bà Hòa đưa ánh mắt mệt mỏi nhìn ra xa xăm, nắm chặt hai bàn tay vào nhau mà nói: 'Những thông tin đó ảnh hưởng tới gia đình nhiều lắm, rất là đau đầu cháu à. Mình ra ngoài đường thì người này nhìn, người kia nhìn, bà tán xôn xao trong khi sự thật thì họ cũng biết như thế nào. Trên mạng đăng lên như thế nào thì người ta nghĩ là như thế thôi'.
Đôi mắt của bà đỏ hoe khi nói về con gái: 'H thì nó đau đầu, tinh thần suy sụp nhưng vẫn cố đi làm bình thường! Nó sốc vì suy nghĩ nhiều quá, không ăn không ngủ được, tội nghiệp cho nó! Mà cả gia đình nhà cô cũng suy sụp.
Giờ ra đường người ta hỏi này nói kia cô cũng không biết phải trả lời làm sao? Người thì nói là vu khống, người thì nói tại sao cô giáo mà lại như thế. Mệt lắm!'.
Mẹ cô Hạ buồn bã kể về biến cố của gia đình.
Nói thêm về những thông tin trên mạng, bà Hòa nói: 'Không, em gái ruột của H đang ở nhà cô đây, muốn tìm chỗ để ra ở riêng, mới nhờ H tìm nhà trọ cho em nó gần cảng để chồng đi làm cá. H nói để khi nào chị thong thả rồi đi tìm cho. Bữa đó thì có mấy đứa học sinh của con H ở khu bên đó nên nó biết nên nhờ đi tìm nhà trọ'.
Người mẹ cũng cho rằng con rể mình là một người ghen tuông, thường xuyên đánh đập vợ.
'Thời gian vợ chồng ở với nhau nó hay đánh đập con H lắm. H sắm đồ ăn mặc hay mua một cái gì là không cho. Khi sinh con xong, cái bụng nó to, H xin đi tập gym thì cũng chịu được 1 tuần rồi chồng không cho đi nữa. Đi tập gym thì bảo đi với trai, ăn mặc gọn gàng cũng bảo đi với trai.
Rồi H đi dạy thêm từ Xuân Mỹ về xa lắm, đến 7 rưỡi, 8 giờ mới về cũng ghen. Về đến nhà, H cũng lo cho con cho chồng thôi mà nay ghen, mai ghen rồi đánh đập, 3 lần rồi cô với chú phải bắt xe lên trên nhà', người mẹ nói bằng giọng buồn bã.
Không gian trong căn nhà nhỏ bỗng trầm lắng lại, hai ông bà gầy gò, kham khổ ngồi co ro giữa nhà.
Họ nói ai cũng muốn con cái được hạnh phúc nhưng bất lực, không thể làm gì giúp đỡ. Bà kể về những lần vượt đường xa lên giảng hòa cho vợ chồng con gái.
Bà kể có lần 'H gọi điện nói: Bố mẹ không lên cứu con không thì con chết. Bố mẹ lên cứu con với không thì người ta đánh con chết! Lên đó thì một người một góc, thằng con thì cũng ở một góc nằm khóc.
Xuân Mỹ thì xa, xung quanh nhà lại rất thưa mà 2 vợ chồng nó lại xây cái nhà kín lắm, có đánh nhau xảy ra án mạng khi nào cũng không biết'.
Ngồi cạnh vợ, cha cô H không kìm được cơn giận, nói thêm: 'Có lần nó đánh vợ ở ngay nhà chú, có lần vợ chồng chú còn phải bắt xe vào trong nhà. Nó đánh vợ nó như kiểu nó đánh làm thịt đó, chú tính là viết đơn để thua mà nó ở Xuân Mỹ, huyện Hàm Tân còn chú ở La Gi nên không có thời gian. Chú bực ghê!'.
'Không riêng gì H, cả gia đình cô suy sụp'
'Cô buồn lắm cháu ơi', bà Hòa nói rồi kể thêm, 'Bữa đó, bố nó bảo đưa nó về đi truyền nước, nó nói vợ con của con, bố sao mà dám mang đi. Lúc đó thì vợ chồng cô đành kệ, nghĩ để từ từ rồi khuyên nhủ để chúng nó tự lo liệu, chuyện vợ chồng nhà nào cũng có vậy thôi. Cuối cùng chú về, cô ở lại đến sáng mai vì sợ H bị chồng đánh tiếp'.
Bà Hòa kể có lần vợ chồng con gái xảy ra xung đột khi tập trung ăn uống tại gia đình: 'Lúc đó cô đùa với cháu rằng sau này mà dì sinh con thì bà ngoại thương Ken (con chị H) 10, thương con của dì 8 thôi. Lúc đó thì hai vợ chồng nó nói qua nói lại, cuối cùng chồng nó túm cổ con H đánh, cô chú ra lôi can nhưng không được'.
'Sau này làm nhà thì cô chú cho 200 triệu rồi vợ chồng nó vay thêm để xây cái nhà 400 triệu để có chỗ ở tốt hơn, gia đình êm ấm. Vợ chồng ai cũng có va vấp, con cũng cố gắng chịu đựng cho nó ổn thỏa. Nhưng sau này cuộc sống càng ngày càng khó', người mẹ ngồi lặng lẽ cho rằng gia đình từng rất quý con rể.
Bà Hòa nói ban đầu H còn được sử dụng điện thoại dù chồng thường xuyên kiểm tra tin nhắn, facebook. Nhưng thời gian sau đó, do H dạy thêm thỉnh thoảng dùng điện thoại liên lạc với các em học sinh thì chồng hạn chế cho sử dụng điện thoại.
'Về sau thì chồng nó càng ngày càng ghen tuông, không cho dùng điện thoại nữa. Khi Hạ đẻ con được 16 ngày, cô ở trên đó chăm. H mang điện thoại ra sử dụng thì chồng nó nói, H cất đi rồi ai ngờ chồng nó đập cái điện thoại đi.
Con H giận quá mới nói: 'Tôi nói cho anh biết, anh không mua cho tôi mà điện thoại của tôi mà sao anh đập'. Con H nó nói vài ba câu thì chồng lên bóp cổ trước mặt mẹ vợ', người phụ nữ nhớ lại những ngày con gái sinh cháu đầu lòng, trầm ngâm kể.
Cha của cô Hạ tạm biệt vợ, ôm thơm cháu trước chuyến đi biển dài ngày.
Ngồi cạnh đó, cha của cô H ngồi trầm ngâm nói vợ chồng ông đã xin con rể cho con gái về lại gia đình để sống như không được. Họ kể: 'H chịu không nổi, nó nói 'Mẹ ơi! Cuộc sống mà đánh đập như vậy thì lỡ không có ai can ngăn thì con chết, thôi giờ con xin li dị'.
'Khi con H trình bày thẳng thắn, chồng nó muốn lấy con và nhà, con H phải đi tay không, chưa ly dị mà nó vất đồ con H ra ngoài. Nói là 1 tuần cho gặp con 3 ngày nhưng nó không cho con xuống nhà ngoại. Mà mỗi lần con H đi thăm phải có một người đi theo bảo vệ vì sợ', cụ Hòa nghèn nghẹn nói.
'Không chỉ riêng H, cả gia đình cô cũng suy sụp. Bao nhiêu người hỏi, gặp ngoài đường cũng hỏi rồi gọi điện hỏi, mà cô chẳng biết trả lời như thế nào', cụ Hòa vừa trò chuyện vừa tỏ ra lo lắng khi chưa thấy con gái nghe điện thoại.
Bà cho biết 2 vợ chồng con gái đã ra tòa, nhưng được hẹn ngày ly hôn sau, 'Giờ chỉ muốn mọi chuyện êm xuôi, yên ổn cuộc sống chứ cô cũng không biết phải làm như thế nào cả'.
Đưa ánh mắt hiền lành khổ sở, cha của cô H nhìn xa xăm buồn bã. Với mái tóc quá nửa bạc trắng, ông già hơn nhiều so với cái tuổi 63.
Ông ngồi lặng lẽ rồi nói rằng thương con nhưng chẳng biết phải làm sao. Ở cái tuổi đáng lẽ được vui vầy bên con cháu, người đàn ông vẫn phải miệt mài với những chuyến đi biển bắt ốc hương dài ngày.
'Ngắn ngày thì đi biển vài ba hôm, dài ngày thì 15 ngày 1 tháng, cứ thế mà làm bạn với thủy cung. Nhiều hôm chú nhớ nhà thì về sớm, nhưng mỗi lần về thì đường xa lại tốn cả trăm nghàn nên cũng ngại', ông cụ hiền hậu nói.
Tạm biệt chúng tôi, ông nắm tay dặn dò vợ, ôm thơm đứa cháu nhỏ rồi vội vã lên đường đi Bình Châu cho kịp giờ hẹn chủ ghe và bạn biển. Chiều buông xuống, nắng đã ngã chéo, cái dáng gầy gò, kham khổ của ông khuất dần sau những rặng cây.