Theo quy định, năm học 2022 - 2023 các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học
Theo nghị định này, học phí đại học công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm.
So với năm học trước đó, khối ngành y dược có mức tăng mạnh nhất, lên tới trên 71%.
Theo bảng học phí năm học 2022-2023 do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mới đây, học phí các ngành, đối tượng đào tạo dịch vụ chênh lệch khá nhiều so với hệ tuyển sinh đại trà. Trong đó, Y Việt - Đức lên tới 190 triệu đồng/năm.
Đối với sinh viên chính quy năm thứ 1, học phí ngành Y khoa là 42 triệu đồng/năm; 2 ngành có mức học phí 44 triệu đồng/năm là Răng hàm mặt và Dược sĩ. Khối các ngành cử nhân có mức học phí 28 triệu đồng/năm.
Tương tự, học phí với tân sinh viên khóa mới của Trường Đại học Y Hà Nội cũng tăng đáng kể so với năm ngoái. Khối ngành đào tạo bác sĩ, từ 14,3 triệu đồng lên 24,5 triệu đồng.
Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Y Hà Nội, mức học phí mới được xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ và khẳng định đây là mức thu hợp lý, thực hiện theo quy định của Nhà nước. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục kêu gọi hỗ trợ, các nguồn học bổng để giúp đỡ sinh viên khó khăn trong bối cảnh học phí tăng.
Trong khi nhiều trường đại học tăng học phí từ năm học 2022-2023, thì một số trường đã quyết định không tăng học phí, tạm thu như năm học trước.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa có thông báo chung về học phí năm học 2022-2023. Theo đó, hiện nhà trường chưa có quyết định chính thức về mức học phí của năm học 2022 - 2023, sẽ được ấn định trong thời gian tới, căn cứ vào quyết định của Chính phủ và Bộ GDĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường chia nhiều đợt thu học phí trong năm. Mức học phí đợt 1 sẽ căn cứ vào mức học phí mà nhà trường đã thu của sinh viên năm học 2021-2022.
Học phí thu đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022-2023 là học phí tạm thu. Sau khi có quyết định mức học phí năm học 2022-2023, nhà trường sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.
Mức học phí năm học 2021-2022 đã được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giữ nguyên như mức của năm trước đó để thể hiện trách nhiệm với xã hội. Nhà trường cũng cam kết mức tăng học phí của từng chương trình đào tạo hàng năm không vượt quá 10% và mức tăng trung bình của tất cả các chương trình đào tạo không vượt quá 8%.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Trước đó, một số trường đại học cũng có quyết định không tăng học phí trong năm nay. Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ năm 2019 và thấp hơn chi phí đào tạo thực tế.
Lý giải về việc không tăng học phí, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp với mong muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm học 2023-2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng học phí nhưng không quá 10%.
Tương tự, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định không tăng học phí trong năm học này. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường giữ nguyên mức học phí đối với tất cả các ngành đào tạo. Cụ thể là 46,6 triệu đồng /năm đối với các chương trình trình độ đại học, thạc sĩ. Riêng với ngành Bảo trì và Kỹ thuật Hàng không, mức học phí là 97,86 triệu đồng/năm.
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Ngoại thương cũng không tăng học phí với các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế: Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số dự kiến 60 triệu đồng, các chương trình khác thuộc nhóm này là 40 triệu đồng một năm. Với ba nhóm chương trình còn lại, học phí tăng nhẹ, chỉ 5-10%.
Ở phía Nam, một số trường đại học cũng có thông báo tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm 2022-2023 như: Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Đà Lạt…