Hình ảnh người cha U40 vẫn cặm cụi học từng con chữ trong lớp học tình thương được chia sẻ rần rần trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Liên hệ với chủ nhân của lớp học, anh Huỳnh Quang Khải cho hay anh M. năm nay 38 tuổi đã theo học lớp học từ năm 2018. Sở dĩ anh tìm đến lớp học là bởi một lần nghe con hỏi 'ba ơi, chữ này là chữ gì', anh ấy tự ti với con, và quyết định tìm đến lớp để biết con chữ.
'Giờ anh ấy đã đọc, viết được chữ rồi, à.. còn hát cả karaoke nữa chứ. Anh ấy đã lên được lớp 3, anh ấy luôn học trước con anh ấy 1 bài. Mình hỏi để làm gì. Thì anh trả lời 'để con nó có hỏi mà biết đường trả lời chứ'. Câu chuyện khiến nhiều người xúc động vì tình cảm và sự cố gắng học hỏi của người cha. Anh muốn có thêm hiểu biết để có thể tự mình giải đáp các thắc mắc của con.
Anh M. luôn học trước con một bài để có thể giải đáp mọi thắc mắc của con.
Anh Huỳnh Quang Khải cho biết đây cũng chính là 1 trong những động lực giúp bản thân có thể duy trì lớp cho đến giờ. Trong suốt 14 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, ngoài trường hợp của anh M. anh Khải còn chứng kiến rất nhiều những câu chuyện cảm động khác.
Cũng từng là trẻ mồ côi nên anh Khải rất hiểu và thương hoàn cảnh của các em học sinh nghèo, không thể đến trường, ngày ngày vẫn phải vất vả mưu sinh. Đó là nguyên nhân chính khiến anh quyết định thành lập lớp học tình thương Ngọc Việt.
Lớp học tình thương Ngọc Việt được duy trì 14 năm qua.
'Từ lúc thành lập lớp đến giờ, số lượng học sinh chắc là không thể đếm nổi. Vì lớp đa dạng thành phần và lứa tuổi. Có những bạn bây giờ đã có vợ, có con rồi, thậm chí có những người bây giờ đã làm sui rồi.
Lúc đầu khi chia sẻ lên facebook thì mình chỉ nghĩ đây là một câu chuyện bình thường ở lớp vì những câu chuyện thế này với lớp mình không phải là hiếm. Ngoài anh M. ra trước đó mình từng dạy cho nguyên một gia đình người Khơ me ở Sóc Trăng từ ông bà cho tới cô, chú, cậu, dượng, mợ... tất cả 8 người. Họ đều không biết chữ mình đã gom về dạy. Mình chia sẻ là muốn lan tỏa cái khát vọng tìm đến con chữ của họ chứ không nghĩ lại được nhiều người quan tâm như vậy'.
Anh Huỳnh Quang Khải (SN 1991), chủ nhân lớp học tình thương Ngọc Việt.
Thời điểm dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng, anh Khải còn mở quán cơm 0 đồng mùa dịch giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Anh Khải tự vận chuyển thực phẩm, suất ăn tới các chốt, khu phong tỏa
Trong quá trình dạy học, anh Khải cho biết điều khó khăn nhất là sự kiên trì. Vì theo anh mình vốn không phải là người kiên trì và quá trình dạy cho một người lớn từ không biết gì đến biết chữ 'nó gian nan lắm'. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm của cả người học và người dạy.
'Có nhiều phụ huynh hoặc người lớn tuổi đến lớp mình học. Khi mà biết được chữ rồi thì mình cảm thấy họ hạnh phúc vỡ òa. Có một chị là phụ huynh của một bé học ở lớp mình đã nghỉ rồi, chị ấy học chung với con mình. Và chị đó học được nửa năm thì viết được tên của mình. Lần đó thì mình đã đọc chính tả cho chị đó viết và nói với chị rằng chị thử viết tên của mình vào cái tập cho em coi coi.
Chị ấy đánh vần từng chữ, từng chữ một và cuối cùng đã viết được tên của mình. Khi viết được tên mình thì chị ấy bật òa lên khóc, mình mới hỏi sao chị khóc thì chị nói: 'tôi nói thật với thầy luôn, trong cuộc đời tôi chưa bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ viết được một con chữ, tôi sẽ viết được chính cái tên của mình'.
Trong quá trình dạy học ở 'lớp học 0 đồng' anh đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động.
Nhìn thấy sự hạnh phúc của người khác khi biết chữ trở thành niềm vui và động lực giúp anh Khải tiếp tục duy trì và phát triển lớp học. Anh cũng cho biết bản thân mình học hướng dẫn viên du lịch nên cũng không có phương pháp dạy học nào cụ thể, tất cả chỉ là bản năng, ngày xưa mình được học như nào thì bây giờ dạy lại như vậy. Tuy nhiên, anh chú trọng đến việc dạy làm sao để dễ hiểu nhất nên thường lấy các ví dụ thực tế ngoài xã hội.
Anh Khải cũng cho biết thêm, chi phí để duy trì lớp học mỗi tháng khoảng 4-5 triệu bao gồm tiền điện và tiền ăn của các bạn nhỏ. Kinh phí được anh trích ra từ lợi nhuận bán bánh mì cùng với sự giúp đỡ của bạn bè và một số mạnh thường quân.
Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn khẳng định lớp học này sẽ duy trì mãi đến khi nào anh không còn khả năng nữa thì thôi.
Hiện tại, sau thời gian dịch bệnh phức tạp ở TP.HCM, lớp học tình thương Ngọc Việt đã hoạt động trở lại. Sĩ số của lớp hiện là 29 em, đa phần là các học sinh mới còn các học sinh cũ sau thời gian dịch bệnh nhiều em đã về quê cùng với bố mẹ.
(Ảnh: NVCC)