Một trong những kiến nghị đáng chú ý tại hội nghị là đề xuất lùi chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 từ năm 2022 sang năm 2025-2026.
Nghệ An thiếu gần 8000 giáo viên
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thống nhất cao về nội dung mà Bộ GDĐT đưa ra.
Năm 2020-2021, Nghệ An có trên 870 nghìn học sinh các cấp về số lượng giáo viên trên 45 nghìn. Ngành giáo dục mũi nhọn của Nghệ An được đánh giá rất cao, Nghệ An đạt 5 huy chương quốc tế. Đồng thời Nghệ An cũng quan tâm để đào tạo đội ngũ giáo viên tốt cho đôi mới giáo dục chương trình giáo dục phổ Thông. Quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục và đạt được kết quả cao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 chuyển đổi số tạo điều kiện cho học tập trực tuyến.
Cũng tại Hội nghị này, ông Trung đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, bố trí đảm bảo biên chế để đảm bảo việc daỵ học.
'Hiện nay Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp chủ yếu mầm non, tiểu học', ông Trung nói.
Đồng thời, ông Trung mong muốn Bộ xem xét hỗ trợ Nghệ An cũng như một số địa phương về cơ sở thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề nghị Nghệ An hỗ trợ đề án xã hội hóa triển khai phát triển các trường dân tộc nội trú, bán trú ở khu vực miền núi.
Đặc biệt ông Trung đề nghị Bộ xem xét báo cáo tình hình lùi lộ trình thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 10 từ 2022 sang 2025-2026 vì thời điểm này địa phương do dịch Covid-19 nên chưa đủ điều kiện xây dựng nguồn lực nhất là xây dựng chương trình, sách giáo khoa và đảm bảo đồng bộ.
Nhiều thành tích mũi nhọn
Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh về quy mô, chất lượng. Toàn thành phố có 2.792 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, 159.400 cán bộ, giáo viên; tăng 44 trường và gần 69 nghìn học sinh so với năm học 2019-2020.
Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Hà Nội đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 76,9%, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm và vượt 7% so với kế hoạch thành phố giao năm 2020.
Hà Nội tiếp tục là địa phương có số học sinh đạt nhiều giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Hà Nội chiếm 5/12 số huy chương Vàng của đoàn Việt Nam.
Đây cũng là năm học đầu tiên, Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; cũng là năm đầu tiên, hầu hết học sinh của thành phố làm bài kiểm tra học kỳ II, tổng kết năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến.
Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với hơn 93 nghìn học sinh tham dự trong bối cảnh dịch bùng phát. Thành phố đã xây dựng kịch bản chi tiết, đảm bảo thành công trọn vẹn; Tiếp đó, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Công tác bồi dưỡng giáo viên được thành phố đặc biệt quan tâm. Năm 2021, có 73 nghìn cán bộ được bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới, 3.600 cán bộ giáo viên được nâng chuẩn trình độ IELTS, 89 nghìn cán bộ giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu một số vướng mắc như quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69 nghìn học sinh nên biên chế giáo viên lớn, một số trường học quá tải. Việc quản lý học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP còn bất cập. Nhiều trường học khu vực nội thành khó công nhận đạt chuẩn quốc gia.