Sinh ra và lớn lên tại vùng núi cao Thái Nguyên, nơi chất đất đặc biệt phù hợp với các loại cây cỏ làm thuốc, PGS.TS Trần Văn Ơn và người dân bản làng đều xa lạ với thuốc tây, họ thường sử dụng các loại thảo dược, cỏ cây kiếm được trên rừng để bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế, từ nhỏ, ông đã đam mê và hiểu được giá trị của nguồn tài nguyên dược liệu của núi rừng.
Một trong những thành tựu và phát hiện đột phá nhất trong sự nghiệp của PGS Trần Văn Ơn chính là khám phá ra loài 'Dây thìa canh lá to' kỳ diệu, loại dược liệu không chỉ mới với Việt Nam mà mới với cả thế giới khi loại dược liệu này mới chỉ được định danh mà chưa từng được nghiên cứu trên thế giới.
Nhà giáo Trần Văn Ơn
Điều đáng nói là PGS.TS Trần Văn Ơn, người Sán Chay đầu tiên có những cống hiến hóa học có tiếng vang lớn, vẫn cần mẫn ngày ngày lên lớp, say mê nghiên cứu dược liệu và bền bỉ đồng hành giúp bà con dân tộc thoát nghèo nhờ những 'mỏ vàng' trên núi.
Là Trưởng bộ môn Thực vật học, Trường Đại học Dược Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Ơn đã trực tiếp tham gia các dự án như 'Bảo tồn nguồn gene cây thuốc tại Vườn quốc gia Ba Vì (hợp tác Việt Nam - Australia); đề tài 'Tăng cường cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn trên trang trại đa dạng sinh học nông nghiệp ở Việt Nam'.
Ông đã có hàng trăm bài báo, công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong nước lẫn quốc tế. Nhìn thấy sự giàu có của tài nguyên dược liệu, ông ngày đêm đau đáu làm sao để phát triển tiềm năng ấy, biến Việt Nam thành vườn thuốc của thế giới.
Từng vác balô đi khắp 3 vùng Bắc, Trung, Nam, từ những vùng núi như Thái Nguyên, đến những vùng ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận, Quảng Trị… để nghiên cứu, lăn lộn thực tế, nhà khoa học Trần Văn Ơn đã phát hiện ra dây thìa canh, loài cây được coi là ''khắc tinh'' của bệnh tiểu đường.
Năm 2008, công trình nghiên cứu cấp Bộ 'Sàng lọc các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị đái tháo đường' do ông làm chủ nhiệm đề tài đã chứng minh tác dụng của loài cây này.
Ông cho biết, trong Dây thìa canh chứa hoạt chất GS4, khi người bệnh uống vào sẽ tác động vào cả 4 quá trình: làm giảm quá trình hấp thu đường (Glucose) ở ruột; tăng sản xuất và hoạt tính insulin; tăng men sử dụng đường ở mô, cơ đồng thời tăng bài tiết cholesterol qua đường phân, giảm cholesterol và triglycerid trong máu, hạ LDL-c, giảm lipid trong máu và trong gan. Nhờ đó, loại dược liệu này vừa giúp hạ đường huyết vừa ổn định đường huyết, ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng tiểu đường.
Hiện nay, dây thìa canh đã được đưa vào sản xuất, và viên tiểu đường Diabetna đã trở thành cái tên quen thuộc trong tủ thuốc nhiều gia đình Việt Nam.
Suốt hàng chục năm gắn bó với dược liệu, PGS.TS Trần Văn Ơn luôn trăn trở với suy nghĩ tại sao người dân tộc vẫn nghèo dù họ sở hữu ''mỏ vàng'' lộ thiên như thế.
'Phải làm sao để người nông thôn khai thác được lợi thế sẵn có. Làm sao giữ những người ưu tú trong cộng đồng để phát triển kinh tế', PGS.TS Trần Văn Ơn tâm sự.
Mong muốn khôi phục lại những bài thuốc quý của các dân tộc, đồng thời phát triển nguồn gen quý từ thực vật đang ngày càng mất dần, PGS.TS Trần Văn Ơn biết rằng mình cần phải xắn tay lên để làm chứ không thể để những ý tưởng khoa học im lìm trong ngăn kéo.
'Cuộc đời tôi là một đường thẳng tắp, tất cả công việc tôi làm đều xoay quanh với cỏ cây dược liệu. Đó không đơn thuần là tình yêu mà còn là cả trách nhiệm, sứ mệnh của tôi. Chừng nào còn sống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thế này', PGS.TS Trần Văn Ơn tâm sự.
Năm 2019, PGS.TS Trần Văn Ơn đươc vinh danh tại chương trình 'Thay lời tri ân năm 2019' với chủ đề 'Thầm lặng' để tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, cống hiến và thầm lặng hy sinh đóng góp cho sự nghiệp trồng người.