Edith Stern sinh năm 1952, được biết đến là người phụ nữ có IQ cao nhất mọi thời đại với chỉ số 200. Bà cũng là một nhà phát minh với 128 bằng sáng chế, đồng thời là nhà Toán học, cựu Phó Chủ tịch nghiên cứu và phát triển tại IBM (một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ).
Ít ai biết rằng, người phụ nữ này có xuất thân rất thấp, từng sinh sống ở khu ổ chuột. Nhờ các biện pháp dạy dỗ của bố mà trí tuệ của bà được phát triển vượt trội.
Bà Edit Stern.
Tuyên bố có thể đào tạo con thành thiên tài
Ông Aaron Stern là một người Do Thái sống sót từ Thế chiến II. Được biết, ông có vốn ngôn ngữ rất phong phú (biết 7 thứ tiếng) và đảm nhận công việc dạy học cho trẻ em trong các trại tị nạn chiến tranh.
Năm 1949, Aaron cùng vợ kết hôn tại một khu ổ chuột ở Brooklyn, New York (Mỹ) và sống trong sự nghèo đói. Sau đó ông phát hiện mình bị ung thư và từng nhập viện 170 lần. Bệnh tật khiến sức khỏe người đàn ông này giảm sút và không thể đi làm như người bình thường. Thất nghiệp, ông quyết định tập trung vào việc giáo dục con gái.
Năm 1952, Edith Stern ra đời. Một ngày sau khi con chào đời, ông Aaron Stern đã mở họp báo và chỉ có hai phóng viên xuất hiện. Trước mặt 2 phóng viên, ông tuyên bố mình có thể 'đào tạo con gái trở thành người hoàn hảo'.
Ông Aaron Stern bên vợ và con gái.
Người đàn ông này đã dạy dỗ con những gì?
Ông Aaron đã khởi động 'Dự án Edith', nuôi dạy con gái theo phương châm 'mưa dầm thấm lâu'. Ông cho con nghe âm nhạc cổ điển, từ các tác phẩm nổi tiếng. Ngay khi mới vài tuần tuổi, Edith đã được bố cho làm quen với thẻ từ vựng và một số hình ảnh các loài động vật.
Ông Aaron thường xuyên đặt cho con những câu hỏi mở, tranh thủ mọi thời gian, không gian để học, ngay cả khi đang đi cửa hàng tạp hóa. Đây là cách ông giúp con gái rèn luyện trí thông minh mọi lúc mọi nơi.
Phương pháp này sau đó thực sự có hiệu quả. Edith Stern có thể trò chuyện; thực hiện các phép tính đơn giản khi chưa tròn một tuổi; đọc hết cuốn bách khoa toàn thư trước năm lên 5. Năm 12 tuổi, Edith theo học ĐH Florida Atlantic. Năm 15 tuổi, bà tốt nghiệp và bắt đầu giảng dạy chương trình Toán trình độ đại học.
Edith nhận bằng cử nhân năm 15 tuổi.
Edith sau đó nhận bằng Thạc sĩ Toán từ ĐH Michigan và có bằng Tiến sĩ ở tuổi 18. Đầu những năm 1970, bà gia nhập IBM với tư cách thực tập sinh. Sau một quá trình cống hiến, nữ thiên tài được thăng chức Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển. Được biết bà là nhà phát minh, nghiên cứu chủ chốt ở lĩnh vực công nghệ điện thoại di động tại tập đoàn IBM.
Những phát minh tầm cỡ của bà có thể kể đến như: Tích hợp Internet với điện thoại; cho phép điện thoại quay số trực tiếp điều khiển xe tải 18 bánh thông qua máy tính bảng,... Nhờ những thành tựu này, bà Edith cùng đồng sự từng giành giải thưởng Emmy. Năm 2012, bà được Cộng đồng Kỹ sư Cơ khí Mỹ trao giải Kate Gleason. Năm 2013, nữ thiên tài được Đại học Tây dương Florida trao tặng giải thưởng Talon.
Quả thật những thành tích của bà Edith khiến ngay cả cánh đàn ông cũng phải kiêng nể. Hơn nữa đây lại là một người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp ổ chuột. Trước sự thành công của con gái, năm 1971, ông Aaron đã xuất bản một cuốn sách kể lại hành trình giáo dục con của mình. Sách có tên The Making of a Genius (tạm dịch: Tạo ra một thiên tài). Ngoài ra ông còn được mời đến Đại học Stanford để thuyết giảng.
Mặt trái mà nhiều thiên tài mắc phải
Ông Aaron có đóng góp to lớn trong thành công của con gái nhưng cũng cướp đi tuổi thơ của con và gây ra nhiều áp lực. Ngày nhỏ, Edith không thật sự thân thiết với mẹ bởi luôn phải dành thời gian học tập với bố. Nữ thiên tài từng chia sẻ, hai mẹ con bà không thấu hiểu lẫn nhau. Mẹ đẻ dường như xem Edith là 'một thứ gì đó gây khó chịu'.
Mối quan hệ giữa hai cha con Aaron - Edith cũng không mấy hòa thuận, thậm chí là vô cùng căng thẳng. Theo nguồn tin từ một tờ báo ở South Florida, cặp bố con 'thầy giáo - thiên tài' không hề nói chuyện với nhau cho đến tận khi ông Aaron qua đời. Có lẽ việc mất đi tuổi thơ, không được giao lưu bạn bè, quấn quít bên người thân đã khiến cho bà Edith cảm giác ức chế. Mối quan hệ gia đình vì vậy bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên bà không cảm thấy mình bất hạnh khi bị bố bắt học nhiều và đi học đại học khi còn quá nhỏ. Bởi với nữ thiên tài này, Toán và Khoa học luôn là những bộ môn đầy hứng thú.