Sáng qua 5/9, các trường học trên địa bàn tỉnh Hải Dương đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2020-2021 (trừ một số xã có dịch). Đây là năm học có nhiều đặc biệt của địa phương khi lễ khai giảng diễn ra giữa lúc dịch bệnh, nhiều học sinh, giáo viên đang trong thời gian cách ly y tế và cũng là năm có nhiều trường học được sáp nhập mới.
Năm học đặc biệt tại huyện Ninh Giang - nơi có 18 trường học được sáp nhập. Ảnh: Đ.Tùy
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Thành Vạn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: 'Huyện chúng tôi có số lượng đơn vị hành chính cấp xã, trường học sáp nhập nhiều nhất tỉnh Hải Dương, với 14 xã và 18 trường. Mặc dù việc sáp nhập trường học chỉ cách ngày khai giảng khoảng 1 tuần, nhưng về quy trình đã được chuẩn bị từ lâu. Hiện tại những trường này bước đầu đi vào hoạt động ổn định'.
Biển hiệu tên trường Tiểu học Hồng Dụ sau sáp nhập được thay tại điểm 2 (trường Tiểu học Hồng Thái cũ). Ảnh: Đ.Tùy
Theo ông Vạn, huyện Ninh Giang có 28 đơn vị hành chính cấp xã thì có đến 14 xã sáp nhập thành 6. Trong đó có 2 đơn vị hành chính được sáp nhập từ 3 xã thành 1 (xã Tân Quang: Tân Quang, Hoàng Hanh, Quang Hưng; xã Ứng Hoè: Ứng Hòe, Quyết Thắng, Ninh Hòa) và có 18 trường mới ở 3 cấp học được lập. Đến năm học này, huyện Ninh Giang còn 24 trường mầm non, 27 trường tiểu học và 26 trường THCS với tổng số trên 31.700 học sinh.
Có mặt tại trường Tiểu học Hồng Dụ (sáp nhập giữa xã Hồng Dụ, Hồng Thái) trước thềm năm học mới khi các thầy cô đang gấp rút mọi công việc tại 2 điểm trường để đón học sinh. Mặc dù công việc nhiều, vất vả nhưng ai cũng vui mừng phấn khởi về ngôi trường mới được sáp nhập cách đây ít ngày.
Cơ sở vật chất tại điểm trường 2 - Tiểu học Hồng Dụ đang xuống cấp. Ảnh: Đ.Tùy
Cô Phạm Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: 'Năm học này trường chúng tôi có nhiều điều đặc biệt khi đây là năm đầu tiên trường được sáp nhập với quy mô lớn, số lượng học sinh đông và học tại 2 điểm trường khác nhau. Niềm vui lớn là vậy nhưng vất vả cũng nhiều. Tuy nhiên, thầy trò ai cũng háo hức vui mừng và cùng nhau cố gắng…'.
Theo hiệu trưởng nhà trường, trên thực tế, việc công bố sáp nhập trường và đội ngũ quản lý sát với ngày tựu trường, lễ khai giảng năm học mới. Cho nên, sau khi có quyết định, BGH cùng giáo viên thực hiện nhiều công việc khác nhau như: sắp xếp đội ngũ, phân công chuyên môn, dạy nền nếp cho học sinh, mua sắm trang thiết bị, tu sửa một số hạng mục xuống cấp để phục vụ năm học mới.
Cơ sở vật chất khang trang tại điểm trường 1- Tiểu học Hồng Dụ. Ảnh:Đ.Tùy
'Trường chúng tôi sau sáp nhập có 2 điểm trường. Trong đó, điểm trường 2 đã đạt chuẩn mức độ 2, cơ sở vật chất đảm bảo nhưng khó khăn về công tác ăn bán trú. Còn tại điểm 1, thuận lợi về bếp ăn bán trú nhưng cơ sở vật chất đang xuống cấp dù đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Trong khi đó, trường mới có 1 phó hiệu trưởng, thiếu giáo viên và thừa nhân viên', Hiệu trưởng Tiểu học Hồng Dụ cho biết.
Những ngày qua, không khí làm việc của cán bộ, giáo viên trường Mầm non Tân Quang 2 diễn ra khẩn trương khi cùng lúc nhiều công việc chuẩn bị năm học mới cần phải hoàn thành. Từ việc thống nhất chương trình giảng dạy; sắp xếp đồ dùng, đồ chơi; phân công nhóm lớp đến vệ sinh môi trường và lau dọn khu bếp ăn bán trú…
Giáo viên trường Mầm non Tân Quang 2 bàn luận trao đổi để thống nhất chương trình giảng dạy sau sáp nhập. Ảnh: Đ.Tùy
Cô Phạm Thị Tứ - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: 'Trong các trường sáp nhập đợt này, đơn vị chúng tôi thuộc diện khó khăn nhất bậc học mầm non của huyện. Ngoài việc có 2 điểm trường nằm cách xa nhau thì tại điểm trường 2 (xã Quang Hưng) còn thiếu phòng học, thiếu hệ thống tường bao, sân vườn chưa đạt chuẩn Quốc gia và thừa cán bộ quản lý'.
Trường mầm non Tân Quang 2 thuộc xã Tân Quang, đây là đơn vị hành chính được sáp nhập cuối năm 2019 gồm 3 xã (Tân Quang, Quang Hưng, Hoàng Hanh). Căn cứ vào Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT, trường được sáp nhập từ mầm non Quang Hưng và Hoàng Hanh cũ.
Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới tại nhà trường đã hoàn tất. Ảnh: Đ.Tùy
'Việc sáp nhập các trường mầm non trong đơn vị hành chính mới là tất yếu và cần thiết. Nhưng điều chúng tôi lo nhất là sơ cở vật chất tại 2 điểm trường. Trong khi ở điểm 1 đã đạt chuẩn Quốc gia, còn điểm 2 chưa đạt chuẩn nên chúng tôi phải xây dựng trường chuẩn lại từ đầu, việc xây dựng này liên quan đến kinh phí. Đối với cán bộ quản lý (thừa 3 phó hiệu trưởng), trước mắt BGH sẽ bố trí sắp xếp phân công nhiệm vụ công việc phù hợp, còn lâu dài phải đợi UBND huyện quyết định', Hiệu trưởng mầm non Tân Quang 2 cho biết.
Đại diện UBND huyện Ninh Giang thông tin, từ 1/12/2019, huyện đã hoàn thành việc sáp nhập 14 xã thành 6 đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên do địa phương có nhiều trường sáp nhập trong đợt này nên địa phương đề xuất với tỉnh Hải Dương lùi lại làm sau cùng.
Đồ dùng, đồ chơi được giáo viên nhà trường sắp xếp ngăn lắp, gọn gàng. Ảnh: Đ.Tùy
Trên tinh thần Nghị quyết 788 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; Thông tư số 13 của Bộ GD&ĐT và lộ trình về sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập đối với trường học trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cuối tháng 8 vừa qua, các trường học tại những đơn vị hành chính mới trên địa bàn đã tiến hành sáp nhập nhưng không sáp nhập tất cả.
Vì trong một đơn vị hành chính mới có số lớp học cùng bậc học vượt quá quy định, do đó những trường nào đủ điều kiện về quy mô số lớp tại xã sau sáp nhập, huyện Ninh Giang tiến hành thành lập mới, nếu vượt quá quy định sẽ để giai đoạn tiếp theo.
Trường Mầm non Tân Quang 2 (sáp nhập giữa mầm non Hoàng Hanh và mầm non Quang Hưng) đặt trụ sở tại điểm trường 1 thuộc xã Hoàng Hanh cũ. Ảnh: Đ.Tùy
Nói về khó khăn các trường sau sáp nhập, Phó chủ UBND huyện Ninh Giang chia sẻ, tại 1 đơn vị hành chính mới có 2 trường cùng cấp, hay cùng 1 trường nhưng lại có 2 điểm học khác nhau đóng trên địa bàn 2 xã cũ. Điều đó gây khó khăn trong hoạt động, giao dịch, tên gọi và công tác quản lý điều hành của BGH.
Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng thừa cán bộ quản lý, thừa nhân viên (kế toán, văn thư, thiết bị trường học, y tế). Do đó, trong 3 năm đầu, huyện sẽ bố trí sắp xếp phù hợp. Sau thời gian trên, những cán bộ quản lý ở các trường đến tuổi nghỉ hưu sẽ thực hiện công tác luân chuyển hợp lý.
Đối với những đơn vị có nhân viên đã được biên chế chính thức sẽ được bố trí hợp lý cho những trường còn thiếu. Riêng nhân viên hợp đồng tại các trường trong toàn huyện sẽ chấm dứt sau khi hết thời gian ký kết.
Huyện Ninh Giang có số đơn vị hành chính cấp xã và số trường sáp nhập nhiều nhất tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đ.Tùy
'Mặc dù việc thực hiện sáp nhập các trường sát với năm học mới và giữa lúc ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên chúng tôi tin rằng, với đội ngũ cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm sẽ sớm khắc phục khó khăn và đưa trường mình hoạt động ổn định để có nhiều đột phá trong năm học đặc biệt này', Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết.