Có thể nói, lựa chọn ngành nghề là một trong những bước ngoặt lớn của cuộc đời mỗi người. Ngoài việc xem xét năng lực, sở thích, điều kiện thì việc căn cứ vào nhu cầu xã hội chính là yếu tố cần thiết để bạn có thể lựa chọn đúng ngành nghề với bản thân.
Trên thực tế, dù xã hội biến động, dịch bệnh... thì có những ngành nghề vẫn hầu như vẫn 'sống khỏe' và không bao giờ lỗi thời.
Thương mại điện tử
Giữa tình hình dịch bệnh, hàng loạt các công ty sa thải nhân viên vì không còn đủ khả năng chi trả thì ngành thương mại điện tử vẫn cần một lực lượng nhân lực lớn để giao hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tại gia của người dân.
Vì thương mại điện tử có thể sống sót nên các lĩnh vực liên quan như sản xuất hàng tiêu dùng, vận chuyển hàng hóa hay quản trị hệ thống website cũng được hưởng lợi.
Thương mại điện tử vấn sống tốt qua dịch. (Ảnh minh họa)
Những ngành học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử bạn có thể tham khảo bao gồm công nghệ thông tin, marketing hay truyền thông quảng cáo. Nếu bạn chọn con đường du học thì có thể cân nhắc chọn đúng ngành là thương mại điện tử (e-commerce).
Điện lực, cấp thoát nước và xăng dầu
Điện là nguồn năng lượng thiết yếu của cuộc sống con người. Nước cũng là cái không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày nên những công ty cấp thoát nước khó có thể bị đóng cửa. Xăng dầu vốn là nhiên liệu được tiêu thụ mỗi ngày cho việc di chuyển nên không bao giờ mất khách vì vẫn có không ít người phải ra đường làm việc trong mùa dịch.
Điện là nguồn năng lượng thiết yếu của cuộc sống con người. (Ảnh minh họa)
Những ngành học sau khi tốt nghiệp có thể đầu quân vào công ty điện, cấp thoát nước hoặc sản xuất xăng dầu bao gồm kỹ sư điện, kỹ sư môi trường, kỹ sư dầu khí, quản lý nguồn nước,… Những ngành học này có thể ít được báo chí nhắc đến và không thật sự hào nhoáng như những lĩnh vực khác nhưng luôn đóng vai trò cốt lõi trong sự tồn tại của xã hội loài người.
Pha chế chuyên nghiệp
Pha chế là một ngành được xem là khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ hiện nay. Trong những năm trở lại đây, pha chế đang dần trở thành ngành nghề thu hút số lượng lớn các bạn trẻ theo học. Thu nhập cao, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong một môi trường năng động là điều thu hút giới trẻ với công việc pha chế.
Đi cùng với nhu cầu ăn chính là nhu cầu uống, giải khát của con người. Ở đâu có phục vụ ẩm thực, ở đó đều cần đến đội ngũ nhân viên pha chế. Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh đồ uống trong các NHKS, quán bar, quán cafe… ngày càng đa dạng và có nhu cầu tuyển dụng Bartender, Barista rất lớn.
Pha chế là ngành khá mới mẻ ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Viễn thông
Lĩnh vực viễn thông vẫn có một chỗ đứng khá vững chắc khi người dân mỗi tháng vẫn phải chi tiền cho internet, truyền hình cáp và các dịch vụ nghe gọi khác.
Những ngành học bạn có thể tham khảo để sau tốt nghiệp có thể đầu quân vào môi trường viễn thông là kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, kỹ sư viễn thông, khoa học máy tính hay truyền thông đại chúng. Tương tự như các lĩnh vực khác, viễn thông vẫn cần các bộ phận khác để hoạt động trơn tru nên bạn không nhất thiết phải chọn học các ngành đặc thù của kỹ thuật viễn thông mà vẫn có thể tự do chọn học marketing hay thậm chí là quản trị kinh doanh.
Marketing
Marketing là một hình thức không thể thiếu trong kinh doanh, bao gồm tất cả các hoạt động hướng tới khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu. Mục tiêu cao nhất của Marketing chính là trở thành chiếc cầu nối bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng mục tiêu.
Đi cùng với thời đại kỹ thuật số hóa, ngành Marketing ngày càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Marketing bao gồm các khía cạnh như: nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện…
Nếu năng động và yêu thích ngành này, bạn có thể theo đuổi các chuyên ngành Marketing như: Quản trị marketing, Quản trị bán hàng, Hành vi người tiêu dùng, Chiến lược sản phẩm, Chiến lược giá và phân phối, Quảng cáo và khuyến mãi, Marketing quốc tế, Marketing dịch vụ, PR…
Y tế
Y dược là một ngành học 'hot' từ lâu nay cho những bạn có học lực khá giỏi trở lên. Dù ở bất cứ đâu, thời đại nào thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người vẫn luôn được ưu tiên, chú trọng. Ngành nghề này đòi hỏi bạn phải trang bị kiến thức chuyên môn sâu rộng, vững chắc để có thể sẵn sàng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và cả những người thân trong gia đình.
Trở thành bác sĩ, dược sĩ giỏi và có tâm huyết trong tương lai, bạn có vô số cơ hội lựa chọn việc làm hấp dẫn, ổn định như: làm việc trong bệnh viện nhà nước, mở phòng khám tư, bán quầy thuốc hay trình dược viên… Sau khi học xong bạn chọn con đường làm bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ hay vị trí nào khác là lựa chọn cá nhân dựa vào năng lực và sở thích của mỗi người.