Những ngày này, dư luận trong nước xót xa trước thông tin nam sinh 12 tuổi ở Hà Nội nhảy lầu tự tử do làm bài thi không tốt. Sự việc gây xôn xao dư luận và khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Thực tế việc học sinh có hành động tiêu cực do áp lực học tập từ trường lớp, gia đình không phải hiếm. Trên thế giới đã có nhiều vụ học sinh tự tử vì áp lực học tập gây chấn động.
Học sinh tiểu học ở Trung Quốc để lại lời nhắn 'con quá mệt mỏi với chuyện học hành' rồi tự tử
Ngày 15/12/2020, một cô bé tiểu học ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã tự tử bằng cách nhảy từ tầng cao của tòa nhà. Trước đó, cô bé để lại một tờ giấy ghi dòng nhắn xót xa: 'Khi mọi người đọc bức thư này, có thể con đã chết rồi. Con quá mệt mỏi với chuyện học hành. Từ nhỏ, cha mẹ luôn kỳ vọng con trở thành người lớn, lấy đi những gì con mong ước.
Nhưng bù lại, con nhận về sự thất vọng của cô giáo, những lời đùa của đám bạn cùng lớp. Con tuyệt vọng lắm, chỉ muốn ngủ thêm một giấc nữa thôi'.
Áp lực học tập cùng những kỳ vọng quá mức từ cha mẹ, thầy cô khiến cô bé mệt mỏi và tuyệt vọng mà tìm đến cái chết.
Hiện trường vụ nhảy lầu của cô bé Tiểu học ở Tứ Xuyên
Theo thống kê từ The Economist, tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Trung Quốc đứng đầu thế giới, lên đến 100.000 người mỗi năm. Trung bình cứ 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người khác có ý định tương tự.
Thống kê cũng cho thấy trong những năm gần đây, ý định tự tử của học sinh trung học tại Trung Quốc tăng cao so với năm 2002. Phần lớn nguyên nhân liên quan đến áp lực học tập, gánh nặng từ gia đình và những xung đột ở trường học.
Theo thống kê của VCT News, trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, Trung Quốc xảy ra hàng loạt vụ tự tử ở học sinh. Chỉ tính riêng tại thành phố Thượng Hải, có 14 trường hợp học sinh tự tử, phần lớn nguyên nhân đều bắt nguồn từ áp lực học tập.
Ngày 31/8, một nam sinh 12 tuổi ở Hồ Nam tự kết liễu đời mình do không thể hoàn thành bài tập về nhà. Một nam sinh 17 tuổi ở An Huy cũng nhảy lầu vào cuối tháng 4 với lý do tương tự.
Cuối tháng 3, một học sinh 9 tuổi ở tỉnh Hà Bắc bị giáo viên đuổi khỏi lớp học online vì không hoàn thành bài tập đúng hạn. Em nhảy từ tầng 15 của tòa nhà và không qua khỏi.
Một học sinh khác ở tỉnh Hà Bắc cũng chọn cách giải thoát tương tự. Được biết, vì có biểu hiện thiếu tích cực khi học online, em bị cha mẹ chỉ trích bằng những lời lẽ nặng nề.
Báo cáo về các vụ tự sát ở học sinh cho thấy những vụ việc trên đều liên quan đến căng thẳng tâm lý, phần lớn học sinh đều không thể chịu được áp lực học tập và sự thất vọng do cha mẹ, thầy cô mang lại. Vì thế, các em chọn kết thúc cuộc sống của mình theo những cách cực đoan.
Bị trả nhầm điểm thi, nữ sinh gieo mình tự vẫn
Cuối tháng 10 vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin sự việc thương tâm xảy ra với nữ sinh 21 tuổi tên là Mared Foulkes - sinh viên ngành Dược ở Đại học Cardiff. Cô đã tự tử sau khi nhận được email tự động từ nhà trường. Theo đó nữ sinh chỉ đạt được 39 điểm trong bài thi - tức là bị trượt môn.
Tuy nhiên điều đau lòng là sau đó, nhà trường đã gửi lại mail cho biết số điểm thực của Foilkes. Do có sự nhầm lẫn nên trường gửi nhầm điểm và thực tế Foilkes đã đạt được 62 điểm - ngưỡng điểm đủ qua môn.
Cô gái đã gieo mình bên cây cầu Britannia, nối Anglesey và xứ Wales. Sau 12 giờ nữ sinh này mất tích, cảnh sát tìm thấy dấu vết của cô. Cô gái 21 tuổi đã chết trên những tảng đá dưới cây cầu. Gia đình Mared Foulkes cho rằng chính kết quả thi là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết đau lòng này.
Nữ sinh Mared Foulkes
Học sinh Malaysia treo cổ tự tử vì phải làm quá nhiều bài tập về nhà
Bi kịch xảy ra tại nhà của cậu bé ở ngoại ô George Town, Penang, Malaysia. Vào khoảng 8h30 tối 24/8/2019, bố của cậu bé thấy bất thường vì con trai đã vào phòng tắm 30 phút chưa ra. Tiếng nước vẫn chảy, anh mở cửa và thấy con trai mình đã treo cổ tự tử bằng chiếc khăn tắm. Cậu bé mất trên đường đi đến bệnh viện Penang.
Theo cảnh sát quận George Town, trước đó, các giáo viên đã liên lạc với phụ huynh khi cậu bé không hoàn thành bài tập về nhà. Vào hôm xảy ra sự việc đau lòng, trước khi rời khỏi nhà, mẹ của cậu đã la mắng, bắt cậu làm xong bài tập.
Đứa trẻ vốn không có hứng thú học tập và từng phàn nàn với mẹ về việc có quá nhiều bài tập về nhà, giờ lại bị mẹ la mắng nên chán nản mà tìm đến cái kết tiêu cực.
Cái chết của nam sinh khiến dư luận Malaysia chấn động. Khi ấy, Bộ trưởng Giáo dục Maszlee Malik cho biết sẽ tiến hành cuộc điều tra riêng trước khi đưa ra các phương pháp khác nhằm thay đổi việc dạy và học hiện nay nếu cần thiết.