Những cái chết thương tâm
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 5 đến nay, trên cả nước xảy ra hơn chục vụ đuối nước, nạn nhân là trẻ em. Điển hình là ngày 22/5, một học sinh ở huyện Quỳ Châu đến huyện Thanh Chương (Nghệ An) để ôn thi đại học. Do trời nắng nóng, em học sinh này ra khúc sông Lam tắm rồi không may bị đuối nước.
Cùng ngày 22/5, hai anh em ruột là Bùi Hữu N. (16 tuổi) và Bùi Hữu Đ. (14 tuổi), trú tại xóm Lưu Tiêu, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đi cắt cỏ, gặp trời nắng nóng nên đã cùng xuống đập Lưu Tiêu tắm và không may bị đuối nước, tử vong.
Dạy bơi cho trẻ cần phải dạy thêm kỹ năng bơi cứu đuối.
Vào ngày 25/5, cũng tại tỉnh Nghệ An, 3 cháu nhỏ trú tại bản Lở, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương ra song Nậm Mộ tắm, bỗng nhiên 2 cháu (9 và 11 tuổi) không may bị nước cuốn mất tích. Nhiều giờ đồng hồ sau, lực lượng cứu hộ của địa phương mới tìm thấy thi thể của các cháu trôi xa cách nơi gặp nạn 10km. Điều đau xót là trong 1 tuần, tại tỉnh Nghệ An xảy ra 4 vụ đuối nước làm 6 trẻ em tử vong.
Vào những ngày cuối tháng 5, hàng loạt vụ đuối nước trẻ em xảy ra ở một số tỉnh phía Nam. Điển hình là ngày 25/7, hai học sinh lớp 8 (xã An Phước, tỉnh Vĩnh Long) là anh em song sinh tử vong khi đi bắt cá và tắm ven bờ sông Cổ Chiên. Ngày 28/5, tại tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ đuối nước làm 3 chị em ruột trong một gia đình tử vong khi tắm ở sông Bà Dư.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 trẻ bị đuối nước, trong đó có 5 trường hợp dưới 6 tuổi và 6 trường hợp trên 6 tuổi.
Mới đây nhất, ngày 2/6, khi vừa nghỉ hè được vài ngày, nam sinh lớp 6 Trường THCS Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng tử vong vì đuối nước khi đang bơi trên kênh Đặng Quốc Hồng đoạn qua địa bàn xã Đặng Cường.
Năm nào, cứ vào dịp gần hè, mối lo ngại và quan tâm của phụ huynh, nhà trường cũng như xã hội là đuối nước của trẻ em. Mặc dù được cảnh báo, tuyên truyền, song những vụ đuối nước thương tâm vẫn xảy ra với nhiều em nhỏ. Đặc biệt, nhiều vụ trẻ đuối nước được cứu, nhưng do không biết cách sơ cứu, đã khiến trẻ càng nguy kịch hơn.
Cha mẹ hãy để mắt đến con
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho một trẻ 6 tuổi bị đuối nước, tuy được cứu lên bờ, song do sơ cứu ban đầu không đúng cách khiến trẻ lâm vào nguy kịch, đang phải thở máy. 'Vài phút đầu là 'thời gian vàng' để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ, nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu oxy não kéo dài', TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Khi bị đuối nước, nhiều trẻ em may mắn được phát hiện và cứu kịp thời, do người cứu các em biết sơ cứu đúng cách. Điển hình là bé trai 11 tuổi ở huyện Đà Bắc, Hoà Bình bị trượt chân xuống dòng suối gần nhà vào cuối tháng 5 vừa qua, sau đó bị đuối nước. Bé trai được cứu sống, một phần do bé may mắn được đưa lên mặt đất kịp thời, cách sơ cứu hiệu quả của người nhà là tiến hành ép tim, hà hơi, bế dốc ngay lập tức, sau khi bé thở lại thì được đưa ngay đến bệnh viện.
Theo BS Ninh Duy Kiên, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, trường hợp này nếu không phát hiện kịp thời, sơ cứu không đúng cách, trẻ có nguy cơ suy hô hấp, thiếu oxy lên não, dẫn đến bại não và các di chứng khác, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đuối nước mỗi khi hè đến? Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), phải tiếp tục tăng cường truyền thông trong trường học, trong gia đình, đặc biệt các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều sông, hồ, ao…
Đặc biệt, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, để mắt đến trẻ, phải chủ động phát hiện trong nhà mình, xung quanh nhà mình có những gì là nguy cơ gây mất an toàn, gây tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là đuối nước để rào chắn, che đậy, loại bỏ nguy cơ. Hơn nữa phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho con không đến gần ao, hồ, sông, suối; không xuống tắm và phải cùng có mặt khi trẻ vui chơi…
Tại Hà Nội, trong một vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh biết bơi đã tăng cao. Các trường tiểu học đã đưa bơi lội gần như trở thành một môn học. Nhà trường khuyến khích phổ cập bơi cho học sinh tiểu học, đồng loạt triển khai tổ chức thi và cấp chứng chỉ bơi cho học sinh trong dịp nghỉ hè. Các trường phối hợp với đơn vị tổ chức dạy và thi bơi ở trường, trường nào không có bể bơi thì dùng bể bơi lắp ghép.
Theo BS Nguyễn Trọng An, dạy trẻ biết bơi là quan trọng nhất, Quan trọng là phải dạy trẻ biết bơi, đặc biệt là kỹ năng bơi cứu đuối để có thể thoát nạn. Bởi lẽ, rất nhiều em bé mới biết bơi khi thấy bạn mình chết đuối thường nhảy ào xuống cứu bạn từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng chết đuối cả 2 một cách đầy xót xa.