Học sinh lớp 12 tích cực vừa học vừa ôn thi tốt nghiệp do kỳ thi chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Ảnh minh họa: Q.Anh
Vừa học vừa 'tăng tốc' ôn thi
Năm học 2019-2020 trở nên đặc biệt với nhiều học sinh, đặc biệt là với những em học lớp 12, vì trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch COVID-19 chuyển sang học tập trực tuyến, học trên truyền hình. Sau 3 tháng nghỉ, ngày 4/5 vừa qua hàng triệu học sinh tại Hà Nội đã trở lại trường học, đối với khối 12 được ưu tiên học nhiều hơn ở giai đoạn đầu khi vẫn còn thực hiện giãn cách trong trường học. Đến ngày 7/5, các trường mới tổ chức học như bình thường khi Bộ GD&ĐT thông báo tới các địa phương thực hiện không giữ khoảng cách giữa các học sinh trong lớp học, không khuyến khích đeo khẩu trang trong lớp học.
Theo ghi nhận, tại một số trường THPT tại Hà Nội như: THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm), THPT Lương Thế Vinh (huyện Thanh Trì)… ngay trong thời gian nghỉ học vì COVID-19, các trường đã đẩy mạnh quan tâm đến học sinh khối 12, bên cạnh tổ chức học trực tuyến nội dung chương trình mới, các giáo viên của trường tăng cường ôn tập chú trọng đến các môn học sẽ dự thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Các trường triển khai ngay kế hoạch vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh khối 12, bởi kỳ thi cũng chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là diễn ra.
Đối với học sinh, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo đã bắt tay vào việc vừa học vừa ôn tập bởi thời gian năm học sắp kết thúc, kỳ thi cũng cận kề sau đó. 'Năm nay các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, trong đó có các trường đại học 'tốp đầu', đây là tin vui, nhưng cũng là áp lực không nhỏ bởi đề thi tham khảo không quá khó, nên sức cạnh tranh cũng sẽ rất cao. Em có dự định dự tuyển vào nhóm các trường điểm cao, nên sẽ phải tích cực trong học tập, bởi ngoài lấy điểm thi cao, chắc chắn các trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển', Ngọc Tuấn, học sinh lớp 12 tại Hà Nội chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, Phương Anh-lớp 12 Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) tâm sự: 'Đợt nghỉ vừa qua em cũng tận dụng để ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã học của học kỳ I và ôn thêm một số nội dung của lớp 11. Trở lại học chính khóa dù được các thầy cô dạy lại các kiến thức quan trọng khi đã học trực tuyến, song em cũng dành thêm nhiều thời gian hơn nữa để ôn tập, làm thêm các đề tham khảo. Sau khi kết thúc năm học khoảng gần 1 tháng là thi rồi, nên cách tốt nhất vẫn là vừa học vừa ôn thi. Để đỗ tốt nghiệp chắc không khó, nhưng quan trọng nhất là phải có kết quả tốt để vào đại học'.
Khảo sát, thi thử làm quen với thi tốt nghiệp
Chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, dự kiến Hà Nội có khoảng 85.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai một số nội dung như: Chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập, hoàn thành kế hoạch năm học theo đúng khung thời gian của Bộ GD&ĐTvà bám sát chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Sở triển khai rà soát các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự...
'Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, nghiên cứu để chọn hình thức và thời điểm hợp lý để triển khai kỳ khảo sát cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố. Đây được coi là đợt 'tập dượt' cho các thí sinh làm quen với cách thức thi cử, kết quả không được tính vào điểm chính khóa, nhưng là cơ sở để các trường tham khảo để có kế hoạch bồi dưỡng học sinh', ông Phạm Quốc Toản chia sẻ thêm.
Ngoài kỳ khảo sát đối với lớp 12 theo dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng đã lên kế hoạch tổ chức kiểm tra học kỳ, thi thử đối với học sinh lớp 12. Đây là hoạt động được tổ chức giống như kỳ thi thật với nội dung đề thi được thiết kế theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, học sinh được chia phòng thi và ngồi theo số báo danh… Đại diện một số trường THPT cho biết, hoạt động này được tổ chức hàng năm, mục đích là để phân loại học sinh, đối với những em có điểm thi thấp sẽ được giáo viên phân loại, chia thành các lớp để kèm cặp thêm.
Để giúp học sinh ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện Chương trình dạy học trên truyền hình từ ngày 11/5 đến ngày 16/5. Theo đó, các bài dạy trên truyền hình là các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học trong chương trình lớp từ lớp 4 đến lớp 12 năm học 2019 - 2020. Đối với lớp 12 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Đây là các môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức với 5 bài thi, bao gồm: Ngữ văn (theo hình thức tự luận), Toán, Ngoại ngữ, Tổ hợp môn Khoa học xã hội (các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học). Để xét tốt nghiệp, thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Dự kiến kỳ thi được tổ chức từ ngày 8/8 đến 11/08/2020.