Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông có suy nghĩ gì khi năm nào cũng xảy ra tình trạng lạm thu dù xã hội rất bức xúc và các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc xử lý kỷ luật?
Tôi làm trong ngành giáo dục và tôi tin tất cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Họ chỉ mong toàn tâm toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất, tuy nhiên do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư.
Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm một việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án.
Theo ông, nếu các đơn vị thu sai quy định thì cần xử lý người đứng đầu ra sao? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra vấn về lạm thu thế nào?
Việc thu sai ở đây có thể xảy ra 3 trường hợp. Một là đúng nghĩa lạm thu, tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt. Ví dụ khi một lớp học không có điều hòa, nhà trường đứng ra cùng phụ huynh phân bổ cho mỗi học sinh phải đóng 1 khoản tiền nhất định để lắp điều hòa, thì đó là thu sai. Nếu thu sai như thế, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính do vi phạm quy định của ngành, đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.
Trường hợp khác thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng đồng tiền thu ấy là không đúng theo quy định về mặt công khai minh bạch thì đó là sai phạm về mặt tài chính, phải xử lý về mặt tài chính. Nếu trầm trọng hơn là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV hy vọng quy định mới về tài trợ cho giáo dục sẽ khắc phục được việc lợi dụng ban phụ huynh để lạm thu
Làm sao để phân biệt được khái niệm xã hội hóa giáo dục và cậu chuyện tận thu, lạm thu đầu năm học?
Đầu tư của nhà nước đã có sự ưu ái quan tâm cho giáo dục nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, đặc biệt người học mong muốn đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất để học tập tốt hơn.
Rõ ràng với nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, và nhu cầu cao của người dân như hiện nay, cùng với những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đầu tư cho giáo dục cần nhiều hơn thế trong khi ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được hết. Luật Giáo dục quy định, nhà nước sẽ lo các phần đảm bảo giáo dục cơ bản, và đào tạo tinh hoa. Còn dịch vụ giáo dục chất lượng cao cần huy động sức mạnh từ xã hội.
Thực tế cho thấy, trong chi tiêu ngân sách gia đình, phần chi tiêu cho giáo dục vẫn chiếm phần lớn nhất. Phụ huynh Việt Nam – nhất là những phụ huynh có điều kiện kinh tế không tiếc tiền đầu tư để con mình có điều kiện, môi trường học tập tốt nhất, thậm chí không thua kém các nước phát triển hơn. Điều này thể hiện ở việc số lượng các trường tư thục, trường quốc tế đã tăng lên rất đáng kể trong thời gian qua ở các thành phố lớn.
Nguồn lực trong dân là có thật và người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ chính sách quản lý nhà nước sẽ cân đối, điều hòa như thế nào để những đóng góp, tài trợ này thực sự xuất phát từ sự tự nguyện của những người có điều kiện, từ mục đích tốt đẹp là vì giáo dục và khoản đầu tư này được chi cho hoạt động giáo dục một cách công khai minh bạch, hiệu quả.
Do đó, khi người học có khả năng và có nhu cầu, việc phải thực hiện biện pháp xã hội hóa để nâng cao chất lượng, đó là điều tất yếu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học.
Điều này thể hiện hơn nữa trách nhiệm xã hội của nhà tài trợ, những người trước đấy có thể đã được hưởng những hoạt động về giáo dục, đào tạo, xã hội, bây giờ họ thể hiện trách nhiệm về hệ tương lai, điều đó cần được khuyến khích.
Tuy nhiên ta cũng biết giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, ta cần đưa ra tiêu chí. Xã hội hóa cần đảm bảo 3 yêu cầu: đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu làm tốt 3 điều này thì sẽ không còn câu chuyện lạm thu.
Theo ông làm sao để mỗi phụ huynh mỗi nhà trường hiểu được về xã hội hóa và các địa phương thực hiện thật nghiêm xã hội hóa và tránh được tình trạng lạm thu?
Tôi cho rằng để làm được việc đó phải có quy định rõ ràng chặt chẽ về việc thu chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục. Bộ GĐ&ĐT vừa ban hành Thông tư số 16, quy định rõ nội dung của xã hội hóa là cái gì, khi xã hội hóa như thế nào, quy định rõ những gì không được lợi dụng xã hội hóa để ràng buộc dịch vụ… Tôi đánh giá đó là thông tư tốt sẽ đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ, nề nế, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn lạm thu.
Nhờ vậy, người đóng góp sẽ biết mình cần đóng góp thế nào cho đúng quy định, người thu nhận cũng phải tiếp nhận đúng cách. Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm. Một trong những điểm theo tôi là sẽ tránh được khó xử cho các cô giáo khi Thông tư quy định: việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua Tổ tiếp nhận.
Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Như vậy sẽ tránh được tình trạng Ban đại diện phụ huynh thông đồng với nhà trường để lạm thu của các phụ huynh khác và chi sai mục đích.
Tuy nhiên, chúng ta phải tuyên truyền để nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải nhận thức rõ muốn xã hội hóa chúng ta phải làm gì, làm như nào và khi nào được xã hội hóa. Cần thông tin tuyên truyền cho hội cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa đó để nâng cao nhận thức của xã hội, huy động được đóng góp xã hội cho phát triển giáo dục nhưng không xảy ra tình trạng lạm thu.
>> XEM THÊM: Chấm toán 12+8=4, cô giáo trẻ gây tranh cãi khi phép tính cơ bản còn sai