Sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt năm học 2020 - 2021 có nội dung được đánh giá là nặng và không phù hợp. Ảnh: TL
Nhiều vòng thẩm định bởi chuyên gia, giáo viên
Về quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian triển khai theo thời hạn quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản mẫu SGK của 9 môn học và hoạt động giáo dục ở lớp 1, từ 3 nhà xuất bản gửi về. Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập 9 Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các Hội đồng gồm đầy đủ các thành phần là: Nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay, sau khi tiếp nhận bản mẫu SGK từ Ban Tổ chức, mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập (15 ngày). Tiếp đó Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (7 ngày) gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản mẫu SGK, thảo luận tập trung công khai về bản mẫu SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng và thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có).
Sau hai vòng thẩm định, ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với 32 cuốn của 8 môn học và hoạt động giáo dục gồm: Môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm. Ngày 21/2/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục ký Quyết định 512/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với 7 SGK được phê duyệt nâng tổng số SGK lớp 1 lên 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nhiều SGK lớp 1 được sử dụng trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam. Các sách bảo đảm tính 'mở', linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Có 'sạn' thì phải 'nhặt' và điều chỉnh
Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh có con học lớp 1 phản ánh về sách Tiếng Việt lớp 1, TS Thái Văn Tài chia sẻ: 'Khi ban hành chương trình, chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của Hội đồng Thẩm định Quốc gia. Bộ SGK lớp 1 đã được thẩm định bởi Hội đồng Quốc gia với những quy định chặt chẽ, nên những nhận định cho rằng chương trình, SGK mới nặng là chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có đưa một nội dung đó là sự phát triển, điều chỉnh chương trình trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe phản biện, những việc phát sinh diễn ra trong thực tế khi có đầy đủ những giai đoạn, các căn cứ khoa học, có đánh giá đầy đủ nhiều mặt'.
Mới đây, GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 đã lên tiếng, ông cho rằng, khi thẩm định SGK, Hội đồng Thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định. Cũng theo GS Mai Ngọc Chừ, khi thẩm định có ba cấp độ: Chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Những nội dung chưa phù hợp, Hội đồng Thẩm định sẽ yêu cầu bắt buộc phải sửa chữa. Nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và Hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả.
Chỉ ra thực tế của việc đổi mới chương trình, SGK sẽ có nhiều điểm mới cần triển khai và được giải thích, nếu có 'sạn' thì phải 'nhặt' để hoàn thiện, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: 'Tôi cũng đã được nghe ý kiến trực tiếp từ một số giáo viên lớp 1 được tập huấn kỹ thì đều thấy chương trình rất tốt nhưng đối với những người chưa được tập huấn kỹ thì còn lúng túng. Nhiều phụ huynh chưa được tiếp cận, nắm rõ chương trình, phương pháp giảng dạy mới… Bộ GD&ĐT phải tập huấn rất kỹ cho giáo viên để hướng dẫn, trao đổi lại cho các bậc phụ huynh nắm rõ và đồng hành'.
Liên quan đến thông tin sách Tiếng Việt lớp 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách Tiếng Việt lớp 1. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng Thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10.
Tại cuộc họp tại trụ sở Chính phủ vào chiều 12/10 về việc xử lý các ý kiến về sách Tiếng Việt lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều ý kiến góp ý về một cuốn SGK mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu. Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GD&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới. Đình Nam |