Tư vấn tâm lý tại Trường tiểu học Trần Nhật Duật, Hà Nội. (Ảnh KHÁNH THU)
Với đặc thù có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, thời gian qua, Trường phổ thông dân tộc Nội trú THCS và THPT Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La) luôn chú trọng công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường. Cô giáo Lê Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hằng năm, trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đặc thù như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc…
Các hoạt động được triển khai theo hình thức tập thể, câu lạc bộ. Ngoài việc quan tâm hơn đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhà trường cũng đã phát hiện ra các nguy cơ trong và ngoài nhà trường có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, trong đó có cả trường hợp học sinh bị xâm hại, bạo lực.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Sơn La Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Phát triển công tác xã hội trường học là một trong những giải pháp phát huy năng lực bản thân, chuẩn bị hành trang cho sự phát triển toàn diện của học sinh, góp phần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Công tác xã hội trường học cần được chú trọng nhằm cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và giáo viên. Việc giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em thay đổi những hành vi không mong muốn như: Không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật; hỗ trợ các em khai thác, phát huy những điểm mạnh của bản thân để thành công trong học tập, định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống ma túy, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế như trẻ ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật.
Tại Hà Nội, cô giáo Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Học sinh THCS đang ở giai đoạn tâm sinh lý phát triển mạnh. Các em nhận thức nhiều vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ, chịu nhiều tác động từ xã hội và không gian mạng nên dễ nảy sinh các hành động tiêu cực.
Vì vậy, công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng nhằm giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống. Học sinh sẽ giải quyết được những vấn đề đang phải đối mặt như học tập, thi cử, quan hệ với bạn bè, giáo viên, phụ huynh. Cùng với đó, nhà trường tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh về công tác tư vấn tâm lý học đường; xây dựng kế hoạch tư vấn, tham vấn cụ thể theo từng năm học.
Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những vai trò quan trọng của công tác xã hội trường học là giúp phụ huynh hỗ trợ và tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động giáo dục con em mình. Thông qua các hoạt động này, phụ huynh hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ, tiếp cận các nguồn lực của trường học, cộng đồng, hiểu biết hơn về các dịch vụ giáo dục đặc biệt và tăng cường kỹ năng làm cha mẹ.
Ngoài ra, công tác xã hội trường học giúp các thầy giáo, cô giáo giảm căng thẳng, áp lực trong công việc, thúc đẩy công tác phối hợp với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh để tiến hành hiệu quả công tác giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt, đồng thời hiểu hơn về gia đình học sinh cũng như những yếu tố văn hóa và cộng đồng ảnh hưởng đến học sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo: Trên thực tế, công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học có sự giao thoa và hỗ trợ lẫn nhau. Trong giai đoạn 2015-2022, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành một số văn bản đồng thời thực hiện triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành quy chế hoạt động của website về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Website có chức năng quản lý và công bố thông tin chính thức của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học; tích hợp thông tin quản lý, điều hành hoặc trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học… tạo kênh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Thông qua website, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học có thêm kênh thông tin chính thức về những nội dung liên quan.
Theo Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Trần Văn Ðạt, để công tác tư vấn đạt hiệu quả, giáo viên cần phải có sự phối hợp tốt trong nhà trường; giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài nhằm giúp tư vấn tâm lý cho học sinh, hỗ trợ và can thiệp đối với những học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ có nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong việc triển khai công tác này tại các trường học. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã và đang tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trường học; đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp việc thí điểm, nhân rộng mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học trong hỗ trợ, bảo vệ học sinh tại các cơ sở giáo dục.