Học toán ở… sân trường
Thay vì ngồi tại lớp học công thức toán học, gần 300 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM) được ùa xuống sân trường đo, vẽ, tính toán, thông qua chơi mà học. Theo bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngày hội toán học 'Hình tròn quanh em' mà nhà trường tổ chức là một trong nhiều tiết học mở nhà trường thực hiện ở mỗi năm học, tùy từng khối lớp, từng nội dung kiến thức mà xây dựng chương trình phù hợp.
Giờ học toán tại sân trường của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm
Điểm chung của những tiết học mở này là các em không còn bị giới hạn trong không gian lớp học, thay vào đó được học với nhiều hình thức khác nhau. 'Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh được rèn kỹ năng quan sát, tìm ra các phương pháp học tập mới, góp phần phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh'- bà Chi cho biết. Tại ngày hội toán học, sau khi học lý thuyết trên lớp về chu vi, diện tích hình tròn theo chương trình của Bộ GD-ĐT, thay vì ngồi trong lớp học 2 tiết luyện tập, các học sinh xuống sân trường thực hành.
Tiết học 'mở', không còn bị giới hạn bởi cách dạy truyền thống và phương pháp giáo dục nhiều trường học tại TP HCM đang thực hiện.
Mang bảo tàng lịch sử đến với học sinh thông qua giờ học trải nghiệm
Để có một tiết học trải nghiệm hiệu quả mà 'tiết kiệm', an toàn cho học sinh, năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Vĩnh Hội (quận 4, TP HCM) đã mang bảo tàng sống động đến toàn bộ học sinh của trường. Tiết học được hỗ trợ phối hợp cùng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện
Theo bà Hà Thị Thanh Nam, Hiệu trưởng nhà trường, trong những năm học vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, chăm sóc di tích lịch sử địa phương. Đặc biệt, một hình thức hiệu quả giúp 100% học sinh, giáo viên, nhân viên và các học sinh được tiếp cận thông tin chính là việc phối hợp cùng các bảo tàng lịch sử đến trường trưng bày, giới thiệu nội dung. Các hoạt động này nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho các em, trong đó nhà trường đóng vai trò lớn, là kênh giáo dục chính thống.
Học mà cứ ngỡ như được chơi
Ngày học tập trải nghiệm toán và các môn khoa học tự nhiên của hơn 2.000 học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM) được tổ chức theo cách khá lạ khi được học ngay ở sân trường.
Trong những giờ học độc đáo này khi học sinh được khám phá nhiều ứng dụng của toán học và các môn khoa học tự nhiên trong cuộc sống. Qua việc trả lời những câu hỏi từ thực tế, nhiều học sinh ngỡ ngàng được biết nguyên tắc hoạt động của các mạch điện cơ bản trong gia đình, hay các cửa tự động hoạt động thế nào...
Thông qua các gian hàng trưng bày của các bộ môn, nhiều học sinh thốt lên bất ngờ khi những kiến thức tưởng chừng chỉ dừng ở sách vở lại được ứng dụng trong thực tế như vậy. Với gian hàng thi bắn tên lửa, học sinh có cơ hội biểu diễn tài năng của mình, qua đó hiểu được nguyên lý hoạt động của tên lửa.
Học sinh được học mà chơi, chơi mà học
Ở bộ môn công nghệ, học sinh trải nghiệm 3 gian hàng. Đầu tiên, các em quan sát, tìm hiểu mạch điện cơ bản trong nhà như ổ cắm, cầu chì… Sau đó, học sinh thực hiện đấu mạch điện cho cầu thang. Gian hàng thứ hai là khu trưng bày các mạch điện tử. Tại đây, các mạch điện tử được kết nối với máy tính. Học sinh thao tác trên máy tính để biết được sự vận hành của nó. Qua gian hàng thứ ba, học sinh đo chỉ số điện áp của dây quạt, sau đó đấu dây để quạt khởi động.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM), ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm, cho biết trung tâm phát động phong trào mỗi ngày thực hiện một hành động nhân ái. Tùy theo điều kiện và khả năng của mình, học sinh có thể chọn thực hiện các hoạt động như thăm hỏi các mái ấm tình thương, người già neo đơn... Thực hiện 5 hành vi nhân ái, học sinh sẽ được 10 điểm bài kiểm tra 1 tiết môn giáo dục công dân; 10 hành vi nhân ái sẽ được tặng chứng nhận 'Học sinh có hành vi nhân ái', được biểu dương trước toàn trường và sau khi tốt nghiệp được cấp chứng nhận học sinh tham gia hoạt động cộng đồng.
'Tuy nhiên, điểm số chỉ là khuyến khích, quan trọng là nhà trường muốn hướng các em được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, từ đó cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của các em chứ không chỉ giới hạn bằng những bài giảng truyền thống trên lớp. Hiện nay, chúng ta đang định hướng dạy theo phát triển năng lực cá nhân, học sinh tự chinh phục kiến thức, vì vậy học từ thực tiễn là rất cần thiết' - ông Hoàng nhìn nhận.
Học sinh Trung tâm GDTX Chu Văn An đến với các em nhỏ ở các mái ấm, nhà mở...
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, học sinh của trung tâm lại gom góp những phần quà, gói bành chưng để mang tặng những người còn khó khăn, thiếu may mắn. Ông Hoàng cho biết không riêng gì dịp Tết, trung tâm luôn khuyến khích giáo viên và học sinh giảng dạy và học tập gắn liền với thực tế cuộc sống. Thông qua việc gói bánh chưng, dùng một ít tiền tiết kiệm mua quà cho những người tàn tật, neo đơn cũng là cách giáo dục học trò lòng yêu thương, nhân ái.