'Tôi phát khóc khi biết tin trường mình có học sinh dương tính…'
Vào ngày này những năm trước, không khí tại 3 nhà trường học (mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) ngập tràn niềm vui xen lẫn tiếng cười nói của thầy trò trong ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng năm nay thì khác, toàn bộ các lớp học trở thành nơi ở của những trường hợp F1 và 3 nhà trường thành điểm cách ly tập trung.
Học sinh khối 1 trường tiểu học Tân Phong được lấy mẫu xét nghiệm test vào trưa 11/11 sau khi trên địa bàn ghi nhận ca nghi ngờ dương tính
Cô Bùi Thị Oanh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 'Gần 30 năm trong nghề sư phạm, có lẽ đây là năm đặc biệt nhất đối với tôi cùng các thầy cô và học sinh nhà trường. Năm nay chúng tôi không có suy nghĩ hay nhớ đến ngày truyền thống của ngành mà chỉ thương học sinh khi không may mắc COVID-19, học sinh bị cách ly. Nếu có nhắc đến 20/11 cũng chỉ để nhớ lại không khí, kỷ niệm những của năm trước, còn hiện tại chúng tôi chỉ mong không có thêm em nào bị dương tính SARS-CoV-2…'.
Trường học trên địa bàn trở thành cơ sở cách ly tập trung sau khi ổ dịch xã Tân Phong bùng phát
Vào trưa 11/11, khi nghe thông tin nữ sinh lớp 9B trường THCS Tân Phong có kết quả nghi ngờ dương tính, bản thân cô cùng giáo viên trong trường ai cũng lo lắng. Bởi trường THCS và tiểu học nằm giáp nhau và em gái nữ sinh đang học lớp 1A tại trường. Tuy nhiên ca dương tính đầu tiên của trường được ghi nhận lại là em học sinh lớp 5A.
'Khi biết thông tin, tôi sợ, vừa lo lắng và phát khóc vì nếu học sinh của mình không may mắc COVID-19 thì không biết sức khỏe của các con thế nào, có tự chăm sóc được bản thân hay không và học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong khi từ trước đến nay nhà trường luôn thận trọng công tác phòng chống dịch, mỗi khi đến trường các em đều được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang', cô Oanh tâm sự.
Cô Bùi Thị Oanh - Hiệu trưởng (ảnh trên) và cô Bùi Thị Tâm - Phó Hiệu trưởng tiểu học Tân Phong (ảnh dưới) xung phong ở lại trường thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại điểm cách ly tập trung
Sau khi Tân Phong được đánh giá là ổ dịch phức tạp chưa rõ nguồn lây và số ca mắc tăng nhanh, BCĐ xã chọn 3 nhà trường làm khu cách ly tập trung. Lúc này, ngoài công tác hỗ trợ dọn dẹp trường làm điểm cách ly, nữ Hiệu trưởng động viên giáo viên bình tĩnh, tranh thủ làm mọi công việc trong lúc chờ kết quả xét nghiệm và cùng với Hiệu phó xung phong ở lại trường.
Bên trong khu cách ly tập trung tại trường tiểu học Tân Phong
'Mặc dù bản thân mình không thuộc đối tượng F1, F2 thì mình cũng ở lại trường để điều hành công việc và phối hợp với BCĐ thực hiện công tác phòng chống dịch, còn nếu về nhà rồi thì rất khó làm, trong khi nhà trường là điểm cách ly tập trung cho các F1.
Ngày nào, tôi và giáo viên trong trường đều gọi điện hỏi thăm, động viên học sinh cùng phụ huynh và những em bị F0 để các con yên tâm điều trị. Chúng tôi thương học sinh vì các em còn bé, chưa sống xa gia đình bao giờ. Nhiều hôm bận công việc chưa kịp gọi điện hỏi thăm các cháu còn trách khéo và bảo: Em cứ đợi điện thoại của cô. Nghe học sinh nói vậy tôi xúc động và không thể kìm lòng', cô Oanh tâm sự.
Hiện tại trường tiểu học Tân Phong là nơi cách ly tập trung cho hơn 90 người dân trên địa bàn và học sinh THCS, tiểu học thuộc diện F1. Riêng trường tiểu học Tân Phong có 15 học sinh mắc COVID-19; 331 em cùng 22 giáo viên F1, 15 giáo viên F2. Ngoài giáo viên đang cách ly, những người còn lại đều tích cực tham gia nhiều công việc chống dịch tại địa phương.
3 nhà trường tại ổ dịch xã Tân Phong trơt thành điểm cách ly tập trung
May mắn hơn trường tiểu học khi có số học sinh mắc COVID-19 và số trường hợp F1 ít nhưng những ngày qua 38 cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non xã Tân Phong luôn căng mình chống dịch. Mỗi người một việc, từ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu vào máy, hỗ trợ truy vết… đều được mọi người thực hiện nghiêm túc, khẩn trương.
Cô Vũ Thị Son – Hiệu trưởng trường mầm non thông tin, đến ngày hôm nay nhà trường có 10 ca mắc nằm trong độ tuổi mầm non (có 2 trẻ ra lớp đi học) phần lớn lây từ bố mẹ, ông, bà và gần 100 các cháu thuộc đối tượng F1.
Cô Vũ Thị Son - Hiệu trưởng trường mầm non Tân Phong đang thực hiện công việc nhập số liệu vào máy phục vụ công tác phòng chống dịch
'Ca mắc đầu tiên tại trường ghi nhận vào 13/11 là trẻ lớp 4 tuổi B và lúc nhận được thông tin nhiều giáo viên trong trường đã khóc vì thương các con. Bản thân tôi hoang mang sợ dịch sẽ lan rộng đến các cháu khác trong lớp; lo cho sức khỏe của các con vì tuổi còn nhỏ, sức đề kháng yếu và trẻ mắc bệnh cần bố mẹ đi theo chăm sóc.
Tôi trấn an giáo viên, nhân viên nhà trường phải thực sự bình tĩnh thì mới làm việc được và nhanh chóng hướng dẫn giáo viên tuyên truyền trên nhóm phụ huynh cho các con tự cách ly ở nhà, chờ y tế đến lấy mẫu cũng như động viên mọi người', cô Son nhớ lại.
Do thiếu nhân lực, cho nên mặc dù là F2 nhưng 2 Phó hiệu trưởng mầm non vẫn tích cực tham gia công tác chống dịch
Ngoài 5 giáo viên là F1 cách ly ở nhà và một số giáo viên có con nhỏ, số giáo viên, nhân viên còn lại trong trường đều tham gia chống dịch ở địa phương. Do ổ dịch xã Tân Phong bùng phát nhanh dẫn đến thiếu nhân lực, cho nên một số giáo viên là F2 cũng tham gia chống dịch và được bố trí khu vực làm việc riêng, trang bị mặc đồ bảo hộ.
Nữ hiệu trưởng mầm non tâm sự: 'Toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia chống dịch dưới sự phân công của BCĐ, từ hỗ trợ lực lượng Công an, Trạm Y tế nhập dữ liệu, truy vết đến hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng và tham gia khắp địa bàn khu dân cư. Tôi biết, các cô ai cũng mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, không quản ngại ngày đêm và gác lại mọi công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ, nhưng không một giáo viên nào buông lời ca thán…'
Những giáo viên ở ổ dịch Tân Phong trong ngày Tết đặc biệt 20/11
Ngày 20/11 chỉ mong không có thêm học sinh mắc COVID-19
Trong cuộc nói chuyện với PV, cô Son không khỏi chạnh lòng khi nhắc về ngày 20/11. Mặc dù ở cấp học thấp nhất và đôi khi vẫn còn chưa được coi trọng nhưng mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường mầm non do cô làm Hiệu trưởng luôn rộn vang tiếng cười nói con trẻ. Những hội thi, trò chơi dành cho giáo viên và các con luôn mang lại những giây phút sảng khoái, vui tươi ... mà giờ chỉ còn là hoài niệm.
Ánh mắt đượm buồn ngấn lệ của nữ Hiệu trưởng mầm non tại ổ dịch Tân Phong khi nói về ngày 20/11
'Năm nay chúng tôi không có khái niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam mà chỉ nghĩ đến chống dịch. Nếu cho tôi một điều ước về ngày 20/11, tôi không ước mình được tặng hoa, tặng quà mà chỉ mong sao không có cháu nào, giáo viên nào trong trường mắc COVID-19. Đó chính là niềm vui, món quà lớn nhất đối với giáo viên toàn trường mầm non Tân Phong trong lúc này', cô Son cho biết.
Đối với tiểu học Tân Phong, vào ngày này những năm trước không khí thi đua chào mừng 20/11 như một ngày hội lớn. Còn năm nay thì mọi hoạt động đó đều tạm dừng để tập trung cho công tác chống dịch. Thậm chí, việc học trực tuyến của trường cũng chưa được thực hiện vì hiện tại nhiều giáo viên, học sinh đang cách ly ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên, vào tối nay, BGH sẽ tổ chức gặp mặt trực tuyến động viên thầy cô cùng nhân viên; đó cũng là cách giúp mọi người đỡ tủi thân trong ngày Tết của ngành.
Lực lượng giáo viên tham gia nhiều công việc tại ổ dịch xã Tân Phong
'Trong lúc này, nhân dân địa phương, người dân trong huyện đang gồng mình chống dịch nên chúng tôi không ai còn thời gian để nghĩ đến ngày 20/11. Thực tâm tôi buồn thì ít mà lo lắng cho học sinh thì nhiều khi không biết còn em nào mắc nữa không, sức khỏe các em thế nào, đồng nghiệp của mình ra sao…?
Chúng tôi xem như đây là một kỷ niệm, một dấu ấn trong cuộc đời làm nghề sư phạm của mình. Lúc này tôi chỉ mong ổ dịch tại địa phương được khống chế, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và chúng tôi được đón học sinh đến lớp', nữ Hiệu trưởng tiểu học mong muốn.
Những giáo viên tham gia chống dịch không khác gì một chiến sĩ
Trao đổi với PV, ông Phạm Phú Tùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Giang thông tin, từ khi xuất hiện ổ dịch lớn chưa rõ nguồn lây tại xã Tân Phong đến nay, có hàng trăm lượt giáo viên của ngành trực tiếp tham gia hỗ trợ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và vào tận những khu cách ly tập trung để chăm sóc, động viên học sinh. Còn những địa phương khác khi có ca bệnh thì những giáo viên trên địa bàn đó đều tham gia vào công tác chống dịch và các trường học trở thành khu cách ly tập trung.
Tính điến 17h chiều nay (20/11), tại ổ dịch này đã ghi nhận 148 ca mắc; trong đó 72 bệnh nhân là học sinh ở 3 nhà trường trên địa bàn, 267 F1 cách ly tập trung và 661 F1 cách ly tại nhà. Đây cũng là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay ở Hải Dương được ghi nhận trên địa bàn 1 xã.
Giáo viên các cấp học trên địa bàn huyện Ninh Giang tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại những địa phương có ca mắc COVID-19
Ngay từ đầu tháng 11 khi trên địa bàn chưa có dịch, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường tập trung vào hoạt động nâng cao chất lượng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn, hội học, hội giảng và không tổ chức văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên, dịch bất ngờ bùng phát tại Tân Phong cho nên ngành cho tạm dừng mọi hoạt động để tập trung chống dịch, triển khai dạy trực tuyến với các trường, riêng 2 cấp học tại ổ dịch Tân Phong tạm thời chưa học trực tuyến vì nhiều học sinh, giáo viên đang thực hiện cách ly.
Giáo viên trường THCS Đông Xuyên lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Xuyên Hử sau khi địa phương ghi nhận 3 trường hợp dương tính
'Những giáo viên tham gia chống dịch ở ổ dịch xã Tân Phong không khác gì một chiến sĩ. Trong lúc ai cũng ngại vào ổ dịch và sợ dịch nhưng nhiều giáo viên sẵn sàng tạm gác mọi công việc, tạm xa gia đình, chồng, con, người thân để xung phong vào xã Tân Phong thực hiện nhiệm vụ. Đây không chỉ là trách nhiệm của bản thân mỗi giáo viên mà chính là bảo vệ, động viên học trò của mình trong khu cách ly, phong tỏa.
Ngoài những món quà động viên học sinh F0, giáo viên F1 đang cách ly, điều trị COVID-19, năm nay sẽ là Tết đặc biệt với ngành, đối với các thầy cô và học sinh trên địa bàn. Tôi mong các thầy cô hãy vượt qua những khó khăn để cùng toàn dân tích cực tham gia chống dịch và chỉ khi dịch được đẩy lùi thì chúng ta mới tiếp tục sự nghiệp trồng người…', Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Giang nói.