Ưu điểm vượt trội
Dù việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các nhà trường không còn lạ lẫm nhưng vì chưa phải là bắt buộc nên việc thu phí vẫn thực hiện qua 2 mức độ cơ bản: Mức độ 1 là thu phí thủ công – thu bằng tiền mặt. Nhà trường lập khoản thu, phiếu thu bằng excel, phần mềm hay công cụ khác sau đó phụ huynh học sinh nộp tiền mặt cho giáo viên chủ nhiệm hoặc thủ quỹ nhà trường.
Phương thức thu phí không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm so với phương thức thu phí cũ (Ảnh minh họa)
Mức độ 2 là thu phí bán tự động: Phụ huynh nộp tiền chuyển khoản qua ngân hàng đến tài khoản nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm. Sau đó thủ quỹ thực hiện tổng hợp và gạch nợ thủ công.
Hai mức độ trên còn nhiều nhược điểm, đó là nhà trường tốn thời gian, nguồn lực thu tiền; kế toán mất nhiều công sức, gạch nợ thủ công. Việc thu phí thủ công và bán tự động còn khiến việc thu phí dễ sai sót, rủi ro thất thoát; phát sinh quản lý nộp tiền thừa/thiếu. Phụ huynh học sinh mất thời gian, công sức tới trường nộp tiền; quên, trễ đóng học phí hoặc chuyển khoản có thể sai nội dung/không ghi nội dung khiến quá trình truy soát mất thời gian.
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 90 – 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Thực hiện Quyết định trên, Bộ GD&ĐT đã có công văn 2741/BGDĐT-KHTC ngày 29/6/2022 gửi Sở GD&ĐT địa phương, các đơn vị trực thuộc về việc hướng dẫn thành toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt. Văn bản yêu cầu các trường phối hợp với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến.
Từ thực tế đó, mức độ 3 - thu phí tự động hóa toàn bộ quy trình được đưa ra. Với mức độ này, phụ huynh thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng phần mềm. Nhà trường sẽ ký hợp tác với các kênh thanh toán thông qua một trong hai hình thức đó là dùng tài khoản chung hoặc tài khoản thanh toán trực tiếp qua kênh thanh toán của nhà trường. Hệ thống này sẽ kết nối giữa kế toán - hiệu trưởng – phụ huynh học sinh. Kế toán nhà trường lập khoản thu, xuất hóa đơn; hiệu trưởng giám sát; phụ huynh học sinh nhận thông báo và nộp tiền online.
Hình thức thu phí không dùng tiền mặt – tự động hóa toàn bộ quy trình mang đến lợi ích cho các bên: Có thể đóng tiền mọi lúc, mọi nơi; tức thời nhận thông báo học phí; không cần mở thêm tài khoản ngân hàng; an toàn, tin cậy, tiết kiệm thời gian thu, kiểm đếm tiền, ghi chép sổ sách, nộp tiền ngân hàng; tránh rủi ro sai sót, thất thoát; tiết kiệm thời gian, biên lai, hoá đơn… Hình thức này được khẳng định là xu thế mới, đảm bảo công khai minh bạch, tránh tính trạng lạm thu và sẽ sớm được đẩy mạnh thực hiện 100% tới các nhà trường.
Phụ huynh than khó
Qua thực tế trải nghiệm, nhiều phụ huynh cho rằng phương thức thu phí không dùng tiền mặt hầu hết chỉ mang lại lợi ích cho nhà trường mà chưa thực sự tạo thuận lợi cho phụ huynh bởi quy trình thực hiện còn rườm rà, khó thao tác, phụ huynh phải mất phí sau mỗi lần thực hiện giao dịch. Đây là điều không xảy ra với phương thức đóng phí kiểu cũ.
Theo nhiều phụ huynh thì phương thức thu phí mới vẫn rườm rà trong quy trình thực hiện (Ảnh minh họa)
Đầu năm học 2023 – 2024, lớp của con chị Nguyễn Thị Hòa gửi thông báo về việc thực hiện thu phí theo cách thức mới. Thay vì chuyển khoản vào tài khoản của nhà trường như trước, nay nhà trường yêu cầu phụ huynh thanh toán qua ứng dụng Enetviet. Nhiều phụ huynh cho biết, đã 'phát cáu' khi thực hiện các thao tác chuyển phí vì không được ai hướng dẫn.
'Tôi không phải là người mù công nghệ nhưng quả thật, chưa được hướng dẫn nên tôi không biết lối nào làm. Thanh toán qua thẻ ATM không được, thẻ tín dụng không xong, thử Viettel pay 5-7 lần cũng bị từ chối. Cuối cùng, tôi tìm hiểu và biết rằng, phụ huynh phải tải app về mới có thể tiến hành chuyển khoản thanh toán được.
Thì ra, việc thanh toán này phải qua bên thứ 3 chứ không phải chuyển thẳng giữa phụ huynh và nhà trường. Sau khi tải app Enetviet, tôi phải chuyển vào đó một khoản tiền bằng hoặc hơn số tiền phải đóng; sau đó vào Enetviet để chuyển khoản đi. Điều này khiến tôi và nhiều phụ huynh khác thấy không hài lòng, không yên tâm', chị Hòa nói.
Theo phụ huynh, nếu triển khai hệ thống này đến vùng nông thôn chắc hẳn sẽ càng khó khăn vì trình độ công nghệ của phụ huynh không đồng đều; không phải ai cũng thành thạo quy trình tải app, nạp tiền qua app rồi mới chuyển đóng phí cho con. Do đó, phụ huynh mong rút ngắn quy trình nộp phí, tránh rườm rà, phức tạp, rắc rối, gây mất thời gian của phụ huynh.
Vấn đề mất phí khi đóng tiền cho con cũng là điều phụ huynh quan tâm. Chị Mai, một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết đầu năm học, trường con chị học thông báo không nhận thanh toán chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của nhà trường. Thay vào đó, trường thực hiện thu các khoản thông qua kênh thanh toán học phí JETPAY.
'Thay vì đơn giản hóa việc thanh toán cho phụ huynh, kênh thanh toán học phí yêu cầu phụ huynh cài đặt phần mềm, sau đó thực hiện thanh toán thông qua một trong các hình thức theo hướng dẫn rất rắc rối loằng ngoằng…. Điều đáng nói, khi thanh toán qua kênh thanh toán này, phụ huynh phải mất phí vài nghìn đồng cho mỗi lần giao dịch', chị Mai chia sẻ.
Không riêng gì chị Mai, nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh cũng phàn nàn vì các app thu học phí phải mất phí. Nếu việc thu phí qua kênh này là bắt buộc thì tổng số tiền hàng tháng phụ huynh phải mất chỉ vì đóng tiền học cho con là không ít. Điều này gây bất lợi cho phụ huynh.
Thừa nhận ưu điểm của phương thức thu phí mới như minh bạch thu chi, rõ ràng các khoản phí nhưng phụ huynh mong các quy trình thu tiền cần cải tiến, rút gọn, có hướng dẫn từng thao tác để phụ huynh dễ dàng trong thực hiện và được hoàn toàn miễn phí. Chỉ khi nhìn rõ lợi thế khi sử dụng phương thức này thì phụ huynh mới sẵn sàng và thoải mái đón nhận, thực hiện.