Thủ khoa được vinh danh nhưng về quê hơn 1 năm chưa xin được việc
Sáng sớm, Bùi Thị Hà (23 tuổi, ở xã Ngọc Đường, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) vội dậy sửa soạn đi bán hoa quả thuê ở chợ. Ít ai biết rằng, cách đây 1 năm cô là thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (năm học 2015-2016). Hà còn là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Từng là thủ khoa tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhưng đã hơn 1 năm, Bùi Thị Hà vẫn chưa xin được việc
Ra trường với tấm bằng giỏi nhưng Hà không thể xin việc ở quê nhà. Mỗi lần thấy lũ trẻ quanh xóm í ới gọi nhau đi học, Hà lại nhớ những ngày đi thực tập, được học sinh gọi là cô giáo.
Hà chia sẻ, từ nhỏ cô đã mơ ước sau này lớn được theo nghiệp 'gõ đầu trẻ'. Giấc mơ ấy không ngừng thôi thúc cô cố gắng học tập để hoàn thiện mình hơn.
Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 8/2016
'Ngày nhỏ, thỉnh thoảng tôi được bố mẹ cho theo lên Đồng Văn hay Yên Minh thăm người nhà làm giáo viên trên đó. Nhìn những em nhỏ thiếu thốn tới trường, tôi nuôi ước mơ trở thành cô giáo để sau này mang kiến thức có được truyền tải cho các em, góp phần giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn', Hà chia sẻ.
Nhà Hà có 3 anh chị em đều học đại học. Chị gái của Hà mới tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, em trai đang là học viên năm 4 trường Sỹ quan Chính trị. Năm 2010, bố Hà đột ngột qua đời do tai nạn giao thông khiến kinh tế gia đình vốn khó khăn lại càng thêm túng quẫn.
Bằng thủ khoa xuất sắc của Bùi Thị Hà
Từ đó bà Nguyễn Thị Lượt (sinh năm 1969, mẹ của Hà), một mình bươn chải làm đủ mọi nghề nuôi các con ăn học. Khó khăn chồng lên vai người mẹ nghèo, 3 chị em Hà vì thương mẹ mà không ít lần có ý định nghỉ học. Nhưng nghe lời mẹ, 3 chị em lại quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo.
'Người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tôi chính là mẹ. Có lẽ cái đói nghèo bủa vây nên nhìn mẹ già hơn nhiều so với tuổi, nhưng nghị lực sống của mẹ ít ai có được', Hà nói.
Gạt đi nỗi đau mất cha, Hà dồn hết tâm trí học hành để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2012, Hà bước đầu đạt được mục tiêu của mình khi trúng tuyển vào khoa Văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2. Lên đại học, để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, Hà đi làm thêm từ rửa bát thuê đến lau dọn, bồi bàn rồi gia sư… để đỡ đần mẹ.
Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, 3 chị em Hà đều đạt kết quả cao trong học tập. Hà được Thành ủy Hà Nội tổ chức lễ vinh danh là 1 trong 100 thủ khoa đầu ra xuất sắc nhất tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 28/8/2016.
'Tôi muốn được đi dạy học lắm'
Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê, Hà mong muốn hoàn thành mục tiêu trở thành cô giáo dạy Văn ngày nào. Hà cho hay: 'Một năm qua, tỉnh nhà không có đợt thi tuyển giáo viên. Lãnh đạo sở GD&ĐT cũng rất quan tâm tới trường hợp của tôi, họ nói khi nào có đợt sẽ thông báo để tôi thi. Nhưng, tôi không biết đợi đến bao giờ'.
Theo Hà, sau khi về quê không xin được việc, cô đi bán hoa quả thuê với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Cô còn phụ giúp mẹ chăn nuôi lợn, gà, việc đồng áng vì sức khỏe mẹ đã yếu, ở nhà chỉ có hai mẹ con.
Hà trong một lần nhận được học bổng Fuyo (Nhật Bản) khi đang theo học tại trường
Hà cũng viết tâm thư gửi Bí thư tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ ý nguyện xin được việc làm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. 'Ngay sau đó, Phó chánh văn phòng tỉnh Hà Giang cũng xuống tận nhà hỏi thăm, động viên tôi đợi khi nào có đợt thi tuyển giáo viên sẽ gọi. Thế nhưng chờ đợi lâu nên tôi rất nóng lòng', Hà chia sẻ.
Trao đổi về trường hợp này, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
'Sau khi em Hà ra trường, tôi đã đích thân tới nhà động viên và chúc mừng em. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển. Hiện việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng, nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà', ông Sử chia sẻ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Hà bày tỏ mong ước: 'Tôi muốn được đi dạy lắm, bản thân thực sự mong muốn được góp chút công sức và nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương'.
Xem thêm: Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp