Tình trạng học sinh sử dụng xe mô tô trên 50cc để đi học, không đội nón bảo hiểm vẫn khá phổ biến
Thản nhiên vi phạm
Những năm qua, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đã được các cấp chính quyền địa phương, nhà trường quan tâm, chú trọng. Dù vậy, vẫn có không ít học sinh vi phạm. Ghi nhận trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, tình trạng học sinh thản nhiên vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ vẫn rất phổ biến.
Chiều ngày 10 và 11-10, có mặt tại cổng trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp), trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức)… chúng tôi ghi nhận nhiều học sinh vi phạm ATGT. Tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), thời điểm tan học, trong khoảng 15 phút, hàng chục học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, một số không đội nón bảo hiểm. Thậm chí, nhiều em còn chở quá số người quy định (chở 3, 4 người), lạng lách đánh võng, bấm còi náo loạn trên đường phố gây mất trật tự ATGT.
Chờ đón con trước cổng trường, chị Vũ Thị Như Nguyệt, ngụ quận Tân Bình, cho biết, con trai chị đang học lớp 11, đầu năm học cháu có xin mua xe máy để đi học nhưng gia đình không đồng ý. Hàng ngày, hai vợ chồng vẫn thay phiên nhau sau giờ làm đến đón con, qua năm học mới khi con lên lớp 12 gia đình dự kiến sẽ mua xe đạp điện cho cháu để tiện việc học tập, ôn luyện cuối cấp.
'Đường sá đông đúc, các em chưa có kiến thức về luật giao thông đường bộ, chưa có bằng lái nên rất dễ gặp nguy hiểm. Dùng xe máy phân khối lớn đến trường, thậm chí nhiều em còn không đội nón bảo hiểm khi lưu thông, như vậy là rất nguy hiểm', chị Nguyệt chia sẻ.
Tại TPHCM, vào đầu năm học, đa số các trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quy định ATGT và cho học sinh, phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định Luật Giao thông đường bộ. Hoạt động này phần nào giáo dục ý thức tuân thủ luật giao thông của các em học sinh, giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết, việc thực hiện tuyên truyền về ATGT được nhà trường thực hiện hàng năm, thậm chí, giáo viên bộ môn còn lồng ghép vào các tiết học để nâng cao nhận thức cho học sinh. Đầu năm học, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi công văn thực hiện Tháng An toàn giao thông, ngay trong buổi lễ khai giảng, nhà trường đã tuyên truyền vấn đề an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh, sau đó mời cán bộ Phòng CSGT quận 10 đến trường chia sẻ kiến thức, quy định và ứng xử văn hóa giao thông cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cho học sinh và phụ huynh ký cam kết đảm bảo ATGT, Đoàn thanh niên cũng tổ chức các buổi giao lưu để phổ biến quy định.
Thường xuyên tuyên truyền, xử phạt
Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TPHCM), cho biết, trong 'Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường' diễn ra rất nhiều hoạt động nhằm góp phần duy trì ổn định tình hình trật tự ATGT khu vực trước cổng các trường học. Hoạt động nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM Phòng PC08 đã chỉ đạo các đơn vị, đội/trạm tiến hành kiểm tra, khảo sát để kịp thời khắc phục, sửa chữa những bất cập về tổ chức giao thông tại khu vực trường học, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện đưa đón học sinh đông; huy động lực lượng của các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Phối hợp với các lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, tổ xung kích của các trường tổ chức 5 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường và 5 mô hình cổng trường ATGT. Bên cạnh đó, Phòng PC08 cùng công an các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng triển khai các tổ tuần tra, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đình Dương, chỉ tính riêng trong tháng 9-2022, lực lượng CSGT TPHCM đã xử lý 333 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, sinh viên; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 15 trường hợp; tạm giữ 19 xe mô tô. Trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, cán bộ CSGT cũng tuyên truyền, giải thích cụ thể từng hành vi vi phạm, nguy cơ gây tai nạn giao thông, qua đó giúp các em có sự chuyển biến về nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
'Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các trường học tổ chức 103 buổi tuyên truyền với 116.578 lượt học sinh, sinh viên tham gia; phổ biến quy định về ATGT cho hơn 4.839 thầy cô giáo. Phòng PC08 còn vận động phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường về việc chấp hành quy định về trật tự ATGT cho học sinh', Thượng tá Dương cho biết.
Điều 21, Nghị định 46/2016/NĐ-CP (xử phạt các hành vi vi phạm về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới) quy định phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô; phạt tiền 400.000-600.000 đồng với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe từ 50cc trở lên.