Chung kết cuộc thi nhạc cụ truyền thống FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2024 được tổ chức vào ngày 28/8 tại Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng. Học sinh, sinh viên FPT Edu sẽ trình diễn 74 tiết mục nhạc cụ truyền thống để tranh tài theo bảy bảng: bảng hoà tấu và các bảng độc tấu một trong sáu loại nhạc cụ: đàn Nhị, đàn Tranh, Sáo trúc, đàn Nguyệt, đàn Bầu và đàn Tỳ bà.
Học sinh, sinh viên sẽ trình diễn nhạc cụ truyền thống tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang
Nhiều thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam được học sinh, sinh viên FPT Edu lựa chọn để biểu diễn. Các làn điệu dân ca Bắc Bộ, hát văn, chèo cổ thể hiện bằng hình thức độc tấu, hoà tấu với những đoạn trích hoặc các nhạc khúc nổi tiếng, thể hiện rõ ràng đặc điểm, tinh thần của các thể loại nói trên.
Nhã nhạc cung đình Huế, cải lương, đờn ca tài tử, vọng cổ, dân ca Nam Bộ cũng được học sinh, sinh viên FPT Edu đưa tới chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang bằng những màn trình diễn công phu, mang âm sắc truyền thống qua cách thể hiện tươi mới của người trẻ.
Một tiết mục hoà tấu tại FPT Edu Tích Tịch Tình Tang năm 2022
Ý tưởng dàn dựng, cách thể hiện, sự phối hợp các loại nhạc cụ truyền thống trong từng tiết mục được các thí sinh cùng các giảng viên bộ môn Âm nhạc, Nhạc cụ truyền thống tại FPT Edu xây dựng.
Dựa trên việc kết hợp kiến thức nhạc lý, sự cảm âm, hiểu biết về văn hoá nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng cùng mong muốn đưa giai điệu truyền thống đến gần hơn với người trẻ, những tiết mục tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang hứa hẹn đem đến những trải nghiệm âm nhạc đậm tính dân tộc mà vẫn hiện đại, mới mẻ với người thưởng thức.
Vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang quy tụ nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, chuyên gia âm nhạc trong vài trò ban giám khảo, đánh giá chất lượng các tiết mục hoà tấu, độc tấu được trình diễn. Đây cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên FPT Edu có dịp chia sẻ kiến thức, hiểu thêm về âm nhạc truyền thống, từ đó vun đắp thêm tình cảm với nét văn hoá đặc sắc này của dân tộc.
Ngoài cơ cấu giải thưởng hấp dẫn cho từng bảng thi, những tiết mục xuất sắc tại vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang sẽ được lựa chọn để trình diễn tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng vào tối ngày 30/8. Đặc biệt, trong tối trao giải và công diễn, 90 học sinh, sinh viên FPT Edu sẽ cùng hoà tấu bài hát “Giai điệu Việt Nam mình”. Đây là bài hát chủ đề của FPT Edu Tích Tịch Tình Tang năm nay, kết hợp sản xuất giữa FPT Edu và nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ phối khí Masew – Lê Tuấn Anh.
FPT Edu đưa nhạc cụ truyền thống vào chương trình giảng dạy chính thức cho sinh viên đại học, khuyến khích học sinh, sinh viên tìm hiểu, trải nghiệm âm nhạc dân tộc thông qua nhiều hoạt động khác. Gần đây nhất là 1350 sinh viên, giảng viên tham gia trình diễn, xác lập kỷ lục Việt Nam về “MV hoà tấu nhạc cụ truyền thống có số lượng người tham gia biểu diễn nhiều nhất” vào năm tháng 9/2023.
Cùng với cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, thông qua những trải nghiệm này, FPT Edu mong muốn góp phần đưa âm nhạc và nhạc cụ truyền thống tới gần hơn với giới trẻ, góp phần lan toả, giữ gìn và phát triển văn hoá dân tộc.
FPT Edu Tích Tịch Tình Tang năm 2024 có sự tham gia của học sinh Trường Tiểu học – THCS FPT Cầu Giấy và sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội, Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng, Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ.
Hội đồng ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi gồm: NSND Đỗ Thị Phương Bảo - Giám đốc Công ty TNHH Phương Bảo (Trung tâm Phuơng Bảo Music TP.HCM); Nguyên Trưởng bộ môn đàn Tranh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng đoàn Ca nhạc Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen TP. HCM; Nhạc sĩ Trương Quý Hải - Ban Văn hóa Đoàn thể, Tập đoàn FPT; ThS. NSƯT Trần Quang Hào - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng; ThS. Phạm Thị Huệ - Nghệ nhân thế giới về âm nhạc di sản, Giảng viên đàn Tỳ bà Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.