Cô Nguyễn Thị Khuyên - Tổ Toán - Hệ thống Giáo dục Hocmai
Học sinh cần nghỉ ngơi sớm, không nên ôn bài khuya. Nếu học sinh lo lắng có thể làm 1 vài bài tập ở mức độ nhẹ nhàng mang tính chất trấn an tinh thần, giúp bình tĩnh.
Các em chủ động chuẩn bị dụng cụ đi thi như bút, máy tính bỏ túi, giấy báo thi,... và để sẵn trên xe hoặc để ở nơi dễ nhìn thấy tránh trường hợp quên giấy tờ. Các em có thể nhờ người nhà gọi dậy sớm tránh trường hợp ngủ quên không đi hoặc đến muộn giờ thi.
Khi làm bài:
- Làm đến đâu, chắc đến đó. Làm đến đâu, khoanh đến đó.
- Khoảng 38 câu đầu trong đề thi môn Toán là các câu hỏi dễ ăn điểm. Vì vậy, các bạn học sinh cần làm bài một cách cẩn thận và chính xác nhất là với các học sinh có trung bình, trung bình khá.
- Với các câu hỏi khó:
+ Đọc đề lần đầu đã nghĩ ra hướng giải: Học sinh ưu tiên làm trước.
+ Đọc đề lần đầu chưa nghĩ ra hướng giải: Học sinh nên bỏ qua, không sa đà vào tìm cách giải. Học sinh nên ưu tiên làm hết các câu có hướng làm trước và quay lại suy nghĩ hướng giải của các câu chưa làm ra sau khi kiểm tra lại đáp án của các câu hỏi còn lăn tăn, vướng mắc.'
- Tô hết đáp án (kể cả với các câu hỏi không tìm được kết quả)
- Kiểm tra lại thông tin 1 lần cuối trước khi nộp bài (Như SBD, mã đề thi,...)
- Không nên so đáp án để tránh gây tâm lí cho các bài thi sau.
- Ăn uống, nghỉ ngơi sớm, chuẩn bị một tinh thần thoải mái cho ngày thi tiếp theo.
Các môn Khoa học tự nhiên
Môn Vật lí: TS Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự
TS Nguyễn Thành Nam
Để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, các em cần lưu ý một số điểm sau đây:
Về sức khỏe, cần phải giữ sức khỏe ổn định bằng cách sinh hoạt điều độ. Không nên thức quá khuya, dậy quá sớm, và cần đảm bảo ngủ đủ giấc. Hạn chế những hành vi có thể làm mất ổn định hoặc gây ra vấn đề cho sức khỏe, như vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Tránh ăn những loại thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc. Tóm lại giống như vận động viên trước khi thi đấu, các em cần phải giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất có thể.
Về việc ôn thi, không nên tập trung vào học kiến thức mới nữa, mà nên ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Nên luyện tập trên một số đề thi chuẩn, và dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian cho hợp lí. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kĩ thuật tính toán sao cho nhanh và chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.
Trong quá trình làm bài thi, không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, mà nên tập trung vào phần đang làm.
Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường thì cũng không cần phải lo lắng, vì điều này là hết sức bình thường. Bởi trong trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó thì đó là khó chung, nên về cơ bản sẽ không làm thay đổi thứ hạng và kết quả tuyển sinh vào đại học của các thí sinh nên bạn không cần phải bận tâm. Cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Cuối cùng, thầy chúc các em tham gia kỳ thi trong trạng thái tốt nhất, gặp nhiều may mắn trong quá trình thi, và đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi hết sức quan trọng này!
Thí sinh cần lưu ý một số bí quyết đạt điểm cao
Môn Sinh - Cô Nguyễn Thùy Linh - Tổ Sinh học - Hocmai:
Để làm tốt môn Sinh nhất có thể, các em cần chú ý:
+ Khi được phát đề, đọc lướt qua một lượt (khoảng 1-2 phút) cả đề để biết độ dài và độ khó của đề để áng chừng tốc độ làm bài để đáp ứng được đề thi; nếu thấy đề thi bị mờ hoặc thiếu câu thì báo cho giám thị để xử lí.
+ Kiến thức 30 câu đầu thường ở mức Nhận biết - Thông hiểu nên các em cần làm nhanh, gạch chân được key word của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài.
+ Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo, sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.
+ Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa.
Lưu ý: Làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề.
Môn Hóa - Cô Vũ Thị Thùy Dương - Tổ Khoa học Tự nhiên Hocmai
1. Chọn câu đơn giản (câu 1 – 28) làm trước, câu khó làm sau. (Vì mỗi câu hỏi trong đề thi môn Hóa học đều có giá trị 0,25 điểm/câu)
2. Chọn câu lí thuyết làm trước, câu tính toán làm sau.(Vì câu hỏi lí thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán (trừ các câu hỏi lí thuyết thuộc nhóm câu từ 32-40)).
3. Nháp một cách khoa học (trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng gọn gàng, … để dễ dàng xem lại khi cần).
4. Đọc kĩ đề, để ý các 'bẫy' như: chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất,…
5. Phân phối thời gian làm bài hợp lí: - Với các câu lí thuyết và tính toán đơn giản (khoảng 28-30 câu đầu), đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 15-20 phút). - Với các câu tính toán khó, viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 20-25 phút). Với câu khó chưa làm được, đánh dấu hỏi chấm ở đầu số thứ tự câu trong đề, để đánh dấu câu đó chưa làm được, nếu còn thời gian làm bài có thể làm lại các câu này.'
6. Dành 5 phút cuối giờ thi để kiểm tra lại thông tin về SBD, các đáp án đã khoanh (tránh khoanh nhầm đáp án),...