60% thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến hết ngày 15/8, mặc dù đã quá 2/3 thời gian nhưng chỉ mới có khoảng 60% thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Với số lượng thí sinh đăng ký đến thời điểm hiện tại, trung bình 1 em đăng ký gần 5 nguyện vọng. Vụ Giáo dục Đại học đã có công văn gửi các trường đại học, sở giáo dục và đào tạo đề nghị các đơn vị này tăng cường truyền thông, nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung. Sau 17h ngày 20/8/2022, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo. Khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nữa.
Như vậy là các em còn đúng 5 ngày để điền vào phiếu nguyện vọng xét tuyển đại học và gửi đi. Chắc hẳn lúc này đây, nhiều sỹ tử chưa đăng ký còn một chút lấn cấn, một chút lo lắng và hồi hộp khi đã gần đi hết chặng đường cân nhắc nguyện vọng đại học. Tương lai học hành tiếp bậc đại học nằm ở lần quyết định này.
Căng thẳng những ngày cuối chốt nguyện vọng xét tuyển đại học
Số điểm thi khối B khiến Nguyễn Xuân Cường (Trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, Hà Nội) gặp khó khăn khi lựa chọn nguyện vọng. Vì đây là ngưỡng mà rất nhiều thí sinh đạt được trong phổ điểm thi tốt nghiệp vừa qua.
Nam sinh này buộc phải chuyển hướng chọn những ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn.
Xuân Cường chia sẻ: 'Cũng khá khó khăn khi trong nhà chỉ có một mình em thi khối B. Bố mẹ cũng đi hỏi rất nhiều người trong gia đình. Em định 5 ngày trước thời hạn bởi vì lúc đó thời gian suy nghĩ đủ lâu, khi đăng ký sớm như thế thì cũng yên tâm hơn'.
'Nâng lên đặt xuống' rất nhiều nguyện vọng, cuối cùng Mai và Nhi, hai người bạn cùng lớp cấp 3 - đã quyết định cùng nhau chọn xét vào một trường đại học.
Thí sinh Bùi Nhật Mai, Trường THPT Đông Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chia sẻ: 'Em cảm thấy áp lực, mệt mỏi kiểu lúc nào đầu cũng phải suy nghĩ đến việc xếp nguyện vọng như thế nào, chọn trường như thế nào'.
Thí sinh Bùi Yến Nhi, Trường THPT Đông Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chia sẻ: 'Trước nguyện vọng của bố mẹ là muốn em vào y dược nhưng điểm chuẩn của em không có khả năng vào khối ngành này nên em cân nhắc vào khoa quản trị kinh doanh, ngành mà em yêu thích từ trước tới giờ'.
Càng về những ngày gần cuối, những áp lực của phụ huynh và thí sinh càng tăng lên. Hàng nghìn câu hỏi chọn trường, chọn ngành qua Facebook được chuyên gia tư vấn nhiệt tình.
Theo đánh giá của các trường đại học, điểm chuẩn dự kiến không tăng nhiều so năm ngoái. Đến giờ phút này, các em nên nhanh chóng đăng ký để tránh các rủi ro về mặt kỹ thuật.
'Số ngành có điểm chuẩn tương đối cao như marketing, quản trị thương hiệu, logistic thì trên 27đ cả. Theo trường dự đoán, mức điểm chuẩn giữ ổn định như năm 2021' - PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Thương Mại nói.
'Thi THPT năm ngoái, các em toàn trên 26đ, các em lưu ý điểm đó. Tuy nhiên, kết quả thi mỗi năm cũng khác nhau. Năm nay, mở thêm chỉ tiêu dành cho thi kết hợp và thi năng lực, tạo cơ hội cho các em vào học viện nhiều hơn' - TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói.
Mai và Nhi đã hoàn thành các công đoạn chốt trường mà các em mong muốn. Còn Xuân Cường cũng đã cân nhắc xong thứ tự 3 ngành mà mình lựa chọn. Dự kiến ngày mai em sẽ nhấp chuột gửi đi, mang theo mong ước sẽ trở thành tân sinh viên sau ngày 15/9.
Trước câu hỏi đăng ký nguyện vọng như thế nào là thông minh, một chuyên gia tại trường đại học cho rằng: Sự thông minh ở đây là phù hợp nhất với mình. Đó là sự phù hợp về năng lực của bản thân, sau đó mới đến yếu tố sở thích, đam mê và một tiêu chí nữa là tiềm lực của gia đình và cuối cùng là dựa trên nhu cầu của xã hội. Các em hãy lưu ý thật kỹ những chiến thuật mà các chuyên gia tư vấn tuyển sinh để chắc thắng trong mùa xét tuyển năm nay.
Chiến thuật rải nguyện vọng để đạt hiệu quả cao
Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, thì đăng ký là nguyện vọng 1.
Các em không nên tập trung tất cả nguyện vọng vào trường top đầu, có mức độ cạnh tranh quá cao. Việc này có thể dẫn đến rủi ro là trượt tất cả các nguyện vọng. Chính vì thể, lời khuyên được đưa ra là dù đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao và để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, các em rải đều theo kiểu bậc thang các nguyện vọng từ trường điểm cao – điểm vừa đến điểm thấp.
Đặc biệt, các em không được bỏ qua các tiêu chí phụ. Năm ngoái, nhiều thí sinh trượt oan chỉ vì không lưu tâm đến vấn đề này.
Những thay đổi trong tuyển sinh ĐH 2023
Dù chưa kết thúc mùa xét tuyển năm 2022 nhưng nhiều trường đại học đã đưa ra các dự tính phương án tuyển sinh cho các năm tiếp theo. Trên tinh thần tự chủ, việc tuyển sinh đại học một số trường top những năm tới sẽ không phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí một số trường có xu hướng không còn xét tuyển thuần bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Còn trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các năm tới dành toàn bộ chỉ tiêu các ngành cạnh tranh cao như Công nghệ thông tin, Tự động hóa từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Riêng khối ngành sức khỏe, các trường đại học vẫn đang rất thận trọng trong việc điều chỉnh cách xét tuyển để tìm kiếm được những thí sinh đảm bảo chất lượng và phù hợp với môi trường khắc nghiệt của khối ngành này.
Dự báo thay đổi trong đánh giá thí sinh của khối ngành sức khỏe
Chọn khối B với môn Toán – Hóa và Sinh học, Mai Ngân dự định sẽ thi y khoa vào năm sau. Trong bối cảnh nhiều kỳ thi được tổ chức trong giai đoạn này, Ngân không khỏi băn khoăn cho định hướng sắp tới.
'Em lo lắng rất nhiều, không biết nên học như thế nào cho hiệu quả tốt nhất, khi các phương thức thay đổi rất nhiều' - học sinh Phạm Trần Mai Ngân, lớp 12 Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Thực tế, nhân lực đào tạo từ các trường đại học Y sẽ đảm nhiệm vai trò quan trọng, quyết định sinh mạng của người bệnh. Do đó, ngành Y luôn cần những người thực sự có năng lực, không chỉ về chuyên môn.
Theo đại diện Trường Đại học Y Hà Nội, thời gian qua, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe đã ngồi lại với nhau để bàn bạc các phương án thay đổi cách đánh giá thí sinh. Tuy nhiên, điều chỉnh cụ thể như thế nào cần tính toán lộ trình, ít nhất trong 2 hoặc 3 năm tới.
Cách đây gần chục năm, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có định hướng tổ chức bài thi chuyên biệt để tuyển sinh thí sinh có năng lực vào những ngành đặc biệt, trong đó có y dược. Tuy nhiên việc này chưa được áp dụng.
Những năm qua, việc tuyển sinh khối ngành này vẫn được thực hiện theo phương án thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: 'Chắc là năm tới, Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch xây dựng bài thi chuyên biệt, bài thi đánh giá năng lực nhưng chú trọng để phần sinh và hóa để phục vụ đánh giá khối ngành sức khỏe'.
'Chúng tôi đang xây dựng đề án tuyển sinh thêm một mức nữa là cử nhân+x. Các em phổ thông chưa định hình được có thích không, Nhiều bạn học y ra có làm y không. Đã là cử nhân rồi đã chín chắn hơn' - GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Như vậy, từ năm 2023, sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân ở một số ngành phù hợp, có cơ hội đăng ký tham gia các chương trình đạo tạo cử nhân +X của trường này, để trở thành y bác sỹ.
Đó là câu chuyện của những năm tới, còn năm nay, trước áp lực thay đổi, các trường thuộc khối ngành sức khỏe xét tuyển đã tăng tỷ lệ tuyển thẳng và kết hợp các chứng chỉ Tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.
Cũng liên quan đến ngành Y nhưng là theo một góc nhìn khác. Một cậu học trò nghèo ở huyện miền núi huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã vượt khó để thành công trong con đường học tập. Người ta gọi em là chàng trai vàng chuyên hóa và giấc mơ trở thành bác sỹ.
Chàng trai vàng chuyên Hóa và giấc mơ trở thành bác sỹ
Hôm nay, Xuân Hành hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Nam sinh trường chuyên Hà Tĩnh này đã đạt được thành tích đáng nể với môn Hóa học: giải nhất quốc gia và đạt Huy chương Vàng Hóa học quốc tế.
Phan Xuân Hành, học sinh lớp 12 Hóa, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh (bên phải ) cùng thầy giáo chủ nhiệm. Ảnh: Báo Nhân Dân.
'Từ lúc nhận được thông tin là mình được tuyển thẳng vào một số trường đại học trong cả nước. Sau nhiều lần đong đếm thì hôm nay em đã lựa chọn y đa khoa của Đại học Y Hà Nội làm nơi theo học trong quãng đời sinh viên sắp tới của mình' - em Phan Xuân Hành, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ.
Hành sinh ra và lớn lên trong một gia đình miền núi thuần nông ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Vì miếng cơm manh áo, bố mẹ phải đi làm ăn xa, em ở với bà nội.
Tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2022, nam sinh Phan Xuân Hành cùng với 3 thành viên của đội tuyển quốc gia đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Kết quả chung cuộc, đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 2 tại kỳ thi.
'Nghe nói học phí trường Y sắp tới sẽ tăng lên theo từng năm, đó cũng là một thử thách đối với gia đình em. Để chuẩn bị, gia đình em định vay ngân hàng để xoay xở những lúc khó khăn và em cũng định đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống của mình' - Xuân Hành cho biết.
Những ngày sắp tới của tân sinh viên này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, quyết tâm của em là có thể trở thành một bác sỹ giỏi chữa bệnh cứu người trong tương lai.