Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 được đánh giá là đa dạng so với các năm trước. Ảnh minh họa: Q.Anh
Kết quả tốt nghiệp dùng để xét tuyển vào đại học
Liên quan tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi này với mục tiêu chính là lấy quả để xét, công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả của kỳ thi cũng sẽ được các trường ĐH, CĐ xem xét sử dụng hợp lý trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện và công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, thông tin về công tác tuyển sinh, theo Bộ GD&ĐT, cùng thời điểm đăng kí dự thi THPT, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường đại học khác nhau. Các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (giống như năm 2019). Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh và mỗi trường chọn cách tuyển sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.
Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT Quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Các phương thức khác chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Mặc dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đánh giá là sẽ 'dễ thở' hơn so với các năm trước, song nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, bên cạnh đó cũng tăng dần chỉ tiêu cho xét tuyển dựa trên học bạ.
Tiêu biểu như tại Trường ĐH Nông lâm TP HCM, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường đã bổ sung thêm phương thức xét tuyển học bạ, dành 40%-50% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ bậc THPT (xét học bạ bậc THPT từ học kỳ I năm lớp 10 đến học kỳ I lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020. Điểm trung bình 5 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 6,0 điểm trở lên.
Theo dự kiến phương án tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Thương mại sẽ xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường tuyển 3.800 chỉ tiêu và sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển.
Về nguyên tắc xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) là 18,0 điểm, mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng vừa thông báo tuyển 7.100 chỉ tiêu đại học chính quy năm 2020 theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhiều trường đại học tổ chức thi riêng
Trong khi nhiều trường ĐH ở 'tốp trên' đang lên phương án tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh, đảm bảo chất lượng 'đầu vào'. Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, giảm tác động đến học sinh cũng như giúp các em thuận tiện hơn trong việc đi lại, trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng ở Hà Nội, Sơn La và Thanh Hóa.
Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh của trường được tổ chức ngày 25/7. Với kỳ thi tuyển sinh này, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến lấy 70% chỉ tiêu của từng khối ngành. Đầu tháng 5/2020, trường dự kiến sẽ công bố đề cương và các đề thi mẫu.
Còn Trường ĐH Ngoại thương có 5 phương thức tuyển sinh năm 2020. Đáng chú ý là phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do Trường ĐH Ngoại thương tổ chức phối hợp với Trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Điều kiện tham gia kỳ thi là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên. Thí sinh tham gia xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07. Bài thi bao gồm Toán (90 phút), Văn (bài tự luận - 60 phút), Ngoại ngữ (60 phút), Lý - Hóa (60 phút), Lý (60 phút), Hóa (60 phút). Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (dự kiến 20% chỉ tiêu). Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhà trường dành khoảng 20% chỉ tiêu.
Ban Chỉ đạo tuyển sinh Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đã công bố 3 phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, sẽ thực hiện 3 phương án tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực; xét tuyển hồ sơ thí sinh (dựa trên học bạ và kết quả của kỳ thi THPT). Kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến tổ chức vào khoảng cuối tháng 7/2020.
Tương tự, ĐH Quốc gia TPHCM cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và đã có hàng chục trường ngoài các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2020.
Trước phương thức tuyển sinh năm 2020 của các trường đại học đa dạng, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: 'Các trường được phép tuyển sinh theo tự chủ trong đó có thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Với các thí sinh, bước vào kỳ tuyển sinh, thí sinh cần xem năng lực của mình, nhu cầu thực tế của mình, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội… từ đó xác định thi vào ngành phù hợp. Không nên dựa quá nhiều vào sự yêu thích, hoặc đăng ký vào ngành nào đó mà ra trường khó xin được việc làm, cái này chỉ mang tính nhất thời, chưa có sự chuyên sâu. Thí sinh cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp thay vì chạy theo ngành hot hay chỉ vì đỗ mà chọn sai trường'.