Theo đó, về sự việc nữ sinh lớp 6 bị đánh hội đồng gây xôn xao dư luận vừa qua, UBND phường Biên Giang (quận Hà Đông, Hà Nội) tổ chức cuộc họp với Phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội), Ban giám hiệu trường THCS Biên Giang cũng như giáo viên chủ nhiệm lớp 6A3, 7A4, 8D; phụ huynh các học sinh đánh nhau để giải quyết vụ việc.
Tại cuộc họp, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết đã yêu cầu ban giám hiệu trường THCS Biên Giang tiếp tục hòa giải giữa các gia đình và phối hợp giáo dục học sinh. Đồng thời yêu cầu có biện pháp nghiêm khắc với học sinh vi phạm để các em không tái phạm, rút kinh nghiệm trong ứng xử với bạn bè và trong cuộc sống.
Phòng GD&ĐT quận cũng chỉ đạo trường THCS Biên Giang tăng cường trách nhiệm giáo dục đạo đức học sinh bằng nhiều biện pháp, thường xuyên phối hợp với gia đình theo dõi sát tâm lý của học sinh, động viên giúp đỡ kịp thời học sinh.
Bên cạnh đó Nhà trường tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử cũng như bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường để các em tránh xa các hành vi tiêu cực; quan tâm kịp thời tới học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Trước đó, phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết cũng đã đã cử cán bộ phòng cùng ban giám hiệu trường THCS Biên Giang, giáo viên chủ nhiệm đến thăm hỏi và động viên em T. Hiện sức khỏe và tâm lý của học sinh này ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, đơn vị này vừa có báo cáo về việc nữ sinh lớp 6 Trường THCS Biên Giang bị đánh hội đồng ngoài nhà trường.
Theo báo cáo thì ngày 18/8, Trường THCS Biên Giang tổ chức tập trung học sinh khối 6 nhập học và các khối lớp khác trong trường để chuẩn bị cho năm học mới. Sau buổi tập trung, các học sinh ra về và không có sự việc gì xảy ra trong trường.
Tuy nhiên, đến tối ngày 18/8, nhà trường nắm bắt thông tin có vụ xô xát giữa hai em học sinh lớp 7, lớp 8 với một nữ sinh lớp 6.
Sáng 19/8, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp có liên quan, đồng thời mời cha mẹ và học sinh hai bên đến làm việc và đã tham gia hòa giải. Ngay sau đó, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp liên quan mời phụ huynh các học sinh hai bên đến hòa giải. Nhưng khi gia đình nữ sinh T. xem clip đã không đồng ý với phương án hòa giải, tiếp tục trình báo sự việc lên Công an phường Biên Giang.
Qua tìm hiểu và bản tường trình của các học sinh cho thấy mâu thuẫn giữa em Ngô Bảo Ng. (lớp 7A4), Chu Phương A. (lớp 8D) và em Bùi Thị Ánh T. (lớp 6A3) đã xảy ra từ lâu, khi còn học tiểu học. Ngô Bảo Ng. và Chu Phương A. đã viết kiểm điểm, nhận lỗi và hứa sẽ không tái phạm.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, ngành Giáo dục Hà Nội cho biết đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử trong nhà trường.
Thời gian qua, việc thực hiện Bộ quy tắc tạo nên những chuyển biến tích cực trong cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; đại bộ phận giáo viên đều ý thức về vai trò của mình trong việc nêu gương về nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, từ đó giúp các em biết trau dồi thêm về văn hóa người Hà Nội, điều chỉnh trong cách ứng xử tạo nét đẹp văn hóa trong nhà trường.
Để thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, thời gian tới, ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học. Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; Triển khai xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình phòng tham vấn học đường để nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của học sinh, kịp thời có những giải pháp phù hợp.
Xây dựng môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; Tổ chức các phong trào thi đua giữa các khối, lớp, trong toàn trường, các hoạt động trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, TDTT, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi, cấp học...