Sáng ngày 17 và 18/2, Sở GD&ĐT Hải Phòng lập nhiều đoàn xuống các trường tại các địa phương ghi nhận thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như tổ chức học online của đơn vị.
Tại địa bàn quận Lê Chân, Hải An cả 3 cấp học của quận đều bắt tay triển khai học online ngay từ sáng 17/2 sau khi đã cài đặt xong tài khoản để truy cập hệ thống. Tuy nhiên, do thời gian diễn ra quá gấp nên ngày đầu ra quận có lớp chỉ đáp ứng được 50-80%, có lớp chỉ được 30% do phụ huynh bận công việc, chưa đưa máy tính hay điện thoại cho con sử dụng, truy cập phục vụ việc học.
Sáng 17/2, cô và trò Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã gặp mặt, điểm danh qua trực tuyến
Tại huyện An Dương, đến sáng 17/2 các trường vẫn đang hướng dẫn cài đặt phần mềm trực tuyến cho học sinh nên việc dạy online chưa thể triển khai ngay trong ngày.
Tại trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) công tác triển khai dạy học online qua phần mềm cũng bắt đầu từ 17/2. Theo chia sẻ của thầy Trịnh Doãn Toản, để ổn định cho học sinh khi học trở lại và qua phần mềm được thông suốt, nhà trường yêu cầu các thầy cô đến trường làm việc, dạy trực tuyến theo số tiết của thời khóa biểu, không dạy ở nhà để học sinh được nối tiếp việc học, không phải thay đổi lịch. Sau mỗi bài học, thầy cô sẽ hệ thống lại các bài tập giúp học sinh củng cố lại kiến thức. Theo đó, nhà trường bố trí, sắp xếp thời gian giảng dạy cho giáo viên sao cho phù hợp nhất.
Theo ghi nhận của Báo Gia đình & Xã hội, trong 3 cấp học thì bậc THPT tiếp cận học online thuận lợi và đảm bảo đủ 100% so với các bậc học khác.
Giáo viên trường THCS An Đồng, huyện An Dương đang hỗ trợ phụ huynh cài đặt tài khoản truy cập để giúp con học online
Tại trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), theo lịch phân công, mỗi phòng học một thầy/cô trực tiếp giảng dạy online, đảm bảo không gian yên tĩnh, khả năng tiếp nhận thông tin chính xác hơn. Nhiều thầy cô còn đầu tư máy soi giảng dạy trên giấy để học sinh từ xa đều hiểu, nắm bắt được bài giảng hiệu quả hơn.
Theo thầy Đoàn Thái Sơn – Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Trần Phú (quận Hải An) việc triển khai dạy online có ưu điểm là hạn chế được việc đi lại, tiếp xúc nhưng đòi hỏi tính tự giác của học sinh.
Giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn giảng dạy online trong phòng học riêng
Tại Trường Tiểu học Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), trường giáp ranh với tỉnh Hải Dương và là trường xa trung tâm huyện nhất, khó khăn nhất, việc triển khai dạy online qua hệ thống chỉ đáp ứng được 41,7%. Nguyên do là kinh tế các gia đình khá khó khăn, có nhà chỉ có 1 điện thoại thông minh thì phục vụ công việc đi làm, tối mới về; có nhà chỉ dùng điện thoại trắng đen nên không kết nối được, có gia đình thì phụ huynh đang rơi vào cảnh thất nghiệp do dịch bệnh bên Hải Dương chưa trở lại làm việc nên thắt chặt chi tiêu, không dám kết nối mạng….
Trước thực trạng trên, phía nhà trường đã linh hoạt, ứng biến bằng cách giao bài tập cho học sinh qua Zalo hoặc in bài tập nhờ Ban Chi hội lớp gửi tới các con để ôn luyện. Bằng các kênh trên, trường khó khăn nhất huyện Vĩnh Bảo đã đáp ứng được 99% học sinh ôn luyện và tiếp cận được bài tập, bài học.
Tại huyện Thủy Nguyên, một số trường giáp Kinh Môn, Hải Dương như Tiểu học Hợp Thành, hoặc trường Tiểu học, THCS Kỳ Sơn… do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc học online của học sinh gặp nhiều hạn chế.
Có cô giáo đã đầu tư máy soi thay bảng để giảng dạy giúp học sinh dễ hiểu, phù hợp với dạy online
Thầy giáo Nguyễn Văn Năng-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên cho biết: 'Đặc thù là huyện có cả xã miền núi nên nhiều trường, học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận ứng dụng công nghệ để học online. Với quan điểm nghỉ dịch nhưng không nghỉ học, các thầy cô những trường khó khăn đã linh hoạt trong việc in bài thả vào giá sách để ngay ngoài cổng và nhắn cho phụ huynh đi qua lấy mang về cho con làm. Sau khi làm xong thì lại thả vào ô bên cạnh để cô giáo đến thu bài về chấm. Tuy cách làm này có thể gây vất vả cho cả cô và phụ huynh nhưng với hoàn cảnh thực tế, chúng ta vẫn có gắng làm; không bằng cách này thì bằng cách khác, miễn sao các em không quên bài, không quên học'.
Cùng quan điểm trên, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thọ (xã Trường Thọ, huyện An Lão) - Nguyễn Thị Xuân thông tin, hiện còn một số học sinh không đủ điều kiện trang thiết bị phục vụ học online nên đề xuất cho phép nhà trường linh hoạt sử dụng các phần mềm, không chỉ là Office 365.
Theo phản ánh từ phía phụ huynh có con học tiểu học, để đáp ứng được việc học online, thời gian học cần điều chỉnh về tối vì ban ngày hầu hết mọi người đều đi làm. Có nhiều gia đình lo lắng khi con được sử dụng điện thoại, máy tính một cách hợp pháp mà bố mẹ không quản được dễ sa đà vào chơi game và chat chit trên mạng.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: 'Với một số địa phương ngoại thành còn khó khăn, Sở đã chỉ đạo các nhà trường linh hoạt trong triển khai như chuyển tài liệu cho học sinh thông qua hội cha mẹ học sinh, chi hội lớp và giáo viên cũng tiếp cận với học sinh, giao bài và thu bài, củng cố kiến thức cho các em. Các em học sinh khó khăn, nhà gần nhau có thể 2 em học cùng nhau trên 1 phương tiện, đảm bảo quy tắc phòng chống dịch và các em vẫn tiếp tục học được theo chỉ đạo của Bộ và thành phố. Thời gian học cũng cần linh hoạt, tùy theo điều kiện mỗi nơi làm sao phối hợp tốt giữa 3 nhà trường, gia đình và xã hội, đảm bảo trong điều kiện khó khăn hiện nay vẫn thực hiện được mục tiêu dừng đến trường nhưng không dừng học'.