Từ sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là câu chuyện pháp lý theo kiểu đúng hay sai mà sâu xa hơn, nó đặt ra vấn đề chọn lọc phù hợp để giữ được bản sắc trong tiếp biến văn hóa.
Thông tư 26 năm 2009 quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định chung về tiêu chuẩn lễ phục. Trong đó, yêu cầu áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng. Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái. Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.
Hình ảnh lễ phục của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ tốt nghiệp năm 2022 gây tranh cãi. Ảnh minh hoạ.
Cũng theo Thông tư này, tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được sự đồng thuận về chủ trương của Hội đồng trường, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp quyết định việc mặc đồng phục, lễ phục, quy định về kiểu dáng, màu sắc và chỉ đạo tổ chức mặc lễ phục của học sinh, sinh viên tốt nghiệp.
Có thể thấy, trong Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về lễ phục nói chung, lễ phục trong lễ tốt nghiệp nói riêng của các trường đại học tương đối mở. Do đó, nếu xét về lý, việc Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng trang phục lạ mắt trong lễ tốt nghiệp năm 2022 không vi phạm quy định nếu có sự đồng thuận về chủ trương của Hội đồng trường. Vấn đề đặt ra ở đây là sáng tạo lễ phục như vậy có phù hợp với sự tôn nghiêm, trang trọng của buổi lễ tốt nghiệp đại học và văn hoá của người Việt Nam hiện nay hay không? Và đây cũng chính là điểm mấu chốt tạo ra những tranh luận trái chiều trong cộng đồng xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, việc các trường đại học ở Việt Nam tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, học sinh đội mũ, mặc áo thụng theo kiểu phương Tây đã bắt đầu có từ cách đây khoảng 20-30 năm; dần dần thành quen thuộc. Đến thời điểm này, đa số các trường đều tổ chức lễ tốt nghiệp theo cách thức trên. Mặc dù ủng hộ tinh thần đổi mới của nhà trường trong việc tổ chức lễ tốt nghiệp nhưng đại diện một số trường đại học cũng cho rằng, trong các nghi thức hiện nay, một bộ lễ phục thể hiện được sự trang trọng, trang nghiêm, mang cả "dáng dấp" của truyền thống và hiện đại sẽ dễ được chấp nhận hơn. Các trường có quyền lựa chọn, quyết định về cách thức tổ chức nhưng nên phù hợp với điều kiện của xã hội và quan điểm thẩm mỹ của cộng đồng.
Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhà trường thay đổi trang phục lễ tốt nghiệp nhằm tạo ra sự khác biệt, dấu ấn riêng cũng có thể coi là một nguyện vọng hợp lý để khẳng định phong cách. Tuy nhiên, khi sáng tạo mà thiếu đi các tiêu chuẩn đối sánh phù hợp với thuần phong, mỹ tục truyền thống của dân tộc, cũng như thiếu đi một số chuẩn mực của văn hoá học đường hiện đại theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ dễ dẫn đến những rủi ro “gieo vừng ra ngô” (?!)”.
Cũng theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, một sự kiện vốn trang nghiêm là trao bằng tốt nghiệp cuối khoá, bỗng nhiên bị “sân khấu hoá” “toàn tập” về trang phục, “đạo cụ” của cả thầy và trò thì dễ khiến người ta có cảm giác rằng: Hình như đây là “một không gian khác”, không giống với không gian văn hoá học đường nhà trường, nhất là khi thầy hiệu trưởng “súng sính” khoác áo thụng sặc sỡ, tay cầm “quyền trượng” quyền uy, đầu đội mũ đỏ, cổ đeo tràng hạt dẫn theo một đoàn “tuỳ tùng” cũng vận y phục “quá lạ mắt”!.
“Chúng ta cần học hỏi tinh hoa văn hoá, văn minh của nhân loại trong mọi lĩnh vực nhưng phải biết chọn lọc và điều quan trọng là vẫn phải giữ được bản sắc riêng của văn hoá dân tộc.
Từ câu chuyện này cho thấy, ngày nay, văn hoá thẩm mỹ trong trường học cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục.
Do đó, các quy định, quy chuẩn văn hoá trong nhà trường cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng, chuẩn mực của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”-nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển chia sẻ.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: “Nghi lễ trao bằng tốt nghiệp ở Trường Đại học Kinh tế là một vấn đề văn hoá, không phải một vấn đề pháp lý.
Nghi lễ này rõ ràng được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, thì tiếp biến văn hoá là một nhu cầu khách quan. Tuy nhiên, chỉ có “tiếp” mà không có “biến” thì rất dễ rủi ro”.
Ở góc độ của người làm công tác giáo dục, TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng: Ở đây, vấn đề cần bàn luận là trong xu thế tự chủ, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, các trường đại học được và không được làm gì. Lâu nay, chúng ta vẫn quan tâm những hoạt động khác mà quên mất hoạt động mang tính văn hoá giáo dục như lễ trao bằng tốt nghiệp. Từ sự việc trên, những người làm công tác quản lý giáo dục có thể ngồi lại, thảo luận, đưa ra ý kiến thống nhất. Đây sẽ là tiền lệ tốt cho cả hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.