Hiện tượng tâm lý phổ biến ở mọi lứa tuổi
Từng là cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Đặng Nhật Minh hiện đang là Nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ tại Đại học Swinburne, ARC SEAM (Úc). Bản thân anh cũng từng không ít lần nghĩ đến việc tự tử nhưng đều vượt được qua nó.
Mới đây, anh đã có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh vấn đề này.
Đặng Nhật Minh (ngồi giữa) hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Đại học Swinburne, Úc.
'Không phải là vì ta thấy nhiều vụ tự tử lên báo gần đây mà vội đưa ra kết luận tâm lý này mới phổ biến mà đáng lẽ ta phải biết trước là nó cực kỳ phổ biến mới phải. Như mình biết, thì bao năm trước vẫn luôn nổi lên truyền kỳ về nhảy cầu sau mỗi kỳ thi đại học nhiều tới nỗi một số bạn còn lôi việc này ra đùa cợt nếu chẳng may thi trượt.
Theo mình quan sát thì ý định tự tử xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả bố mẹ cũng có thể có chứ không chỉ có học sinh, chỉ có cái khác là người lớn từng trải sẽ có tâm lý vững vàng hơn con trẻ ở lứa tuổi bồng bột. Có thể là vì người lớn trải qua thất bại vô số lần nên họ biết vấp ngã sẽ tự đứng lên được, còn trong thế giới quan của con thơ thì chỉ cảm thấy vòng lặp luân hồi của địa ngục học hành không có hồi kết'.
Trước đó, Nhật Minh cũng từng có một bài chia sẻ dài về những áp lực học hành thi cử của chính bản thân mình. Mặc dù là học sinh trường chuyên lớp chọn lại có thành tích xuất sắc nhưng cậu bạn cũng từng nhiều lần có ý định tự tử. Một phần vì khối lượng bài tập quá lớn, một phần vì sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ và một phần bởi áp lực do chính bản thân mình tạo ra.
Sau khi bài viết được chia sẻ rộng rãi, bố của Nhật Minh vô tình bị chỉ trích vì tạo áp lực cho con. Tuy nhiên, theo cậu bạn chia sẻ, không chỉ con cái mà chính bố mẹ cũng phải chịu áp lực lớn khi nuôi dạy con, bởi 'bố cũng là lần đầu làm bố': 'Mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng bố mình bị hiểu nhầm, nhưng vẫn tự hào vì mình dám lên tiếng. và qua đây mình mong muốn giải oan cho bố mình'.
Bài chia sẻ của nam sinh trước đó nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng.
Nhật Minh tâm sự: ‘Như bố mình sau khi đọc bài của mình cũng rất sốc bởi ông cũng là lần đầu tiên đọc được như bao người vì mình chưa có chia sẻ chuyện này bao giờ. Bố cũng tâm sự đôi lúc chính bố cũng cảm thấy áp lực khi nuôi dạy các con và cũng có nghĩ tới cả chuyện kia, nhưng lại không ngờ rằng con mình cũng từng nghĩ quẩn vậy.
Do đó, giáo dục tâm lý cho học sinh sớm được lúc nào là hay lúc đó, đồng thời phụ huynh và cả giáo viên cũng cần phải đi học các khóa đào tạo về tâm lý để tránh tạo môi trường bức ép con người ta tới bước đường cùng'.
Áp lực ở trường chuyên là tất yếu vì xung quanh ‘ai cũng giỏi’
Chia sẻ về vấn đề áp lực học tập ở trường Chuyên, Nhật Minh cho hay đây là điều tất yếu bởi ở môi trường này ai cũng giỏi, không chỉ học giỏi mà chơi cũng giỏi nữa.
‘Bạn có thể học tốt hơn người ta, nhưng mà người ta lại hát hay hơn bạn. Bạn có thể hát hay hơn, nhưng lại không biết cách ăn mặc đẹp như người khác. Thành ra ở Ams, tiêu chuẩn cho sự hoàn hảo là rất cao vì nếu nhìn ra xung quanh sẽ thấy mình luôn khiếm khuyết ở một điểm nào đó cơ mà chính sự sĩ diện hão cho bản thân mới khiến suy nghĩ tự ti đó lên ngôi.
Kèm theo đó là một bộ phận không nhỏ các phụ huynh ganh đua nhau để lấy thành tích cho con, đặc biệt kinh khủng ở các kỳ thi lớn như cấp quốc gia, quốc tế khi bạn còn phải so tài cùng các anh hào tới từ trường khác, và nước khác.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mình thấy ở Ams cũng có rất nhiều bạn chả thấy áp lực gì, chơi suốt và tự do sinh hoạt ngoại khóa, cũng có thể là do bố mẹ của các bạn ấy hội nhập với quan điểm giáo dục quốc tế từ sớm nên thành ra tạo điều kiện cho con được là chính mình nhiều nhất có thể’.
Theo Nhật Minh, áp lực ở trường chuyên là điều không thể tránh khỏi vì ở đây ai cũng giỏi, vì thế bố mẹ càng muốn con mình phải giỏi hơn.
Vì thế, Nhật Minh rất mong những tấm gương chơi mà học thực tế này cần được nhân rộng và tiếp sức bởi ban giám hiệu nhà trường. Đặc biệt là bên cạnh áp lực học tập lớn thì các nhà trường nên tạo điều kiện cho học sinh vui chơi hết mình ở các hoạt động ngoại khóa thay vì vui chơi vẫn bị kiểm soát.
Cậu bạn cũng đề xuất một số giải pháp đã được nêu ra trong cộng đồng Amser, tiêu biểu như trường nên mở phòng tâm lý trị liệu cho các em học sinh, giảm tải chương trình học hay thậm chí bỏ luôn hệ thống chạy đua giải quốc gia quốc tế.
Không chỉ học sinh cần tư vấn tâm lý, mà các thầy cô và phụ huynh, nơi mà áp lực được tạo ra, cũng cần phải được tư vấn để làm sao ứng xử mà không gây tổn thương tâm lý cho các bạn học sinh.
‘Hãy để các em xả stress một cách thoải mái sau mỗi giờ tan học bằng nhiều và thật nhiều sự kiện và hoạt động ngoại khóa được tài trợ, bảo trợ và tương trợ. Mình nghĩ nhiêu đó là điều thiết thực nhất mà nhà trường có thể làm ngay lúc này, càng sớm càng tốt’.
Nam nghiên cứu sinh cho rằng nhà trường cần nâng cao giáo dục tâm lý cho học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục tâm lý cho học sinh. Bởi ‘đâu phải ai sinh ra cũng có siêu trí lực như Giáo sư X trong X-men. Học sinh cần được giáo dục từ nhỏ rằng nếu như gặp tâm lý tiêu cực thì việc đầu tiên là phải đi khám bác sĩ tâm lý chứ không phải là tự mình tìm cách giải quyết’.
Đặc biệt, chính phụ huynh và các thầy cô giáo cũng cần thay đổi nhận thức, không đè nặng áp lực học tập lên con cái; giáo viên không bao giờ so sánh học lực và ít giao bài tập về nhà.
‘Mình nghĩ là nên bỏ kiểm tra bài cũ luôn thì càng tốt nhưng mình thấy cái này bất khả thi ở hiện tại bởi tư tưởng Nho giáo trong dạy học hiện đại còn bám rễ rất sâu’. Tuy nhiên, theo Nhật Minh chỉ cần thầy cô và phụ huynh đặt mình vào vị trí con trẻ để hiểu và thông cảm thì có lẽ áp lực sẽ giảm đi rất nhiều.
Cựu học sinh Amsterdam cho rằng nên giảm tải chương trình học và ít giao bài tập về nhà.
Con cái cũng cần thấu hiểu cha mẹ, làm bạn với bố mẹ
Theo cựu học sinh Amsterdam, để bố mẹ và con cái có thể làm bạn với nhau thì cần xuất phát từ tình yêu: ‘Điểm cốt lõi của việc làm bạn với bố mẹ cũng giống như cách bố mẹ làm bạn với con, chính là xuất phát từ tình yêu.
Mình không muốn bố mẹ áp đặt gì mình thì cũng không nên áp đặt bố mẹ phải chấp nhận với tư tưởng mới ngay lập tức. Người lớn tuổi tiếp thu kiến thức mới tất nhiên sẽ khó khăn và chậm hơn so với con trẻ, mình hiểu rõ điều này nên hành trình này là cả một quá trình tỉnh thức của nhận thức’.
Nhật Minh thường dẫn các chủ đề thời sự nóng hổi tại Việt Nam và nước ngoài để bàn trong các bữa cơm tối với gia đình, đa số là trao đổi với bố, thi thoảng sẽ có thêm sự tham gia của mẹ. Lúc đầu cả nhà đã cãi nhau nảy lửa vì không cùng quan điểm và khoảng cách thế hệ.
Nhật Minh cũng tìm cách thay đổi quan điểm của bố mẹ bằng cách thường xuyên dẫn các chủ đề thời sự để bàn luận theo phương châm 'mưa dầm thấm lâu'.
‘Cơ mà mưa dầm thì thấm lâu, lần đầu nói thường bị mắng té tát, lần hai thì ít tát té hơn, còn tới lần thứ mười thì phụ huynh cũng oải thôi mày tha cho tao nói gì mà nhiều thế. Chính vì lai rai như vậy cho nên dần dần các từ khóa quan trọng được ghi ở trong suy nghĩ của bố mẹ mình, bố mình lên mạng sẽ đọc thêm để tranh luận với mình và dần dần tư tưởng ông thoáng hơn xưa rất nhiều. Từng vấn đề được bàn luận là từng bước để gần hơn với tư tưởng cấp tiến của xã hội văn minh, là từng bước bước xa khỏi tư duy hạn hẹp của ý thức hệ cũ để rồi bố mình của ngày hôm nay là siêu hoàn hảo so với bố mình của mười năm trước'.
Theo Nhật Minh thì phương pháp tiếp cận với phụ huynh chỉ đơn giản như vậy thôi. 'Hãy nhẫn nại hết sức có thể, một ngày chưa hiểu thì tiếp tục một tháng, một năm chưa tỏ thì đợi mười năm ‘thời gian dành cho bố mẹ thì nào ai dám tiếc, bõ gì so với công bố mẹ hi sinh cho mình’.
Cậu bạn cho rằng chính con cái cũng cần thấu hiểu và nhẫn nại với bố mẹ.
Nam nghiên cứu sinh cũng chia sẻ một góc nhìn khác của bản thân sau khi thấu hiểu cha mẹ. Bên cạnh những kỳ vọng quá lớn của bố mẹ vô tình tạo áp lực cho bản thân thì cậu bạn cũng hiểu rằng bố mẹ đã vì mình mà hi sinh lớn tới nhường nào.
'Bố đã từng vì sợ mình ngậm cán thuốc dư mà bỏ hút thuốc lá chỉ ngay sau một ngày mặc dù bố đã nghiện cả chục năm, một nghị lực không thể phi thường hơn mà mẹ mình vẫn sốc mỗi khi kể lại. Bố đã từng giữ đúng lời hứa với mình khi mình đỗ danh hiệu Bảng nhãn hồi năm lớp 2 mà bỏ tiền lương mấy tháng ra mua chiếc xe điều khiển từ xa cho mình nghịch vài bữa, mặc dù tiền đó đủ để cả nhà mình có nhiều bữa cơm no nê. Bố chưa bao giờ lỡ hẹn chở mình đi thi các kỳ thi chuyển cấp quan trọng, từ tiểu học lên đại học cho tới lúc mình đi du học, bố luôn thu xếp việc cơ quan để chờ mình ngoài cổng trường vài tiếng tới khi hết mùa thi.
Lần nào cũng như lần nào, bởi giữa bố con mình, có một cái gì đó gờn gợn không thể nói nên lời trực tiếp với nhau nên bố đành mượn những dòng tin nhắn điện thoại để gửi những lời động viên, lời chúc tinh thần cho mình, rằng hãy thi thật tốt, đừng lo gì cả, đã có bố ở bên cạnh. Bởi vậy, mình không nỡ vứt đi chiếc Nokia cục gạch siêu cũ là vì mình luôn khát khao được xem lại những dòng chúc ấy cho tới mãi sau này, nhất là những lúc mình tụt mood nhất'.
Thay vì chỉ nói về chuyện học hành, áp lực thi cử thì Nhật Minh chia sẻ với bố nhiều hơn về những hoạt động ngoại khóa ở trường của mình.
Sau này, cậu bạn cũng dành thời gian trao đổi với bố nhiều hơn ‘chẳng phải chuyện học mà mình luôn kể cho bố những câu chuyện vui nhất thế gian’.
‘Mình kể cho bố rằng mình cười tươi thế nào khi lần đầu tiên phóng thành công quả tên lửa nước với clb thiên văn, rồi cả kế hoạch làm kính ngắm sao băng nữa, thế là bố cặm cụi đi xin bằng được các thấu kính siêu xịn về. Mình khóc gọi điện cho bố rằng mình bị gãy răng thế nào khi lỡ thực hiện động tác sai ở clb võ thuật, thế rồi bố vội gác hết việc cơ quan để về đưa mình đi khám. Mình nói với bố mình xấu hổ thế nào khi lần đầu cất giọng ở clb âm nhạc, thế là bố liền đầu tư một dàn karaoke nghiệp dư để mình luyện thanh'.
Sau những lần trò chuyện vui vẻ và cởi mở với phụ huynh, cậu bạn nhận ra rằng bố chính là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất của mình. Những suy nghĩ của phụ huynh cung trở nên thoáng hơn.
'Bố mình của năm lớp 8 khác hoàn toàn với bố mình của năm lớp 10 và càng không thể so sánh với bố mình hoàn hảo của năm lớp 12. Bố đã bỏ mất mấy ngày năn nỉ mình bỏ bài tập luyện thi đại học lại mà dành thời gian đi dã ngoại với bạn bè cùng lớp lần cuối, bố mình đã lớn tiếng với mẹ về việc bỏ bớt các lớp học thêm không cần thiết để cho mình có thời gian sinh hoạt clb nhiều hơn'.
Hiện tại cậu bạn đang hoàn thành nốt chương trình nghiên cứu sinh ở Úc và sẽ tu nghiệp một thời gian trước khi trở về Việt Nam làm việc.
Theo Nhật Minh không chỉ người lớn có thể dạy cho trẻ con mà trẻ con cũng có thể 'giáo dục' ngược lại người lớn thay đổi về những quan điểm cũ kỹ lạc hậu, để từ đó hai thế hệ dần dần hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn.
'Bản thân mình cũng ngạc nhiên vì bố dần thay đổi, theo một chiều tích cực hơn. Đôi khi người ta cứ nghĩ trẻ con thì cần được người lớn dạy bảo, mấy ai ngờ rằng con trẻ cũng có thể giáo dục người lớn trưởng thành hơn trong tư duy. Rồi mình đổi nhiều cách tiếp cận hơn, đề cập các vấn đề nóng hổi của xã hội như bình đẳng giới, đồng tính luyến ái, sống thử, nhận con nuôi và vân vân để rồi dần dần sau bao bữa cơm tranh luận sôi nổi, mình có thể tự hào rằng bố mình bây giờ suy nghĩ cực kỳ thoáng và không hề cổ hủ tí nào. Liệu có một cách giải thích nào hợp lý cho sự phát triển này hơn tình cha và con?'.
(Ảnh: NVCC)