Mới đây, mạng xã hội rần rần chia sẻ hình ảnh đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp THCS của tỉnh Quảng Nam thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong đó, ở phần Nghị luận xã hội bàn về vấn đề ‘sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ’ khiến cư dân mạng thích thú vì có hàng loạt câu nói nổi tiếng. Đây cũng là chủ đề nóng hiện đang được nhiều người quan tâm bởi liên tiếp các vụ tự tử do áp lực học tập và sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ xảy ra thời gian vừa qua.
Cụ thể, ở câu Nghị luận xã hội 8 điểm, đề bài đưa ra những trích dẫn:
'Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố' (Bộ phim Reply 1988).
'Nếu ba mẹ lỡ ko may chệch đường đi lạc xa mình, hãy chỉ dẫn, hãy kéo tay ba mẹ với nhé! Mẹ tuy nhiều tuổi hơn, nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con túng lúng, mẹ cũng lúng túng, con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ, có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa. Chúng ta cùng ngơ ngác và hoang mang'. (Nhà báo Trần Thu Hà).
Đề bài yêu cầu từ những tâm sự trên hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp THCS tỉnh Quảng Nam,
Ngay sau khi chia sẻ, đề thi này nhanh chóng được đưa ra bàn luận trong khắp các group học đường. Nhiều người đánh giá đây là một đề thi hay, phản ánh đúng tính thời sự và cũng là dịp để các bạn học sinh lắng lại, thấu hiểu cho cha mẹ của mình nhiều hơn.
Ở câu hỏi nghị luận này đòi hỏi học sinh phải có nhiều phân tích, đánh giá và dẫn chứng từ trải nghiệm của bản thân. Mỗi em học sinh sẽ là một câu chuyện khác nhau nhưng cũng phần nào phản ánh được những tâm sự, cảm xúc của con cái đối với cha mẹ.
Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Trần Thu Hà cũng chia sẻ lại đề thi và cho biết bản thân thấy mừng khi những điều này được lan tỏa tới học trò. 'Cô Hà cũng chưa từng là Học sinh giỏi văn, không biết nói văn hoa, chỉ biết nói thật. Nhưng nói thật, trung thực với chính mình cũng là thành công rồi nè’.
Nhiều phụ huynh đánh giá đây là một đề thi hay và mong muốn được đọc bài của các con.
Dưới phần bình luận nhiều phụ huynh và học sinh cũng bày tỏ sự thích thú và bàn luận vềi đề thi này:
'Em thích đề thì văn kiểu này. Để các con suy nghĩ và được nói lên suy nghĩ của mình'.
'Bài của chị Thu Hà rất hay, tư tưởng của chị là bố mẹ và con cùng đồng hành, nhưng đề bài chỉ nêu 1 khía cạnh, đương nhiên ở vai trò học sinh là con thì cần nêu lên quan điểm ở con nhưng vẫn hi vọng bài văn đc giải nhất sẽ nêu thêm 1 khía cạnh nữa là "cha mẹ cũng nên thấu hiểu con cái".
'Đề hay qua và thực sự có chiều sâu, đặc biệt nó rất phù hợp với thực trạng ngày nay. Mình mẹ bỉm 1 con rồi đọc đề mà chỉ muốn được thi lại thui. Bạn nào được xem Reply 1988 rồi thì sẽ càng hiểu và thấm hơn'.
'Đề thi hay quá ạ, mang tính thời sự và rất thiết thực, nhất là rất phù hợp với tư duy của các con thi HSG Văn cấp tỉnh. Ở lứa tuổi này, cảm nhận của các con khác, ở lứa tuổi khác, cảm nhận lại khác nữa. Mỗi lứa tuổi các con sẽ có những trải nghiệm của riêng con, cảm xúc, rung động,... phù hợp với lứa tuổi con. Giá mà sau này, những bài dự thi xuất sắc (của đề thi này) sẽ đến được với độc giả'.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng hi vọng bài làm của học sinh sẽ là chia sẻ cảm xúc thật chứ không chỉ là văn chương sáo rỗng. Một số phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn sẽ được đọc những bài thi xuất sắc trong đề thi này.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến trái chiều xung quanh đề thi này. Không ít người cho rằng đề văn mang tính chất áp đặt một phía bắt học sinh phải đưa ra cái nhìn thấu hiểu. Khi làm đề văn rất ít học sinh dám nói lên suy nghĩ của mình, mà sẽ thay bằng những câu từ hoa mỹ. Hơn nữa đây là một vấn đề quá lớn nằm ở nhận thức xã hội và giáo lý ứng xử. Văn học nên được giải phóng khỏi vấn đề này thì học sinh mới có thể tự do sáng tạo.
Không ít người lại cho rằng đề thi này đang 'đu trend' và áp đặt.
Hiện đề văn vẫn đang thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng.