Thầy Nguyễn Bá Minh, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận 11), với phương châm: Học sinh cần được thoải mái về tinh thần mới tiếp thu kiến thức hiệu quả
Những giờ học vui
Tuần qua, giờ học môn Giáo dục thể chất của thầy Long Gia Khánh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), rộn rã tiếng cười. Để tập trung học sinh đầu giờ, thầy quy ước với cả lớp đếm ngược từ 10 đến 0, học sinh phải đứng ngay ngắn vào hàng. Khi đếm đến 0, thầy Gia Khánh ngưng lại 2 giây, sau đó nói to “Happy new year” khiến cả lớp cười ồ.
Một học sinh cuối hàng thích thú: “Thầy ơi, năm nay Tết Âm lịch đến sớm, lớp mình đếm ngược từ nay đến đó là vừa”. Tiết học bắt đầu trong không khí vui vẻ, thầy và trò đều tràn đầy năng lượng. Người thầy “cầm trịch” tiết học vui đó cho biết, học sinh chỉ tiếp thu tốt kiến thức khi các em cảm thấy thoải mái. Đây là bí quyết dạy học sau hơn 22 năm gắn bó với nghề.
Nhớ lại những năm đầu tiên mới ra trường, thầy Gia Khánh được phân công về Trường THCS Trung Mỹ Tây (nay là Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12). Trường nhỏ, sân tập thể dục cho học sinh không có, thầy và trò phải đi bộ qua Trung tâm Văn hóa quận 12 vào mỗi giờ học thể dục. Bài học đầu tiên làm nghề không phải chuyên môn dạy học mà là kinh nghiệm xương máu trong việc quản lý học sinh.
Thầy cho biết, gia đình không ai theo nghề giáo, nhưng vì trót đam mê bộ môn thể dục thể thao nên thầy chọn con đường sư phạm để được sống với đam mê của mình. Từng có giai đoạn, thầy giáo trẻ ban ngày đi dạy học, chiều tối nhận dạy thêm tin học để đủ tiền trang trải cuộc sống. Khó khăn là thế, nhưng chưa một ngày thầy ngưng đến lớp. “Đó là trách nhiệm với bản thân và công việc đã chọn. Học sinh không có tôi sẽ học với giáo viên khác, nhưng tình cảm gắn bó với học trò là điều tôi luôn trân quý”, thầy Khánh bày tỏ.
8 năm về trước, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của Trường THCS Chu Văn An (quận 11) lắng đọng khi toàn trường nghe một học sinh nữ đọc thư gửi thầy giáo chủ nhiệm của mình. “Trong mắt em, thầy rất khó tính. Mỗi khi vào lớp, thầy nghiêm khắc nhắc nhở từng hành vi chưa đúng của lũ học trò: Ngồi ngay ngắn lại! Lật sách ra đi! Giọng thầy gằn xuống khiến cả lớp đều sợ và chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng học với thầy một thời gian, em nhận ra mọi thứ thầy làm đều xuất phát từ tình thương, luôn quan tâm, dạy bảo để học sinh trở thành người sống tử tế, có thành tích tốt trong học tập. Kết thúc năm học, thầy trong lòng em là người sống rất tình cảm…”.
Tên thầy giáo được học sinh nhắc đến ở cuối bức thư. Cả sân trường hướng mắt về phía thầy Nguyễn Bá Minh, giáo viên tiếng Anh của trường. Tự nhận xét về mình, thầy Minh cho biết, mình là người khá kỹ tính. Với môn học ngoại ngữ, nếu học sinh không hứng thú sẽ rất ngán học. Do đó, trong tất cả giờ học trên lớp, dù học về từ vựng hay ngữ pháp, thầy đều lồng ghép phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Giờ học của thầy Bá Minh thường tổ chức theo hình thức hoạt động nhóm để kích thích sự chủ động và sáng tạo của học sinh. “Dạy học là cả quá trình, nếu nôn nóng sẽ trở thành áp lực cho cả thầy lẫn trò. Học sinh cần được thoải mái về tinh thần mới tiếp thu kiến thức hiệu quả. Tôi nghĩ, gừng càng già càng cay là tất yếu, quan trọng vị cay đó không để lại dư âm đắng, khó chịu cho học trò, mà cay để các em luôn nhớ vị gừng đó”, thầy Minh bày tỏ.
Mưa dầm thấm đất
Với cô Lê Hà Nguyên Phương, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận), trong bối cảnh xã hội phát triển với công nghệ 4.0, học sinh có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau khiến vai trò người thầy thay đổi. Giáo viên phải luôn học hỏi, không để mình giậm chân tại chỗ mới có thể làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng kiến thức cho học sinh.
Ngoài ra, lứa tuổi học sinh bậc THCS (từ 11-14 tuổi) là giai đoạn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường giao tiếp xung quanh. “Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm của tôi là trong mọi hoàn cảnh, thầy cô phải lắng nghe học sinh nói. Suy nghĩ nào của các em đúng sẽ được tạo điều kiện thực hiện, suy nghĩ sai được uốn nắn theo hình thức mưa dầm thấm đất”, cô Nguyên Phương chia sẻ.
Giải thích điều này, cô Phương cho biết, tâm lý tuổi mới lớn thường không chịu nhận sai mà tìm lý do để biện hộ cho hành động của mình. Nếu cả hai bên cùng nóng sẽ dẫn đến tình huống không hay. Do đó, giáo viên cần chủ động dừng lại cuộc nói chuyện, cho học sinh về nhà suy nghĩ, hôm khác cô và trò tiếp tục trao đổi. Với từng đối tượng và tính cách học sinh, người thầy phải khéo léo tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp. Để làm được điều này, thầy cô khi lên lớp không chỉ truyền thụ kiến thức mà cần dành thời gian quan sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thói quen, tính cách từng học sinh.
Đối với cô, niềm vui khi làm nghề không phải giải thưởng, thành tích, mà góp nhặt từ sự vâng lời, một câu nói quan tâm của học sinh, một bài kiểm tra đạt kết quả ngoài mong đợi cũng đủ khiến cô “lâng lâng cả ngày”. Đó là động lực giúp cô giữ vững lòng yêu nghề suốt 20 năm qua và tiếp tục “cháy” hết mình thêm nhiều năm nữa.
Nỗi lòng cô giáo vùng ven
Trong số 10 giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay ở bậc THCS, cô Dương Thị Thanh Thảo, giáo viên Trường THCS Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), là người có điều kiện công tác đặc biệt nhất. Với tâm nguyện được cống hiến trên chính mảnh đất quê hương của mình, từ một đơn vị công tác ở trung tâm thành phố, cô chủ động xin chuyển về Trường THCS Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Những ngày đầu tiên ở ngôi trường mới, do trường dư biên chế giáo viên nên ngoài việc giảng dạy, cô Thanh Thảo phải kiêm nhiệm thêm công tác học vụ. Trường ở khu vực ngoại thành nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đều thiếu thốn.“Ti vi, máy chiếu là phương tiện dạy học phổ biến ở các trường nội thành, nhưng với chúng tôi, ước mơ đó phải thực hiện trong rất nhiều năm. Thầy và trò luôn ý thức phải tận dụng tối đa mọi đồ dùng dạy học sẵn có để giờ học trở nên sinh động, học sinh đỡ thiệt thòi”, cô Thảo cho biết.
Ngoài ra, do đặc thù phân bổ dân cư, hầu hết phụ huynh ở khu vực quanh trường là dân lao động, nhiều gia đình theo nghề đi biển quanh năm, con cái ở nhà với ông bà, không được ba mẹ quan tâm, sâu sát việc học. Do đó, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh không thường xuyên và liên tục như ở nội thành. Nhiều trường hợp giáo viên phải đến tận nhà vận động các em đi học, bỏ tiền túi ra mua sách vở, đồng phục cho học sinh đủ điều kiện đến trường. Ở mảnh đất “cái ăn quan trọng hơn việc học”, giáo viên vừa là người thầy, vừa là chị, là mẹ quan tâm miếng ăn, giấc ngủ của học sinh.
Nhìn lại chặng đường 17 năm đã qua, cô Thanh Thảo cho biết, phải linh hoạt kết hợp nhiều phương pháp giáo dục. Bằng tình thương và tinh thần trách nhiệm, cô đã đồng hành, trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều thế hệ học sinh. Song, “một cánh én không làm nên mùa xuân”, trăn trở lớn nhất của cô giáo trẻ hiện nay là làm sao giảm thiểu tối đa tình trạng học sinh bỏ học, hiện thực hóa giấc mơ con chữ giúp học sinh đổi đời, trở thành người có ích cho xã hội.
Danh sách giáo viên bậc THCS đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy cô:
- Cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, giáo viên Trường THCS Thị trấn 2 (huyện Củ Chi).
- Cô Phạm Thị Hương, giáo viên Trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú).
- Cô Võ Thị Hồng Nga, giáo viên Trường THCS Bình Tân (quận Bình Tân).
- Cô Nguyễn Uyên Uyên, giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5).
- Thầy Cao Hoàng Bảo, giáo viên Trường THCS Bình Tây (quận 6).
- Thầy Nguyễn Văn Tiệm, giáo viên Trường THCS Hiệp Bình (TP Thủ Đức).