So với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13-14 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên (SV) khóa mới của Trường ĐH Y Dược TP HCM từ năm 2020 với ngành răng - hàm - mặt lên tới 70 triệu đồng/năm.
Lấy thu bù chi
Đề án tuyển sinh vừa được Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố đã đưa ra mức học phí từ năm học 2020-2021. Theo đó, mức thấp nhất là 30 triệu đồng, mức cao nhất là 70 triệu đồng/SV. Đề án cũng ghi rõ: Học phí các năm tiếp theo dự kiến sẽ tăng 10%.
Như vậy, riêng với ngành có học phí cao nhất là răng - hàm - mặt, SV năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng; năm thứ hai: 77 triệu đồng; năm thứ 3: 84,7 triệu đồng; năm thứ 4: 93,1 triệu đồng; năm thứ 5: 102,4 triệu đồng; năm thứ 6: 112,6 triệu đồng. Tổng thời gian học 6 năm để hoàn thành chương trình, một SV ngành răng - hàm - mặt sẽ phải đóng khoảng 460 triệu đồng học phí.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TP HCM, lý giải: Học phí là một phần chi phí để đào tạo một SV. Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Y Dược TP HCM thu 13 triệu đồng/năm/SV vì phần lớn chi phí để đào tạo SV được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo một SV chỉ tốn có ngần đấy.
Sinh viên một trường đại học ở TP HCM đóng học phí Ảnh: TẤN THẠNH
'Không thể nào đào tạo một bác sĩ mà chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/tháng. Ngay cả đào tạo học sinh tiểu học cũng không có mức này' - ông Khôi nói và cho hay bắt đầu từ tháng 1-2020, Trường ĐH Y Dược TP HCM không nhận ngân sách nhà nước nữa, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển nên bắt buộc phải tăng học phí.
'Có những ngành đòi hỏi chi phí đào tạo cao như răng - hàm - mặt phải hơn 100 triệu đồng/SV/năm, bởi mỗi SV sẽ trực tiếp thực hành trên một máy riêng cùng với chi phí nguyên vật liệu khác. Dù vậy, nhà trường phải cân nhắc bởi nếu thu đúng như vậy liệu có SV theo học và có làm tròn trách nhiệm của trường không. Do đó, trường quyết định vẫn bù lỗ và đưa ra mức thu 70 triệu đồng/năm' - ông Khôi nói tiếp.
Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP HCM khẳng định những SV nhập học trước năm 2020 vẫn đóng học phí theo lộ trình đã công bố từ đầu khóa. Mức học phí vừa công bố chỉ áp dụng cho SV được tuyển sinh từ năm 2020.
Liệu học phí cao có làm cho thí sinh nghèo trúng tuyển nhưng không thể theo học? Ông Khôi cho biết trường bảo đảm không có SV nghèo, học giỏi trúng tuyển không thể học vì nghèo bởi trường luôn có chính sách hỗ trợ SV.
'Chúng tôi cam kết không để một SV nào nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại' - ông Khôi nói và cho biết theo quy định, các trường dành 8% nguồn thu làm quỹ học bổng nhưng Trường ĐH Y Dược TP HCM thường trích lại tới 15%. Quỹ học bổng này cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ dùng để hỗ trợ SV học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.
'Trường đưa mức thu này để một phần tích lũy cho phát triển, giúp SV được thụ hưởng, sử dụng thiết bị hiện đại, những gì tốt nhất trong quá trình học. Chúng tôi công khai học phí từ đầu khóa tuyển sinh để xã hội biết, học sinh và phụ huynh cân nhắc' - ông Khôi nói.
Chưa tự chủ nên chưa tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 5-6, một lãnh đạo của Trường ĐH Y Hà Nội cho biết do nhà trường chưa tự chủ tài chính nên học phí năm học 2020-2021 chưa tăng. Tuy nhiên, vị này cho biết trong tương lai, khi tự chủ tài chính sẽ phải tính đến tăng học phí vì đào tạo ngành y rất tốn kém. 'Chính vì chi phí đào tạo rất cao nên nhiều năm qua chúng tôi gần như không tăng chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng đào tạo' - vị lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho hay.
Nói về mức học phí tăng chóng mặt mà một số trường ĐH khối y - dược mới công bố, vị này cho rằng mức học phí dù rất cao nhưng cũng không thể bù được chi phí đào tạo. 'Trường ĐH Y Dược TP HCM vừa tự chủ thì đã bị Bộ Y tế cắt hơn 90 tỉ đồng, tất nhiên là không còn cách nào khác là phải tăng học phí. Để các trường ĐH tự bơi là rất khó khăn nên chúng tôi mong được xã hội chia sẻ, đồng cảm với quyết định này' - lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội nói.
Không chỉ khối trường y - dược mà các trường khối kỹ thuật, kinh tế, luật, cũng rục rịch tăng học phí trong năm học mới. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố mức học phí áp dụng cho SV khóa mới (K65) năm học 2020-2021 cho các chương trình đào tạo chuẩn sẽ có mức từ 20-24 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành); trong khi đó, học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3-1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành.
Tăng không quá 10%/năm PGS-TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội, cho hay học phí dự kiến của trường trong năm học 2020-2021 đối với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm, học phí được điều chỉnh tăng không quá 10%/năm. Học phí chương trình chất lượng cao, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế dự kiến là 40 triệu đồng/năm. Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 60 triệu đồng/năm. Bà Hương cho biết để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn, Trường ĐH Ngoại Thương có chính sách hỗ trợ tài chính cho SV. Ngoài việc hỗ trợ về tài chính và không phải trả lãi suất cho đến khi tốt nghiệp, trường cũng có chính sách học bổng, miễn giảm học phí và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng và các bạn SV. |