Bà Phan Thị Khoá, tên thường gọi là bà Khoá Liên Phương.
Khởi nghiệp từ gánh hàng rong lúc 9 tuổi
Bà Phan Thị Khoá còn được biết đến với tên gọi là bà Khoá Liên Phương. Bà được xem là một “huyền thoại” trên thương trường khi đất nước còn trong thời kỳ gian khó. Bà cũng được biết đến là người có đóng góp lớn cho cách mạng khi từng mua công trái kháng chiến lên đến 1 triệu đồng. Cũng chính bà đã cung cấp nhu yếu phẩm cho căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với những đóng góp lớn, bà từng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba bởi tinh thần vượt khó và ý chí làm giàu mãnh liệt.
Bà Khoá Liên Phương tên thật là Phan Thị Khoá, sinh năm 1920, quê gốc tại làng Nủa, Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhưng sinh ra và lớn lên rồi khởi nghiệp ở Tuyên Quang. Sinh ra trong một gia đình có tới 5 anh chị em nên từ nhỏ bà Khóa đã nung nấu quyết tâm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Bà khởi nghiệp kinh doanh khi mới 9 tuổi từ gánh hàng rong hoa quả, khoai sắn, đến năm 1931, cô bé 11 tuổi Phan Thị Khoá chuyển sang bán rau rong, rồi khi đã tích cóp đủ vốn liếng, bà mở một quầy bán rau tại chợ và còn bán thêm một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Bằng chữ tín dành cho cả chủ hàng và khách hàng, quy mô buôn bán của bà Khóa ngày một mở rộng,...
Tích cóp được một lượng tiền khá lớn, bà Khóa mở thêm cửa hàng bán gạo. Gạo từ dưới xuôi lên bằng ô tô cũng có, khi xuôi sông Hồng, khi ngược sông Lô bằng tàu của nhà buôn Bạch Thái Bưởi, mỗi lần hàng giao cũng tới cả chục tấn gạo.
Buôn bán thực phẩm đắt hàng, đắt khách nhưng bà lại rẽ sang làm bánh kẹo bằng việc mua lại cửa hàng bánh Liên Phương ở thị xã Tuyên Quang vốn đã phá sản. Cái tên “bà Khóa Liên Phương” cũng có từ dạo đó.
Bánh kẹo Liên Phương làm ra không đủ bán, cạnh tranh cả với những loại bánh kẹo nổi tiếng khác ở Hà Nội, rồi Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa... Nhờ vậy mà khi mới chỉ vừa tròn 23 tuổi, năm 1942 bà Khóa Liên Phương trở thành một trong những thương gia có tiếng nhất miền Bắc.
Tết Nguyên đán năm Ất Dậu (1945), bà Khóa phá kho gạo chia cho hàng ngàn người. Đến khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, gia đình bà Khóa cũng đứng vào hàng ngũ đi khởi nghĩa, giành chính quyền, cửa hàng Liên Phương bị quân Tưởng cướp phá sạch khi tràn qua thị xã Tuyên Quang.
Năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, một lần nữa bà Khóa lại đập bỏ toàn bộ 6 ngôi nhà của mình, mở kho phân phát đường, bột, gạo cho người dân trước khi lên đường tản cư...
Pháp rút khỏi Tuyên Quang, bà Khóa mở thêm trại nuôi bò sữa. Sữa tươi được đóng vào chai để bán. Váng sữa được chế biến thành bơ, pho mát, hàng làm ra không đủ bán.
Có nhiều tiền, bà mua 2 chiếc xe ca đặt tên là Kiến Thiết, mở tuyến xe khách Tuyên Quang - Hà Nội, đóng ca nô Đại Đồng chở hàng tuyến đường thủy. Năm 1951, bà Khoá mua công trái kháng chiến bằng một nửa gia tài bà đang có (hơn 1 triệu đồng).
Năm 1954, khi đã ở tuổi 35, bà Khoá kết hôn với ông Nguyễn Khắc Tháo - một cán bộ cách mạng, rồi cùng cả gia đình về sinh sống tại Hà Nội sau khi Thủ đô được giải phóng. Năm 1955, bánh kẹo Liên Phương xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội và nhanh chóng cạnh tranh cùng các loại bánh đặc sản khác.
Hưởng ứng chủ trương cải tạo công thương, bà quyết định bán ca nô, 2 chiếc xe ô tô và đóng cửa hiệu bánh kẹo Liên Phương, rồi thành lập Hợp tác xã bánh kẹo 1-5.
Năm 1975, sau khi nghỉ hưu bà Khoá đắp lò, mua bột làm bánh quy, bánh chả, bánh mì, bánh bao... Người có tiền thì mua, không thì đổi bột mì lấy bánh.... Ba người con của bà Khóa đều được học hành đầy đủ và trở thành những người thành đạt trong xã hội.
Tiểu sử cụ Phan Thị Khoá. Nguồn: ĐHQGHN.
Di sản để lại là Quỹ học bổng K-T
Năm 1999, bà Phan Thị Khoá và chồng, ông Nguyễn Khắc Tháo, đã sáng lập Quỹ học bổng K-T dành cho học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Theo giới thiệu trên website của ĐHQGHN, tên quỹ K-T là chữ viết tắt tên của bà và chồng. Ban đầu, Quỹ này có tổng trị giá 40.000 USD. Quỹ được thành lập dựa trên Quyết định số 833/TCCB ngày 11/03/1999 của Giám đốc ĐHQGHN với mục đích giúp đỡ về tài chính cho các tài năng trẻ có điều kiện để học tập thành tài.
Đến ngày 12/4/2005, bà Khóa và gia đình tiếp tục tặng bổ sung vào Quỹ K-T số tiền 300 triệu đồng, nâng tổng số tiền của Quỹ lên thành 40.000 USD và 300 triệu đồng tiền Việt Nam.
Hàng năm, số tiền lãi của Quỹ K-T gửi ngân hàng đã được dùng để trao học bổng cho học sinh sinh viên của ĐHQGHN.
Đại diện gia đình (bên phải) và đại diện ĐHQGHN trao học bổng cho 30 sinh viên năm học 2021-2022 hồi tháng 4/2021. Ảnh: ĐHQGHN.
Tính đến năm 2022, sau 23 năm gắn bó cùng ĐHQGHN, với 2 lần gia đình tặng bổ sung thêm vào Quỹ (các năm 2005 và 2019), hiện tại tổng kinh phí của Quỹ là trên 2,3 tỷ đồng được gửi tại ngân hàng để hằng năm rút lãi suất trao học bổng cho sinh viên ĐHQGHN.
Tính đến hết năm học 2021-2022, đã có gần một nghìn suất học bổng K-T được trao và Quỹ K-T đã thực sự trở thành bệ đỡ, nguồn động viên to lớn đối với những học sinh, sinh viên của ĐHQGHN có tài năng nhưng gặp khó khăn, vẫn có ý chí, nghị lực vươn lên học tập tốt.
Được biết, trong năm học 2021/2022 vừa qua, Quỹ K-T đã trao học bổng cho 30 sinh viên của ĐHQGHN, mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng.
Dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định tặng Kỷ niệm chương Vì sự Phát triển của ĐHQGHN cho cụ Phan Thị Khóa, nhân sự kiện bà thượng thọ bách niên (100 tuổi).
Trong những năm tháng qua, bà Khoá Liên Phương sống cùng con cháu tại xã Phù Ninh, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.
Ngày 17/10/2022, bà Phan Thị Khoá đã từ trần, hưởng thượng thọ 103 tuổi.
“Hôm nay, cụ Phan Thị Khóa rời cõi tạm, về cõi vĩnh hằng. Đó là niềm đau buồn vô hạn đối với gia đình, đối với ĐHQGHN cũng như sinh viên, học sinh đã nhận học bổng K-T nhiều năm qua.”, thông cáo trên website của ĐHQGHN hôm 17/10.
Được biết, ngày hôm nay, 20/10/2022 cũng là ngày gia đình tổ chức lễ truy điệu và an táng bà Phan Thị Khoá tại Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.