Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của bạn Nguyễn Hữu Huỳnh (Đà Nẵng)
Đến những ngày 25, 26 tháng chạp giáp Tết năm nay thì chính quyền địa phương mới chính thức dỡ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc. Vậy là hành trình về quê của bảy chị em chúng tôi rải từ ngày 26 tháng chạp đến ngày 3/1 Tết Âm lịch, với một mục tiêu chung là ngày 4/1 Tết phải có mặt đông đủ về nhà với bố mẹ…
Có lẽ nếu những cái Tết khác, trong bối cảnh dịch Covid 19 như vậy thì việc về hay không vê quê ăn Tết cũng không quá quan trọng. Bố mẹ tôi vẫn sống gần anh trai cả, anh em hàng xóm cũng rất thân thương, chưa đến nỗi bố mẹ phải ăn Tết một mình. Nhưng năm nay ai cũng muốn đón Tết bên cạnh cha mẹ vì năm nay là sinh nhật thứ 80 của bố, cả nhà dự định sẽ làm lễ mừng thọ của bố.
Tám mươi năm - bố đã cùng với mẹ bỏ ra hơn nửa cuộc đời sinh thành và nuôi nấng bảy chị em ăn học nên người, bao mồ hôi công sức đã bào mòn đôi vai gầy của bố mẹ, níu còng cả lưng của bậc sinh thành.
Bố tôi, người sinh ra trong thời kì chiến tranh liên miên của Tổ quốc, không tham gia chiến đấu trên chiến trường ác liệt nhưng lại là lãnh đạo ở địa phương lúc bấy giờ. Bố tham gia công tác quản lí ở địa phương để cùng bà con tạo nên một hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ trên tiền tuyến phương xa.
Là con út trong nhà, kể từ khi tôi biết nhớ và có ký ức thì hình ảnh bố tôi đã là một người gầy gò, khuôn mặt tuy rất điển trai nhưng những nét đen sạm và vết nhăn trên mặt khiến ai nhìn bố cũng biết là một người lam lũ, và khắc khổ.
Ký ức tôi gần như không có khi nào nhìn thấy bố mỗi buổi sáng thức dậy. Bố thường dậy sơm từ 4 giờ sáng, dù mùa hè hay mùa đông để ra đồng làm việc. Bố phải tranh thủ cày bừa về sớm để kip 7 giờ về để đi làm tại cơ quan xã, công việc còn lại thì mẹ sẽ tiếp tục làm nốt.
Bảy chị em chúng tôi cuối cùng cũng có mặt ở nhà vào tối ngày mùng 3 Tết, anh trai thứ hai là về muộn nhất, chuyến bay của anh từ Sài Gòn về sân bay Vinh và phải đón tàu về đến nhà lúc 9 giờ tối. Bữa cơm tối muộn đó có lẽ là bữa cơm đầy đủ nhất của cả gia đình bên bố mẹ trong suốt 5 năm qua.
Bảy người con của bố mẹ chia nhau ra ở khắp miền khác nhau của tổ quốc, năm nào cũng có người về quê thăm bố mẹ nhưng thường là chưa có dịp nào đầy đủ được cả 7 người. Suốt bữa ăn mọi người đều rôm rả nói chuyện, bố vẫn ít nói, chỉ cười - giống như tôi đã biết cha gần 40 năm nay vậy.
Cả khi vui hay buồn nhất bố tôi cũng đều ít nói, ngay cả khi con có lỗi lớn đến chừng nào hay có gì đáng khen ngợi thì bố vẫn ít nói, nhưng bố luôn là người hy sinh đầu tiên, luôn dõi theo từng bước chân của 7 chị em trên đường đời.
Cho đến khi tôi đã có gia đình, đưa vợ con về quê chơi, buổi sáng khi gia đình nhỏ tôi đang say giấc trên giường thì tôi đã nghe thấy tiếng bố nhắc mẹ đi nấu đồ ăn sáng cho gia đình nhỏ của tôi ăn.
Tôi còn nhớ khi còn nhỏ chị gái thứ tư được đi học trung cấp sư phạm tại Đắk Lắk, thời kỳ đó thì các tuyến đường bộ từ quê tôi đến Đắk Lắk còn khó khăn chứ chưa nói đến các thông tin liên lạc.
Hằng đêm bố trằn trọc lo lắng cho chị, không biết ở nơi xa chị sẽ sống như thế nào. Bố vẫn thường nói với mẹ và chúng tôi: 'Ở nhà có đói thế nào thì chúng ta cũng còn có nhau, ra vườn có thể kiếm mớ rau vào ăn, còn bà con hàng xóm, còn chị con nếu bố mẹ không gửi đủ tiền thì sẽ chịu đói liền đó'.
Rồi mấy anh chị đều cùng nhau đi học xa nhà, việc chạy vạy vay mượn để lo cho việc ăn học của các con luôn diễn ra vào dịp cuối tháng, lúc thì vay tiền bà nội, rồi vay tiền của chú để trả cho bà nội, rồi bán con lợn con gà để trả… Bố cứ xoay vần thế suốt mấy mươi năm nuôi 7 chị em ăn học nên người, không một ai phải bỏ học giữa chừng.
Có lần bố đi dự hội nghị ở huyện được cơ quan phát cho tiền ăn 50.000 đồng, tất cả mọi người đều cùng nhau đi ăn, riêng bố thì ăn tạm phần cơm mang đi, bố nói để tiền này mua con lợn giống thả vào chuồng cho mẹ nuôi, ít nữa bán đi có tiền cho chị Năm mua một cái máy may để chị học cái nghề dự phòng.
Tất cả những gì bố có thể tự mua sắm hay hưởng thụ cho bản thân mình thì bố đều để giành cho bảy anh chị em tôi cả, bởi thế cùng với sự trưởng thành ăn học đầy đủ của chị em chúng tôi thì bố càng già nua và khắc khổ. Có lẽ bố ít nói ít cười vì đã gánh hết phiền muộn cho chúng tôi ở tuổi ăn tuổi lớn, mắt bố trũng sâu vì luôn dõi theo những đứa con ở nơi xa, lo cho chúng tôi đến khi chúng tôi đã trở thành ông bố bà mẹ rồi cha vẫn còn trăn trở, lưng của bố gầy hao vì đã luôn che chở cho đàn con yêu.
Tôi còn nhớ như in ngày tôi đi nhập học đại học, từ huyện tôi chỉ có một chuyến xe trong ngày để đi ra Hà Nội. Tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để đi ra bến xe, bố đã phân công anh trai chở tôi bằng chiếc xe đạp duy nhất của cả nhà vượt 10 cây số để xuống thị trấn bắt xe đi nhập học, đi được nửa quãng đường tối ngoái lại thì thấy bố một mình đạp xe theo sau, thì ra bố không yên tâm nên chạy sang nhà ông xóm trưởng mượn chiếc xe đạp, đạp theo để đi cùng hai anh em.
Là con út trong nhà nên khi tôi đi học thì các anh chị đã đi làm xa, suốt bốn năm đại học, trên chiếc xe đạp đó bố đã chở tôi đi và đón tôi về mỗi dịp tôi về quê.
Xong bữa ăn cả nhà quây quần bên nhau trò chuyện, con lớn của anh trai xung phong phong đọc thơ tặng ông bà, rồi chị cả hát một bài, rồi anh tra thứ hai cũng có chút men rượu và cao hứng hát một bài:
Tình cha ấm áp như vầng thái dương
Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan
Ân tình đậm sâu bao nhiêu
Cha hỡi cha già dấu yêu….
Còn nhớ những ngày ấy
Những đêm trường giá lạnh
Và cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài….
Khúc hát bài Tình Cha như đưa 7 chị em trở về tuổi thơ năm nào, tôi thấy bố rơm rớm nước mắt nhưng bố không khóc, tôi chưa bao giờ thấy bố khóc nhưng khi bố rơm rớm thế là tôi đã biết bố đang rất xúc động. Có lẽ bố khóc vì thấy 7 anh chị em nay đã lớn khôn nhưng khi ngồi với bố mẹ chúng tôi vẫn như những đứa trẻ ngày nào, quây quần bên nhau, như những năm nào ngồi chờ bố nướng khoai bên bếp lửa.
Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã lớn, đã không còn giành nhau củ khoai củ sắn như ngày nào, chúng tôi đã làm bố làm mẹ, đã thấu hiểu được nỗi lòng của bố. Và chúng tôi càng lớn lên, già đi thì thời gian còn lại bên bố mẹ sẽ càng ít dần.
Tôi tự nhủ, đây có lẽ là những giây phút tuyệt vời nhất cuộc đời, có lẽ về nhà - về bên bố Mẹ là nơi an yên nhất trong tâm hồn mỗi con người, tôi sẽ về nhà - về nhà nhiều nhất có thể khi bố mẹ tôi vẫn đang còn trên thế gian này.
>> Xem thêm: Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY