Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây của tác giả Thi Hoàng Khiêm (Long An).
Trên tường nhà nhuốm bụi thời gian cùng những lớp rêu phong bám lại theo năm tháng là hình ảnh những tấm huân huy chương, những tấm bằng khen, những tấm bằng Tổ quốc ghi công mà Đảng, nhà nước ghi nhận, trao tặng cho 'Gia đình cách mạng' cho gia đình tôi.
Đằng sau những tấm bằng ấy, những huân huy chương cao quý ấy là những hy sinh cao cả mà thầm lặng của ông bà nội và hai bác tôi. Ông nội mất khi ba tôi chưa đầy 3 tuổi. Bà nội vừa công tác trong hội phụ nữ xã vừa làm ruộng nuôi dạy ba tôi nên người. Dù thiếu thốn tình thương của cha, nhưng với ba, còn bà nội là niềm an ủi, cũng là nguồn động lực để ba tôi ra sức xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh và phụng dưỡng bà nội những ngày bóng xế tuổi già.
19 tuổi, mẹ tôi được gả về làm dâu cho bà nội và được bà chỉ dạy, giao phó công việc mua bán lúa và đậu phộng. Là dâu út, ngoài trách nhiệm và bổn phận, điều mà mẹ tôi luôn nghĩ đến đó là quan niệm xưa nay luôn ăn sâu vào tiềm thức của những người nông dân 'chân lắm tay bùn' ấy là ' trời sinh voi sinh cỏ'. Cộng với sự ra đi của ông nội và hai bác tôi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã hằn lên nỗi đau của những người ở lại như bà nội nên bà bảo mẹ sinh nhiều cháu để bà được vui nhà vui cửa. Thế là 8 anh chị em tôi lần lượt ra đời.
Nhà đông con, chính vì thế gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai ba mẹ tôi. Còn nhớ ba mẹ thường hay kể, những ngày sau giải phóng, để có được cái ăn cái mặc đã là vất vả lắm rồi ấy mà ba mẹ không hề để các con mình thất học. Tiết kiệm là bài học mà mẹ thường hay dạy anh chị em tôi. Mẹ dặn dò anh chị giữ gìn những quyển sách cẩn thận, không viết vẽ bậy lên sách để sang năm cho các em nhỏ học tiếp.
Những buổi sáng tinh mơ, khi nghe tiếng 'lộc cộc, lộc cộc' từ chiếc xe bò của ba cùng âm thanh quen thuộc 'con dí, con thá', tiếng 'họ' kéo dài cũng là lúc ba mẹ cho anh chị em tôi quá giang xe đến trường.
Qua bao năm tháng, cả một hành trình dài lặp đi lặp lại, cứ đứa lớn học xong tiểu học đến chuyển cấp chuyển trường đều được ba mẹ đưa đón trên chính chiếc xe bò hằng ngày ra ruộng.
Đâu đó vẫn còn thổn thức trong tôi những câu hát, những lời ru của mẹ: 'hò ơ ví dầu, cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời '.
Năm tháng vội vã qua nhanh, anh chị tôi lần lượt tốt nghiệp phổ thông, chị hai ở nhà phụ mẹ bán tạp hóa và trông coi việc học học hành các em nhỏ, chị ba vào đại học, anh tư học lái xe tải. Nhớ những ngày chị ba tốt nghiệp đại học Nông Lâm ra trường, chị được một công ty xuất nhập khẩu nhận vào làm. Cả nhà nhất là ba mẹ vui khôn xiết.
Niềm vui ấy chưa được bà nội và cả nhà chúc mừng thì nỗi lo càng tăng thêm gấp bội khi công ty yêu cầu nhân viên phải có phương tiện cá nhân đi lại công tác. Thế là bà nội gom hết tiền dành dụm, ba mẹ cũng bán nốt mấy chục giạ lúa cùng với số tiền vay mượn thêm bà con họ hàng mới đủ mua được chiếc xe cúp 65 cho chị đi làm.
Hai năm sau, anh sáu, anh bảy tiếp tục bước vào giảng đường đại học, cao đẳng. Chị ba dù đã đi làm nhưng chưa dư dả gì nhiều nhưng cũng đỡ đần cho ba mẹ phần nào trong suốt 4 năm đại học đến khi ra trường.
Sau bao năm đồng hành cùng các anh chị đi học, đi làm ổn định thì chiếc xe cub 65 quay về bên ba mẹ cùng hành trình mua bán đậu phộng theo mùa. Chiếc xe tuy nhỏ nhưng được mẹ chất nhiều xấp bao bố phía sau yên xe đi mua đậu khắp xóm.
Hết mùa đậu phộng, mẹ tiếp tục ngược xuôi từ nhà đến Chợ Lớn ở Sài Gòn để lấy đồ về bán tạp hóa. Dù công việc buôn bán nhỏ lẻ nhưng mẹ vẫn kiên trì bám trụ với nghề để có đồng ra đồng vào nuôi 2 em nhỏ đang tuổi ăn học.
Ngày em gái thứ 9 tốt nghiệp cao đẳng ra trường cũng là lúc em trai út chuẩn bị nhập học trường quân đội. Tôi nhớ, lúc ấy mẹ đã 65 tuổi nhưng mẹ vẫn kiên quyết chở em trai tôi từ Long An đến trường Sĩ quan lục quân II ở Biên Hòa, Đồng Nai nhập học trên chiếc xe cub 65.
Mẹ trấn an tôi rằng: 'Đây qua đó có tiếng mấy hai tiếng, mẹ đưa em con đi rồi về!'. Chiếc xe cùng mẹ và em tôi khuất dần trong dòng xe cộ đông đúc đã làm tôi không cầm được nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc, vui mừng vì anh chị em tôi được là con của ba mẹ, được trưởng thành trong vòng tay lớn lao cùng tình yêu thương bao la của ba mẹ.
Đôi vai gầy guộc của ba, mái tóc pha màu sương trắng của mẹ chính là cả tuổi xuân, mồ hôi, nước mắt và cả máu qua bao năm tháng mưa nắng ngược xuôi vì các con. Chiếc xe cúp 65 vẫn còn đó như một minh chứng cho hành trình đi tìm con chữ của ba mẹ.
Thành công của tám anh chị em tôi hôm nay là biết bao công lao sinh thành dưỡng dục của ba mẹ mà không có bút mực nào viết hết được. Gia đình mãi là nơi lưu lại những khoảnh khắc giản dị thân yêu. Tất cả vẫn còn đó với biết bao nhiêu kỷ niệm và sẽ mãi là hành trang giúp ta vững bước vào đời. Đọc từng dòng chữ, gấp từng trang giấy tôi cảm thấy phải trân trọng những gì mình đang có.
Và tôi chợt nhớ những lời hát ru năm xưa của Mẹ: 'Gió mùa thu Mẹ ru mà con ngủ năm canh chày, là năm canh chày thức đủ vừa năm…'
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY