Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Trần Thị Điều (Vĩnh Phúc).
Ngày đông hanh khô, gió lùa rét buốt, sau giờ tan sở nó ghé quán chợ ven đường mua lẻ chút bánh đúc. Cảm giác man mát lành lạnh của thứ bánh nguội ngày đông cùng mùi thơm của tương ngô khiến nó nhớ về những nỗi mong ngóng quà bánh của bà nội mỗi kì chợ phiên.
Hồi ấy, chợ phiên thường họp vào các ngày 5,10,15... âm lịch hàng tháng. Từ mờ sáng, các bà các chị xã bên đã nối nhau chuyện trò quảy, gánh, đội, bưng...qua cổng nhà nó, lên bãi đất trống ven chân đê gần đình Thượng họp chợ. Cái tên chợ cũng thật lạ: Chợ Nghè. Nghe đâu có người thời trước đỗ đạt làm đến chức quan Nghè về đây tổ chức cho dân họp chợ trao đổi bán mua nên người ta gọi chức quan của ông làm tên chợ.
Mỗi sáng chợ phiên, chị em nó cõng nhau chơi tha thẩn trên con đường làng dẫn ra chợ. Non trưa, mấy đứa ra ngó vào trông đợi buổi chợ tan, xem bà sắp về chưa để đón quà. Nghe tiếng gọi, chị em nó rùng ríu nhau cầm theo cái rá chạy ù ra cổng. Cái nón lót lá chuối bà bưng đỡ chóp, vai kia quẩy quang gánh. Bà lựa trút mớ bánh hòn sang rá rồi chụp cái nón lên đầu về trại kẻo trưa. Gọi là bánh hòn nhưng bánh không hề có nhân như bánh hòn chợ Cánh Hương Canh thường bán. Đó chỉ là những khối bột gạo được khuấy chín, vón lại gần bằng nắm tay còn nồng mùi vôi; khi bẻ đôi ra, trong lõi còn có màu hơi vàng của nước vôi, nhưng mà ngon còn hơn cơm độn sắn.
Cũng có hôm, quà bà cho chỉ là hơn chục viên kẹo mật giòn rùm rụm, to bằng ngón tay cái lăn vào bột sắn nên gọi là kẹo bột. Chia phần cho em xong, nó bỏ một viên vào miệng, nhai ngậm thòm thèm. Hết rồi, nó còn thè lưỡi liếm chút bột đầy tiếc rẻ mà nhủ thầm: Sao bột này không ngọt nhỉ? - Mãi lớn lên học cấp ba, đi trọ học, được nhìn tận mắt bà chủ nhà làm kẹo, nó mới tin đó là bột sắn khô.
Thế rồi có hôm chỉ là một xu quế bà đưa vội. Những hôm chị em nó nhận quà như vậy ấy là hôm bà ế hàng, chợ trưa chẳng còn quà bánh. Cái thỏi vỏ quế khô cong bằng ngón tay. Nó đưa vào kẽ răng cắn tí một chỉ sợ hết. Chị em nó cùng cảm nhận vị cay cay nơi đầu lưỡi, hít hà mùi thơm lựng của hương quế ngày đông cho đỡ rét.
Là cháu đầu lòng, nó được ở với bà nhiều nhất, nhận nhiều quà nhất thì phải. Những đứa con chú, con cô sinh sau đẻ muộn thật thiệt thòi. Hồi còn ở quê nội, mới học cấp một cấp hai, ngày ngày nó bồng em ngóng bà gánh gồng qua cổng lên chợ Nghè. Món quà đáng nhớ của nó là cối bánh đúc rắc lạc. Gọi là "cối" vì bánh được đựng trong lá chuối, ót lại tạo lòng sâu như cái đĩa, như cái lòng cối nên mới có tên như thế.
Nhận xong quà, chị em nó nóng ruột đợi mẹ về múc tương ngô mà chấm. Đứa em chỉ chờ chị nhằn cho hạt lạc mà đứa chị cũng chết thèm. Bà nó hiếm khi mang quà về trại. Mãi về sau nó mới vô tình biết bà thích bánh này khi tết Trùng thập 10/10 âm, bà đã tự tay khuấy bánh đúc để thắp hương rồi cả nhà được một bữa bánh.
Ảnh minh họa
Học hết cấp hai trường làng, nó theo bố mẹ rời lên quê ngoại cách bà gần hai chục cây số. Đi học xa nhà, nó vụng trộm rời nhà trọ giữa tuần về với bà. Hôm sau bà gọi dậy sớm đùm dúm vài củ sắn, củ từ luộc mang đến lớp. Hết cấp ba, vào học sư phạm, chiều chủ nhật nào từ nhà sang trường nó cũng ghé vườn trại. Cái túi vải lủng lẳng những ổi, những khế làm quà cho các bạn cùng lớp, cùng phòng. Bà luôn giắt lưng vài trăm đồng bạc lẻ đưa cho nó đi đò. Mỗi chiều thứ bảy, nó lại hồ hởi đạp xe về qua vườn trại. Bóng bà lại lom khom đứng đợi từ đầu ngõ để nhắc nó mang quà vườn, quà chợ về cho các em.
Nhận tháng lương đầu ít ỏi, nó chỉ đủ mua nổi cho mẹ một mảnh vải may quần, cho bà một khăn len và mảnh vải lon màu nâu non may áo. Bà mắng: Mới có tí tiền lương đã tiêu hoang tiêu hủy, tao đi đâu mà phải mặc áo mới. Cả đời chả mấy khi nó thấy bà mặc áo sáng màu. Cái chất mộc mạc lam lũ nơi bà khiến nó chẳng thể nói lời hoa mĩ như trên phim ảnh hay trong truyện đọc. Nó vụng về bảo: Bà cứ coi đây là tiền đò bà cho cháu suốt mấy năm học bên thị xã đi. Bà mỉm cười quay đi và nói nhỏ: Tao chả cần quần nhung áo nhiễu nhưng tao đã là mẹ của thày giáo, bà của cô giáo rồi đấy. Bố con mày làm thày làm cô giáo cả rồi, liệu mà ăn ở, dạy dỗ con nhà người ta cho đúng mực.
Dạy học xa nhà, thi thoảng có hôm nó về quê vào sáng chủ nhật. Một lần, vừa về đến cổng, chú Tư bảo: Mày tiện thể đạp luôn xe ra chợ đón bà đi. Nó vội vã theo con đường lớn giữa làng qua cánh đồng, nhằm phía chợ đạp miết. Đang hớn hở chờ mong viên kẹo bột hoặc cối bánh đúc, chợt có người cô họ gọi: Mày đi đâu thế? Bà đang ngồi nghỉ kia kìa. Nó đánh mắt sang phía con đường vào làng. Bà đang ngồi nghỉ dưới bóng râm của mấy bụi chuối. Mấy bà, mấy cô đỡ mãi bà mới lên được xe. Trên đường về, bà bảo: Giờ đi chợ bà phải nghỉ mấy lượt mới ra đến nơi hoặc có ai người làng lai bà. Rồi chiếc gậy tre con con theo bà ra chợ mỗi phiên.
Lâu lâu, nó lại mới có dịp về làng đúng ngày chợ phiên, nó quên cả việc chân bà đã mỏi, vẫn nghĩ như hôm nào còn bé dại, biết thế nào bà cũng đi chợ, nó ghé bờ đê, dựng xe đạp, chạy ào xuống đám đông tìm bà. Hỏi qua hỏi lại mấy người quen, họ bảo hôm nay không thấy bà đi chợ. Bất giác nghĩ về những điều chẳng lành, nó mua vội cối bánh đúc treo tòong teng ở ghi đông xe, đạp vội như bay về phía nhà trại gò Trầm.
Từ xa, nó đã trông thấy thấp thoáng bóng ông đang lùa đàn vịt ở mương nước giữa cánh đồng trước nhà. Con bò buộc ở bờ đập cho ăn rơm. Cổng nhà, sân vườn vắng lặng. Nó khẽ khàng nhấc tấm liếp đan bằng nan tre nẹp lá cọ, lách vào gian lều trại tối om, gọi khẽ. Bà nó ngồi thu lu bên bếp than, hương bồ kết cháy phảng phất mùi ốm yếu. Trở trời, gió ào ạt thổi, bà váng đầu chóng mặt nên không dám ra ngoài sợ lát gió. Nó cắt bánh đúc thành lát cho bà chấm tương. Lâu lắm rồi hôm ý bà mới nếm lại mùi vị quà bánh chợ phiên. Chợ quê cũng dần vắng bóng bà từ dạo đó. Đôi chân mỏi mệt chả còn nâng nổi cái lưng còng của bà ra chợ nữa.
Sáng sớm một ngày đông cuối chạp 18 năm về trước, đứa em con dì gọi đến.
- Em đây!
- Có việc gì mà gọi chị sớm thế?
- Chị thu xếp về ngay đi. Bà chị... !!!
Nó buông máy: Òa òa... oàaa... !!! Mặt đất dưới chân nó như sụt xuống. Một ngày đông ảm đạm bao trùm nơi vườn quả. Khu vườn thêm vắng vẻ; gió cuốn mây trôi từ dạo đó không về.
Ngày này cuối Chạp, nó lại về thăm vườn quả gò Trầm. Cây bồ kết đầu ngõ khẳng khiu trụi lá, quả chín rụng rắc đen dưới gốc cây. Trên nền túp lều trại cũ, ngôi nhà mới đã được xây cất. Trên hương án, phảng phất khói nhang, đĩa bánh đúc nguội trắng một màu thanh khiết. Lòng nó trùng lại, len lỏi trong miền kí ức đẹp đẽ của nó là những món quà quê ngày chợ phiên, cái dáng lưng khom thấp thoáng, tiếng chổi tre gom lá khô còn văng vẳng nơi góc vườn trại dẫu lá khô đã phong kín dấu chân bà.
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY