“Trong giai đoạn này, thường gặp nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như: Tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn.... Vì vậy, cần biết cách phòng tránh”, GS.TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Chủ quan bệnh thông thường khiến biến chứng nguy hiểm
Mới đây, bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước nặng và rối loạn ý thức. Nguyên nhân là do trẻ bị tiêu chảy, gia đình điều trị tại nhà đã pha Oresol không đúng tỷ lệ khiến trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong trạng thái li bì, rối loạn ý thức.
Theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiêu chảy cấp là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em mùa đông xuân và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường do virus như Rotavirus, Enterovirus, Norovirus, Adenovirus,… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: vi khuẩn, ký sinh trùng, vệ sinh kém, ăn các thức ăn không đảm bảo, do dùng thuốc hoặc dị ứng,…
Còn tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng ghi nhận sự gia tăng lượng bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh lý tiêu hoá. Hàng ngày bệnh viện điều trị 50-60 ca tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hoá…
![]()
Thăm khám cho trẻ tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa - Ảnh BVCC
'Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn trớ, táo bón hay tiêu chảy.”, BS.CKII.Lê Thị Vân Anh - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết.
Tại các bệnh viện nhi và khoa nhi trên cả nước đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch vì dịch bệnh mùa đông xuân. Theo đó, tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, đang điều trị nhiều ca sởi và sốt phát ban với trung bình 20 – 30 ca. Đáng chú ý, nhiều trẻ có bệnh nền khi mắc sởi dẫn đến biến chứng nặng, phải cần sự trợ giúp của máy thở.
ThS. BSCKII Nguyễn Đắc Lương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu năm khoa tiếp nhận 5 ca sởi nặng với 3 ca phải thở máy.
Điều đáng lo ngại, nhiều gia đình chủ quan với các bệnh lý theo mùa thường gặp như tiêu chảy, cúm, sởi, thủy đậu... tự điều trị tại nhà, nên khi đến viện đã qua “thời điểm vàng” để cứu trẻ.
Có trẻ khởi phát là ho, khò khè... gia đình cho là chuyện bình thường trong thời tiết mùa này, nhưng sau mấy ngày tình trạng trẻ nặng lên dẫn đến suy hô hấp nặng. Hoặc có trẻ đến viện muộn khi đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn, hô hấp chỉ vì biểu hiện chướng bụng, bú kém, tiêu chảy… không đưa đi khám kịp thời.
![]()
Bệnh nhân sởi biến chứng tại bệnh viện Trung Ương Huế - Ảnh BVCC
Chớ bỏ qua vắc xin và thời gian “vàng” chữa bệnh
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Phùng Đắc Cam cho biết, thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, làm tăng nguy cơ gây bệnh, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm.
Thường gặp trong giai đoạn này là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như: Tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn.... Vì vậy, cần phải đẩy mạnh các phương pháp phòng tránh bệnh mùa đông xuân trước khi có nguy cơ trở thành đại dịch.
Hầu như năm nào, dịch cúm, dịch tiêu chảy do Rota virus, dịch ho gà, viêm não... cũng chiếm số lượng lớn các giường bệnh tại các viện nhi, khoa nhi trên cả nước, với nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.
Theo GS.TSKH Phùng Đắc Cam, trừ bệnh do virus hợp bào và sốt xuất huyết, hầu hết các dịch bệnh mùa đông xuân đều có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch. Đây sẽ là mối nguy rất lớn để dịch bùng phát nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa.
Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch. Vì vậy, các bà mẹ cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh cho con mình theo đúng lịch. Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu nồm ẩm, cần chú ý đến tình trạng vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho con mình.
![]()
Hà Nội thực hiện tiêm phòng sởi tại tất cả các quận huyện trên địa bàn từ ngày 17-28/2.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh.
Trong đó, bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy,… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Quai bị do virus gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh thường lành tính, tự khỏi trong 1-2 tuần nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng trên cơ quan sinh dục....
“Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời”, TS.BS Lâm khuyến cáo.
Cách phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân hiệu quả
-Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; Ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; Khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…. Nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất gồm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.