Streamer kiếm tiền như thế nào?
Streamer là những người thường xuyên livestream (phát video trực tiếp) trên các nền tảng như Twitch, Facebook, YouTube để giao lưu cùng fan. Họ có thể bình luận game, bán hàng, trò chuyện với fan hoặc có thể ca hát, nhảy múa hay phô diễn vẻ đẹp hình thể.
Thu nhập của streamer đến từ những nguồn như: người hâm mộ donate, lượt xem và đăng ký kênh, tiếp thị liên kết, nhà tài trợ và quảng cáo. Streamer càng nổi thì càng được kiếm được nhiều tiền. Nhiều streamer nổi tiếng có thể nhận số tiền donate cực khủng từ fan.
Streamer là một trong những nghề hot.
Việc fan donate cho Streamer hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện vì họ yêu thích và muốn ủng hộ thần tượng. Tuy nhiên đã xảy ra nhiều vụ bê bối liên quan đến việc fan chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa nhận thức được hành động của mình đã trộm cắp tài sản, lấy tiền của gia đình để donate cho thần tượng.
Vì sao streamer giàu nứt đố đổ vách vẫn nhận donate từ fan?
Không phải streamer nào cũng nổi tiếng và giàu có. Lực lượng chiếm đa số trên các nền tảng vẫn là những streamer nhỏ. Khoản donate dù nhỏ cũng có ý nghĩa lớn với họ. Thu nhập của họ không ổn định, khoản donate sẽ giúp họ trang trải cuộc sống và tập trung cho công việc livestream khi họ không có công việc fulltime ở văn phòng.
Còn với những streamer nổi tiếng, thu nhập lớn nhất của họ đến từ lượt xem, lượt đăng ký và những hợp đồng quảng cáo. Một hợp đồng béo bở có thể mang về cho họ từ hàng chục đến hàng trăm nghìn đô la. Vì vậy, khoản donate từ fan, với họ chỉ như muối bỏ biển.
Streamer nổi tiếng Disguised Toast (Jeremy Wang) chia sẻ với trang Kotaku rằng anh thấy thật không công bằng khi nhiều streamer giàu có vẫn nhận tiền donate của fan, vốn là những người kiếm được ít tiền hơn họ. Wang đã ngừng nhận donate và tuyên bố nửa đùa nửa thật trên Twitter: ‘Này, tôi giàu rồi. Tôi không cần tiền của các bạn’.
Anh đã đưa ra quyết định này sau khi nhận được email từ một fan đòi lại 200 USD đã donate trước đó vì họ gặp khó khăn. Wang đã trả tiền ngay lập tức và vô hiệu hóa các khoản donate vì không muốn tình huống tương tự xảy ra lần nữa.
Anh cho biết hiện tại kênh YouTube của mình vẫn đang hoạt động tốt. Anh tự tin vào khả năng kiếm tiền bằng những hình thức khác và không muốn người xem cảm thấy họ cần phải donate cho anh.
Disguised Toast đã ngừng nhận donate.
Nhiều streamer vẫn để nút donate hoặc liên kết PayPal dưới những phiên livestream của họ. Streamer Tyler1 (Tyler Steinkamp) của game Liên minh huyền thoại đã ‘đá xéo’ một fan rằng họ đang donate cho người kiếm được nhiều tiền hơn cả bố mẹ của họ cộng lại. Tyler còn chế giễu một fan quyên góp cho anh 100 đô rằng họ là một tên ngu ngốc. Bởi việc mang tiền đem cho một streamer chứng tỏ họ đang có vấn đề trong cuộc sống: ‘Bạn nên lo cho thân mình đi đã, rồi hãy quay lại xem livestream.’
Nhưng trên thực tế, Donate vẫn là một khoản thu nhập có giá trị với các Streamer. Ngay cả với những streamer nổi tiếng và kiếm được bộn tiền, họ cũng vẫn giữa hình thức nhận Donate từ người hâm mộ. Streamer là công việc bấp bênh, trò chơi mà họ lựa chọn có thể hết hot và bản thân streamer cũng có thể sa sút, fan của họ có thể dứt áo ra đi và không bao giờ trở lại. Chính yếu tố coi nghề nghiệp chỉ là nhất thời nên các Streamer đa phần có xu hướng muốn nhận càng nhiều càng tốt ở thời kỳ hoàng kim, ngay cả với những Streamer đã rất giàu có.
Fan nghĩ gì khi donate cho thần tượng giàu gấp mình nhiều lần?
Đối với người hâm mộ, việc donate cho thần tượng là một việc làm mang đến sự hưng phấn và có khả năng gây ‘nghiện’. Một người hâm mộ tên Alex Flores chia sẻ trên Kotaku rằng anh đã donate khoảng 10.000 USD cho nhiều streamer khác nhau. Flores nói ban đầu anh quyên góp như một cách cảm ơn thần tượng vì nội dung giải trí chất lượng. Sau đó nó trở thành một thói quen kỳ lạ. Việc nhìn thấy tên mình được vinh danh và nhận lời cảm ơn từ streamer đã khiến anh rất vui.
Thói quen donate cho thần tượng đã giúp Flores được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng fan và cảm thấy như được kết nối cùng idol. ‘Nếu một vài tuần trôi qua mà không gửi khoản donate nào, tôi sẽ cảm thấy như mình bị bơ trong các cuộc trò chuyện’ - Flores nói.
Một người hâm mộ tên Seluhir chia sẻ rằng: ‘Tôi không quan trọng việc họ có bao nhiêu tiền. Nếu họ giúp cuộc sống của tôi tốt hơn thì tôi chẳng có vấn đề gì khi quyên góp hay ủng hộ họ bằng nhiều cách khác’.
Người hâm mộ có tên Christina Lopez so sánh việc donate cho thần tượng như việc hỗ trợ một doanh nghiệp địa phương. Có thể hiện tại streamer đã có một ê kíp hỗ trợ với quy mô lớn hơn nhưng họ có được những điều này là nhờ những người hâm mộ đã ủng hộ họ ngay từ đầu.
Người hâm mộ donate vì họ yêu quý thần tượng.
Pierre Oliver nghĩ rằng việc bỏ tiền donate cho Streamer cũng giống như mua vé xem phim, đó là hành động tự nguyện và không bắt buộc. Các hãng phim sử dụng trí tuệ, sức lao động để tạo ra bộ phim và họ xứng đáng nhận về doanh thu từ việc bán vé. Còn trên các nền tảng trực tuyến, có nhiều hình thức giải trí miễn phí. Việc livestream, quay video, viết lách và nghệ thuật cũng là một hình thức lao động. Nhiều content creator bắt đầu công việc của họ bằng cách cho đi miễn phí. Khoản donate của người hâm mộ có ý nghĩa rất lớn với họ trong việc duy trì công việc và đầu tư hơn vào chất lượng sản phẩm.
Một người hâm mộ tên Joshua Caleb đang làm công việc bán thời gian với mức lương khiêm tốn và còn nhiều khoản nợ vẫn quyến định donate cho BarryIsStreaming (Barry Kramer) 20 USD. Caleb cho biết anh rất thích nội dung của idol, các livestream của Barry đã giúp anh được thư giãn và vượt qua giai đoạn khó khăn khi phải đối mặt với lo âu và trầm cảm.
Lopez đánh giá cao những streamer cho người hâm mộ biết rằng họ không gặp khó khăn và không cần nhận quyên góp. Trong các buổi livestream mà cô xem, cô không có áp lực phải quyên góp cho thần tượng. Một số streamer như Damien Haas còn nhắc người xem rằng họ không cần phải quyên góp để có thể trò chuyện với mình. Một vài streamer khác như Brendon Urie thì sẽ dùng khoản quyên góp cho hoạt động từ thiện.
Trung Quốc, Hàn Quốc siết chặt ngành livestream, giới hạn mức donate
Đầu tháng 5/2022, cơ quan quản lý của Trung Quốc đã quy định các nền tảng trực tuyến phải hủy bỏ danh sách phần thưởng và không được dùng mức quà tặng làm thước đo độ hot của Streamer hay xếp hạng người xem.
Theo The Paper, đây là thời điểm nhiều Streamer gặp khủng hoảng vì ngày càng ít người xem mạnh tay donate, khiến thu nhập của họ tuột dốc không phanh. Nhiều Streamer Trung Quốc lao đao vì quy định mới của chính quyền. Amy, một Streamer chuyên nghiệp ngậm ngùi chia sẻ rằng thu nhập hiện tại của cô đã giảm tới 90%.
Ngành livestream ở đất nước tỷ dân đã chấn động với sự việc ‘nữ hoàng livestream' Vi Á bị xử phạt vì tội trốn thuế cuối năm 2021. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của những người livestream bán hàng như Vi Á và những người livestream để trò chuyện như Amy rất khác nhau. Amy và những đồng nghiệp tưởng sự cố của Vi Á không ảnh hưởng gì đến mình, cho đến khi các nhà quản lý đưa ra loạt quy định siết chặt ngành livestream nói chung.
Là người làm nghề lâu năm, Amy biết rõ lý do các fan nam mạnh tay chi bạo donate cho mình. Cô cho biết không phải vì họ thích mình mà họ chỉ muốn thể hiện bản thân, thỏa mãn cái tôi. Bắt thóp được tâm lý này, các nền tảng đưa ra nhiều danh hiệu phù phiếm để khuyến khích người xem donate nhiều hơn. Để giữ vững vị trí đứng đầu bảng, nhiều người bất chấp để donate ngày càng nhiều.
Sau quy định cấm đăng danh sách khán giả tặng quà, nhiều streamer sợ rằng chẳng còn ai mạnh tay donate cho họ nữa, vì giờ không có tiếng cũng chẳng có miếng. Hình thức PK (thách đấu giữa các streamer cũng bị hạn chế). PK là hình thức thử thách, người nào nhận được nhiều quà từ người hâm mộ hơn sẽ thắng, người thua phải chịu phạt. Tâm lý ganh đua thường kích thích khán giả liên tục tặng quà để ủng hộ thần tượng mình lên top, tăng lưu lượng.
Theo quy định mới, trong khung giờ vàng từ 20 - 22 giờ mỗi ngày, số lượt PK của một tài khoản không quá 2 lần, điều này đồng nghĩa với việc hình thức kiếm tiền chính của nhiều Streamer sẽ bị cắt giảm đáng kể.
Nhiều Streamer tại Trung Quốc, Hàn Quốc khốn đốn vì quy định mới của chính quyền.
Tháng 10/2020, Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất giới hạn số tiền khán giả được phép donate. Quy định mới được cho là để ngăn chặn tình trạng người xem vung tay quá trán, đặc biệt với các đối tượng trẻ tuổi. Nhiều người dùng ủng hộ các quy định mới của chính quyền, số khác lại cho rằng người xem tự chịu trách nhiệm về các quyết định tài chính của họ.
Giáo sư ngành Luật Liu Junhai tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh đồng ý với những đề xuất của cơ quan quản lý nhưng cần phải bổ sung luật. Theo ông, tiền donate trong các livestream không phải là hành vi thương mại và không vi phạm luật Thương mại Điện tử của Trung Quốc.
Từ năm 2021, khi chính quyền Trung Quốc đưa ra các quy định siết chặt việc tặng quà qua livestream, doanh thu của các công ty trong ngành đều sụt giảm mạnh. Huya đạt lợi nhuận ròng 583,5 triệu nhân dân tệ, giảm 34,01% so với cùng kỳ năm 2020. Douyu lỗ 504,9 triệu nhân dân tệ vào năm 2021.
Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cũng thúc đẩy việc sửa đổi luật để đặt giới hạn thanh toán của người hâm mộ cho các Streamer. Theo Yonhap đưa tin, động thái này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những báo cáo thiệt hại về tài chính đối với người dùng trên các nền tảng livestream. Thông qua các đạo luật sửa đổi, KCC sẽ yêu cầu các nền tảng đặt giới hạn thanh toán, tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên, bảo vệ người dùng và ngăn chặn các hành vi giao dịch bất hợp pháp. Trẻ vị thành niên sẽ cần sự đồng ý của người giám hộ trước khi thực hiện thanh toán tặng tiền cho các Streamer, đồng thời cũng bị giới hạn thanh toán hàng tháng.
Năm 2020, một học sinh tiểu học Hàn Quốc đã tặng 130 triệu won cho các Streamer trên nền tảng Hakuna mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Theo KCC, gia đình sau đó đã nhận khoản hoàn trả đầy đủ sau khi cơ quan quản lý can thiệp.
Tại Việt Nam, sau những lùm xùm quanh việc các Streamer bị tố là cố tình gạ người hâm mộ donate cho mình, đến việc một đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên đã ăn trộm 400 triệu để donate cho thần tượng, thì việc cần có các chế tài xiết chặt trên các nền tảng livestream, có lẽ cũng đã đến lúc bàn tới.