1. Ở Thammasat, đấy là pha bóng vào đúng những giây bù giờ cuối cùng của trận đấu, khi Văn Thanh xoạc người lố đà, để Supachok cầm bóng đối diện Văn Lâm. Thủ thành Việt kiều của đội tuyển Việt Nam đã chơi cực kỳ xuất sắc trong tình huống ấy, và tiền đạo Thái Lan đã phải xin lỗi người hâm mộ nước mình sau pha bỏ lỡ cơ hội vào đúng phút 90+5 ấy.
Trên sân Mỹ Đình, ngoài cú sút phạt đền của Theerathon bị Văn Lâm cản phá thành công, người Thái lại thêm lần nữa phải 'ngậm đắng nuốt cay' vào những phút cuối với pha bỏ lỡ đáng tiếc của Narubadin. Lần này, đến lượt Văn Hậu dùng mặt đỡ cú sút của cầu thủ đối phương, cứu cho Việt Nam bàn thua trông thấy, khi Văn Lâm đã phải bó tay.
Chẳng những mình Văn Lâm bó tay với pha bóng ấy của các cầu thủ Thái Lan. Pha bóng ấy, chỉ có 4 cầu thủ Thái Lan là đã đủ để 'qua mặt' đến 10 cầu thủ Việt Nam, đặt khung thành của thủ môn Văn Lâm vào tình trạng báo động. Và đấy không phải là lần duy nhất. Suốt hơn 20 phút cuối trận, Thái Lan có liên tiếp những pha bóng khiến thầy trò HLV Park Hang-seo đối mặt với nguy cơ trắng tay trên chính sân nhà.
Đáng nói, nó xuất phát từ chính quyết định tung Công Phượng vào thay Hùng Dũng của HLV Park Hang-seo. Vị trí mà Hùng Dũng trấn giữ bị 'gãy', hàng tiền vệ của đội tuyển Việt Nam 'đổ sập', và hàng thủ lập tức chao đảo bởi sự cơ động và nguy hiểm của các cầu thủ tấn công Thái Lan.
Vì sao thầy Park lại tung Công Phượng vào sân đúng lúc đó, mà lại là thay Hùng Dũng? Bởi ông vẫn tin Công Phượng sẽ ghi bàn như từng tuyên bố hùng hồn trước trận đấu? Hay kỳ vọng Công Phượng sẽ lần nữa quấy phá hàng thủ Thái Lan như từng làm trước UAE?
Không phải. Là bởi cái vị thế mà người hâm mộ Việt Nam đang đinh ninh là đội tuyển nhà vượt trội so với Thái Lan, là sức ép chứng minh mình đã vượt qua 'đại kình địch' ở Đông Nam Á của chính thầy trò HLV Park Hang-seo. Tung Công Phượng vào sân, ông thầy người Hàn Quốc quyết 'ăn thua đủ' với người Thái.
Thầy Park đã không ít lần chứng minh tài cầm quân đến mức 'xuất thần nhập hóa' của mình, nhưng lần này thì ông đã sai, và phải cần đến may mắn, cũng như hành động 'cảm tử' của Văn Hậu mới có thể giữ được thể diện trước sự xuất sắc của người Thái.
2. SEA Games lần này, đích đến của thầy trò HLV Park Hang-seo dĩ nhiên là chức vô địch. Còn người Thái, họ thậm chí còn không thèm dùng đến 2 suất quá tuổi ở giải đấu này. Cũng chả có gì ngạc nhiên, bởi họ đã quá no nê danh hiệu ở giải đấu trẻ của 'vùng trũng' Đông Nam Á, thế nên 'buông' cũng là hợp lý.
Hoàn toàn có thể tin là như thế, nếu như ngay sau SEA Games 30 không phải là VCK U23 châu Á. Giải đấu được tổ chức trên đất Thái ấy không có suất cho hai cầu thủ quá tuổi như SEA Games 30, và đấy cũng là giải đấu mà người Thái đặt quyết tâm cực cao có được chiếc vé dự Olympic 2020. Đấy mới là chỉ tiêu, là thứ để người Thái 'phán xét' ông thầy người Nhật của mình, chứ không phải chức vô địch SEA Games như chỉ tiêu VFF và người hâm mộ giao cho thầy Park.
Thầy trò HLV Park Hang-seo phải để lại trận thắng 4-0 trước U23 Thái Lan lại sau lưng để bước vào SEA Games 30 đầy thách thức.
Cũng bởi thế, dù cho người Thái đang tự làm yếu mình với việc từ chối hai suất 'ưu tiên', nhưng không vì thế mà mục tiêu của họ chệch khỏi chức vô địch. Vô địch SEA Games 30 là mũi tên bắn trúng cả hai cái đích: gỡ lại uy tín cho bóng đá Thái Lan sau khi U23 Thái Lan thua đau trên Mỹ Đình, đồng thời là sự chuẩn bị tốt nhất cho VCK U23 châu Á.
Vì sao HLV Park Hang-seo lại rút Hùng Dũng ra khỏi sân trong trận gặp Thái Lan vừa qua? Ông bảo là vì tiền vệ này quá đuối sức rồi. Đấy chính là vấn đề lớn nhất của U22 Việt Nam ở SEA Games lần này.
Quang Hải và Hùng Dũng là hai cầu thủ ra sân nhiều nhất trong năm 2019 này. Không chỉ là nhiều nhất so với cầu thủ Việt Nam, mà có lẽ còn nằm trong top thế giới. Nếu tính cả SEA Games, số trận đấu họ phải chơi năm nay đều vượt qua con số 60 - một con số kinh hoàng với bất cứ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nào.
Nếu như ở CLB Hà Nội, Quang Hải còn được HLV Chu Đình Nghiêm ưu tiên nghỉ ngơi ở những trận đấu không quá quan trọng, cũng như tranh thủ rút anh ra khỏi sân khi đội nhà đã chắc thắng, thì dưới trướng của HLV Park Hang-seo, chỉ duy nhất 1 trận Quang Hải được tung vào sân ở hiệp 2, còn lại tiền vệ trẻ người Đông Anh luôn bị 'vắt kiệt' trong tất cả các trận đấu.
Thầy Park sử dụng Quang Hải triệt để đến mức có lẽ bây giờ, người hâm mộ sẽ không thể tưởng tượng nổi đội tuyển Việt Nam, cũng như U23 Việt Nam sẽ phải chơi thế nào nếu như không có tiền vệ này nữa.
Vì sao lại là Hùng Dũng và Trọng Hoàng? Vì sao tiêu chí chọn cầu thủ bổ sung cho U22 Việt Nam lại là 'phải chơi được ít nhất hai vị trí'? Là bởi thầy Park có thể thay đổi chiến thuật, nhưng cực kỳ hạn chế thay đổi bộ khung đội hình.
Ở SEA Games lần này, cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều rơi chung vào bảng 6 đội, với lịch thi đấu có mật độ cực kỳ căng thẳng. Nên nhớ, nếu như U22 Việt Nam có Quang Hải, Văn Hậu, có Tiến Linh, Trọng Hoàng, Hùng Dũng... thì U22 Thái Lan cũng có không ít hảo thủ đang chơi cho ĐTQG, trong có có 4 cái tên cực kỳ xuất sắc trên hàng công, là Supachok, Supachai Jaided, Suphanat Mueanta và Ekanit Panya.
Suốt 5 trận đấu ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Akira Nishino đã 'xới tung' đội tuyển Thái Lan lên để thử nghiệm rất nhiều phương án mới, tên tuổi mới và chiến thuật mới. Họ vẫn kém Việt Nam 3 điểm trên bảng xếp hạng, nhưng những gì làm được trước thầy trò HLV Park Hang-seo ở hai lượt trận đi về cho thấy ông thầy người Nhật đang đi đúng hướng.
Ở SEA Games 30, ông Akira Nishino chắc chắn sẽ còn gây ngạc nhiên cho HLV Park Hang-seo với những sự lựa chọn, những bài chiến thuật của mình. Còn thầy Park? Có lẽ giờ đây thứ khả thi nhất mà ông thầy Hàn Quốc mong chờ, là Hùng Dũng và Quang Hải giữ được phong độ đỉnh cao của mình.
Chứ nếu không thì...