1. Trên trang mạng cá nhân của một, một nhà báo thể thao Việt Nam từng khá nổi tiếng đưa ra ý kiến 'giải mã' lối chơi của HLV Park Hang-seo: 'Giữ kỷ luật vị trí, tích cực áp sát tranh chấp trên nửa phần sân nhà, tổ chức phòng ngự có chiều sâu. Tấn công thì thiếu tổ chức và đặc biệt nghèo nàn ý tưởng, chỉ có vài phương án cố định.
Gặp đội mạnh thì cắn trộm. Gặp đội yếu thì rình sơ hở. Xử lý tình huống chiến thuật thì tốt, nhưng lối chơi thì không định hình. Rất phù hợp với người Việt, nhưng không có chỗ đứng trong tư duy người Hàn hiện đại.
Từ phương diện tổ chức, bóng đá là vận hành hệ thống. Với cầu thủ và kết quả trận đấu, bóng đá lại là tình huống. Nhưng HLV Park bám vào tình huống là tư duy lộn ngược.
Ở vị trí tiền vệ trung tâm, Quang Hải không mấy nổi bật như thường lệ.
HLV có thể theo trường phái này hay khác, nhưng HLV giỏi phải phát triển được đội bóng và cầu thủ. Đội bóng của Park có lối chơi ngày càng rời rạc, kém nhuần nhuyễn. Ngôi sao Quang Hải ngày càng đóng một vai trò mờ nhạt.
Nên đừng hỏi tại sao HLV Park giỏi thế (qua kết quả với ĐT U23) mà lại bị hắt hủi ở Hàn Quốc. Đó là hai cú ăn may vĩ đại với một thế hệ cầu thủ tài năng, mà một HLV xoàng của Việt Nam như Hoàng Anh Tuấn cũng từng đưa tới VCK World Cup U20 thế giới'.
Trên FOX Sports Asia, cây bút Gabriel Tan cũng gọi chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo trước Malaysia là 'chiến thắng xấu xí', với những dòng phân tích: 'Chưa bao giờ chúng ta có thể nghi ngờ về khả năng chơi tấn công cống hiến của đội tuyển Việt Nam. Nhưng họ đã cho thấy sự ngây thơ của mình khi chơi bóng bằng phong cách đó ở hai giải AFF Cup gần nhất, khi họ là ứng viên sáng giá cho chức vô địch, song bị loại từ vòng bán kết.
Năm nay, dường như điều đó sẽ không lặp lại khi tuyển Việt Nam cho thấy kinh nghiệm và biết cách giành kết quả thuận lợi ngay cả khi họ không có được hàng công mạnh mẽ nhất'.
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải nhận xét: 'Nếu tiếp tục chơi kiểu này, Việt Nam không thể đi xa được'. Cựu danh thủ này thậm chí còn rất lo lắng cho thầy trò HLV Park Hang-seo:
'Malaysia thua, nhưng đôi lúc tôi cảm giác họ lấn lướt thế trận hơn mình. Dù họ không tấn công được nguy hiểm nhiều, nhưng cảm giác họ chơi chủ động, chiếm lĩnh thế trận. Đó là điều nếu chúng ta không kịp thời khắc phục, thì sợ gặp những địch thủ lớn khác tại bảng B sẽ rất vất vả, khó có thể đi xa'.
'Tôi nghĩ hôm nay chúng ta may mắn, chứ chơi chưa thuyết phục, còn làm khán giả lo lắng'.
2. Trong bóng đá, những con số thống kê đều có ý nghĩa, tuy nhiên, từ những con số thống kê đến thực tế trên sân, đến kết luận về một trận đấu, một lối chơi, một ý đồ chiến thuật của người câm quân, những con số thống kê đơn thuần cần những yếu tố khác để kết hợp, đối sánh, mới có thể có được kết luận chính xác nhất.
Phần lớn những chê bai, hạ thấp HLV Park Hang-seo và chiến thắng của đội tuyển Việt Nam đều căn cứ vào hai con số: Việt Nam cầm bóng ít hơn đối phương (31,4%) và tỷ lệ chuyền bóng chính xác thấp hơn đối phương nhiều (62,7% so với 84,6%), từ đó đưa kết luận rằng lối chơi của Việt Nam là rời rạc, và sự lấn lướt thuộc về đối thủ Malaysia.
Không sai, nhưng hãy nhớ rằng những con số ấy đến trong tình thế Việt Nam sớm có bàn dẫn trước, nhường thế trận cho đối phương, sử dụng hàng phòng ngự hai lớp để tìm kiếm thêm bàn thắng từ những pha phản công nhanh, hòng kết liễu đối phương, và rõ ràng thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm được, thậm chí nếu nắn nót hơn, tỷ số còn cao hơn cho Việt Nam.
Khi ấy, nhiệm vụ của các cầu thủ phòng ngự Việt Nam là cắt đứt những pha tấn công của đối phương, thậm chí 'ném bóng cho đối phương chơi' để rồi ghi bàn bằng những pha phản công 'xuất kỳ bất ý', thì tỷ lệ chuyền bóng thành công thấp chẳng là điều phải ngạc nhiên, và hẳn nhiên là nó 'đúng quy trình'.
Nếu muốn chứng kiến những màn tấn công hùng hổ, một thế trận 'ăn tươi nuốt sống' đối phương, hãy mời Hữu Thắng về cầm ĐTQG Việt Nam, thay vì HLV Park Hang-seo. Chẳng phải người ta từng được chứng kiến những đội bóng của HLV người Hà Tĩnh chơi tấn công rực lửa, lấn lướt và chủ động, để rồi gục ngã đớn đau đó sao?
Nhân tiện nói về HLV Hữu Thắng, nếu như có người đánh giá HLV Hoàng Anh Tuấn là kém cỏi, chẳng qua là đội hình trong tay ông quá tài năng nên mới thành công, thì hãy nhớ rằng ở SEA Games 2017, chẳng phải HLV Hữu Thắng cũng sở hữu dàn cầu thủ cực kỳ tài năng mà ông Park, ông Tuấn từng thành công đấy sao, và Hữu Thắng thất bại thê thảm đó sao?
Ở Đông Nam Á, bất cứ lúc nào Việt Nam cũng được đánh giá cao, được xưng tụng là ứng cử viên vô địch. Giải đấu này cũng thế, thậm chí còn hơn thế, sau hai thành công của HLV Park Hang-seo với U23 Việt Nam. Giờ đây, đội tuyển Việt Nam đang đứng trước 'tiêu chuẩn kép': vừa phải vô địch, lại vừa phải đá đẹp, thắng thuyết phục, thắng mãn nhãn, thắng tưng bừng.
Đấy là điều HLV Park Hang-seo sợ nhất, bởi nói cho cùng, Việt Nam chưa đủ mạnh để làm 'ông kẹ' trước các đối thủ, kể cả là Malaysia - đội bóng mà họ vừa thắng 2-0. Hạ thấp mình trước đối thủ, khiến các đối thủ đánh giá thấp mình là điều HLV Park Hang-seo đang làm thành công.
Đấy cũng là lý do Quang Hải được giữ bên cạnh Xuân Trường ở vị trí tiền vệ trung tâm. Cả châu Á biết đến tài năng của Quang Hải. Người hâm mộ trông đợi vào sự tỏa sáng của Quang Hải. Nhưng với nhà cầm quân người Hàn Quốc, chưa phải lúc để 'lộ bài'.
Nhìn Việt Nam đá, rõ ràng người ta thấy một sự chênh vênh, nhưng có khi đấy là sự chiênh vênh có tính toán. Hãy nhìn hai bàn thắng vào lưới Malaysia, đấy không phải là những bàn thắng 'cắn trộm', nó đến từ những phương án đã được tính toán kỹ càng, và đã được tập luyện đến nơi đến chốn.
Báo nước ngoài càng đánh giá Việt Nam 'xấu xí', Quang Hải kém cỏi, các chuyên gia càng đánh giá HLV Park Hang-seo 'ăn may', có lẽ nhà cầm quân người Hàn Quốc này càng mừng, bởi thắng mà đối thủ không biết vì sao mình lại thua, chẳng phải là cảnh giới cao nhất của bóng đá đó sao?