Chiều 14/2, tại Km 261 + 700, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa ô tô tải với 2 xe máy đi hướng ngược chiều. Vụ tai nạn khiến cả 4 thanh thiếu niên đi trên 2 xe máy tử vong tại chỗ. Camera hành trình ghi lại vụ việc cho thấy 4 thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều trên đường cao tốc với tốc độ cao.
Hiện trường vụ tai nạn.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đường cao tốc là đường dành riêng cho xe cơ giới, nghiêm cấm xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện giao thông khác có công suất thiết kế dưới 70km/h đi vào đường cao tốc. Việc xe mô tô đi vào đường cao tốc theo cách đi ngược chiều thì không khác nào hành động tự sát và gây nguy hiểm cho người khác. Bởi vậy, người điều khiển ô tô trên đường cao tốc gây tai nạn với xe mô tô đi ngược chiều thông thường sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Vụ tai nạn giao thông khiến 4 người tử vong trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân, đặc biệt làm rõ yếu tố lỗi của những người điều khiển xe máy và ô tô (nếu có). Trước tiên, đối với hai người chạy xe máy ngược chiều trên đường cao tốc, theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này mà chưa gây ra vụ tai nạn nào thì cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 6, Điều 6 quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe gắn máy (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) đi vào đường cao tốc, mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Trong vụ việc đau lòng vừa xảy ra, cả 4 người trên xe máy đều đã tử vong nên sẽ không đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự đối với 2 người điều khiển xe máy này.
Trong vụ tai nạn giao thông này người điều khiển xe mô tô có lỗi là rất rõ ràng, còn đối với người điều khiển ô tô trong vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc do va chạm với xe gắn máy như vậy thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khả năng quan sát và làm chủ tốc độ của tài xế ô tô này. Về nguyên tắc, nếu vi phạm về tốc độ, về khả năng quan sát mà dẫn đến tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện có lỗi, nếu vụ tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự.
Xe ô tô được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là quy định tại điều 26 Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, người điều khiển xe ô tô trên đường cao tốc phải chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và đi đúng phần đường, đúng làn đường, khi ra vào đường cao tốc phải tuân thủ về tốc độ và quy tắc điều khiển phương tiện trên các làn đường.
Luật sư Cường cho biết, trường hợp người lái xe ô tô trên đường cao tốc gặp chướng ngại vật là phương tiện đi phía trước (cùng chiều hoặc ngược chiều) thì phải chú ý quan sát để phát hiện, phải làm chủ tốc độ để tránh va chạm. Khi gặp chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể phải dừng lại để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Bởi vậy, nếu người điều khiển xe ô tô mà thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe máy đi ngược chiều hoặc xe ô tô đi lùi thì người điều khiển xe ô tô trong tình huống này vẫn có lỗi và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lỗi này là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Trong clip trên, chiếc xe mô tô đi ngược chiều từ khúc cua nên ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người điều khiển xe ô tô. Chính vì vậy, khó có thể bắt lỗi quan sát đối với người điều khiển xe ô tô trong tình huống này. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ tốc độ của xe ô tô để xác định chiếc xe ô tô này có đi quá tốc độ cho phép (100km/h) hay không. Trong vụ tai nạn giao thông này thì lỗi của người điều khiển xe mô tô là rõ ràng, còn trường hợp có căn cứ cho thấy người lái xe ô tô cũng có lỗi, nhưng không phải là lỗi chính, không tất yếu dẫn đến vụ tai nạn thì sẽ không khởi tố đối với người điều khiển xe ô tô. Chỉ có trường hợp lỗi hỗn hợp, hai bên đều có lỗi và đều là nguyên nhân chính, chủ yếu dẫn đến vụ tai nạn giao thông theo nguyên tắc quan hệ 'nhân - quả' trong lý luận về cấu thành tội phạm thì mới xử lý hình sự đối với người điều khiển xe ô tô trong tình huống tai nạn như thế này.
Luật sư Cường nhận định, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự cho người điều khiển phương tiện xe ô tô trên đường cao tốc khi va chạm với xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, người đi bộ hoặc các phương tiện khác không được phép đi vào đường cao tốc. Tuy nhiên, một số địa phương cũng có hướng dẫn, thống nhất trong việc giải quyết đối với các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, theo đó thông thường xe mô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc dẫn đến tai nạn giao thông chết người thì sẽ xác định lỗi chính thuộc về người điều khiển xe mô tô và thông thường sẽ không khởi tố đối với người điều khiển ô tô trong các tình huống này.
Qua clip cho thấy có tới ba chiếc xe mô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc trước khi vụ tai nạn giao thông xảy ra. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây tai nạn giao thông bất kỳ lúc nào đối với các phương tiện trên đường cao tốc. Bởi vậy, nếu tai nạn xảy ra thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người điều khiển xe mô tô trên đường cao tốc là điều khó tránh nếu người điều khiển phương tiện còn sống và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người điều khiển xe mô tô gây tai nạn còn sống nhưng không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì cũng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của người đã giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, ngoài việc xem xét xử lý đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự thì cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là pháp luật về luật lệ an toàn giao thông cho những người tham gia giao thông, trong đó có những người trẻ tuổi. Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, không ít trường hợp người điều khiển xe mô tô đã thiệt mạng.
>>> Xem thêm video: Chở con đi học, 3 mẹ con thiệt mạng khi va chạm với xe tải