Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân 37 tuổi (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân nhãn hiệu 'Cafe Hoàng Gia'. Bệnh nhân cho biết, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều. Một người bạn đã giới thiệu cho chị loại cà phê giảm cân với lời quảng cáo có thể giảm được 4kg chỉ trong một tuần.
Tin lời, chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng về sử dụng. Loại cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa, mỗi sáng uống một gói. Khi uống đến ngày thứ 3, bệnh nhân thấy mệt, cảm giác khó thở. Sang ngày thứ 4, sau khi uống cà phê được 15 phút, bệnh nhân có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước. Thân nhiệt bệnh nhân hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh rồi bất tỉnh. Ngay sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế huyện sơ cứu rồi chuyển lên BV Bạch Mai.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, hạ natri máu nặng, kết quả chụp cắt lớp bắt đầu thấy não bị tổn thương. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp nên tình trạng bệnh nhân dần cải thiện. Sau 10 ngày điều trị, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục. Gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong cà phê có chứa sibutramine, một thuốc giảm cân đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng.
Trước đó, nghe theo lời quảng cáo có cánh trên mạng, chị A (43 tuổi, Quảng Ninh) mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (Thái Lan) để uống với mong muốn giảm cân. Thuốc được quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên với giá 500.000 đ/hộp. Theo hướng dẫn sử dụng, mỗi ngày chị uống 2 viên vào buổi tối cùng nước chanh ấm trước khi đi ngủ. Sau 1 tháng chị giảm được 3kg. Chưa kịp vui mừng với thành quả giảm cân đúng như cam kết của tư vấn viên, chị A xuất hiện buồn nôn và nôn ra máu tươi, máu đen. Gia đình đưa chị đến Trung tâm y tế cấp cứu.
Tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu nên được chuyển lên Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hình ảnh nội soi và chụp X-quang cản quang dạ dày cho thấy hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nong thực quản tại Trung tâm Tiêu hóa gan mật nhưng do đoạn hẹp quá dài, không thể thực hiện kỹ thuật. Kết quả soi dạ dày có nhiều sẹo co kéo gây hẹp lòng thực quản nên máy soi không qua được và nếu thực hiện thì nguy cơ thủng thực quản rất cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã đưa ra phương án phẫu thuật là sự lựa chọn tối ưu cho ca bệnh này.
Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh với trọng lượng 70kg, cao 1m60, bệnh nhân chỉ còn 35kg, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng. Sau phẫu thuật và 3 tháng nằm viện và điều trị bệnh nhân mới hồi phục tăng được 5kg và dần trở lại cuộc sống bình thường.
Chất sibutramine có quá nhiều tác dụng phụ
Theo dược sĩ Hà Văn Hòa (ĐH Dược Hà Nội), sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn. Hầu hết các loại thuốc cùng nhóm này có tác dụng trên các trung tâm nhận thức về đói và no. Lúc đầu, sibutramine được sử dụng như thuốc chống trầm cảm. Hiệu quả của sibutramine là làm giảm trung bình 5% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc đã được biết đến ngay sau đó do có 2 ca tử vong tại Ý. Thuốc đã bị cấm bán tại Ý năm 2002 và cấm bán tại Pháp năm 2007. Còn tại châu Á, sibutramine được bán với các tên khác. Tại Việt Nam, thuốc bắt đầu bán từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, sau đó thuốc sibutramine cũng bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược và thực phẩm chức năng.
Theo dược sĩ Hòa, sibutramine bị cấm bởi có quá nhiều tác dụng phụ. Theo đó, người sử dụng có thể bị khô miệng, chán ăn, mất ngủ, táo bón, nhức đầu, đau lưng, hội chứng cúm, suy nhược; đau bụng, đau nửa đầu, đánh trống ngực, buồn nôn, khó tiêu, viêm dạ dày, nôn ói, rối loạn trực tràng, khát, phù nề toàn thân, đau khớp, đau cơ; lo lắng, trầm cảm, dị cảm, buồn ngủ, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, nhiễm Herpes simplex, mụn trứng cá, rối loạn vị giác, đau và rối loạn ở tai, rối loạn kinh nguyệt, nhiễm trùng tiểu, viêm màng não mủ, đau bụng kinh. Ngoài ra, thuốc còn có khả năng gây tử vong như các biến cố tim mạch và mạch máu não nghiêm trọng.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, không nên tin vào những lời quảng cáo về 'thần dược' giảm cân, không tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các thực phẩm chức năng, đồ uống được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ giảm cân hiện nay thì hiệu quả thường không rõ ràng. Tuy nhiên, chúng lại được bán với giá rất cao. 'Cách giảm cân đúng nhất là đầu tiên chúng ta phải được khám, đánh giá và tư vấn của người có chuyên môn y tế, sau đó điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc giảm cân thì phải có bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sỹ nội khoa khám và kê đơn, theo dõi sử dụng an toàn', TS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.