Lúc này bão số 1 có dấu hiệu giảm cường độ khi mắt bão không còn rõ nét. Tuy nhiên, mây bão vẫn bao phủ khá rộng, rìa phía Tây của bão đã chớm vào Vịnh Bắc Bộ và bắt đầu gây mưa dông, gió mạnh ở phía Bắc Vịnh.
Khả năng đêm 17/7, bão đi vào Vịnh Bắc Bộ. Bão sẽ men theo dòng dẫn trên độ cao 5.000m trong khi dòng dẫn đang có xu hướng nâng trục nên bão sẽ đi lệch lên phía Bắc. Trong quá trình di chuyển như vậy, bão sẽ ma sát với đất liền nhiều hơn nên sẽ suy yếu khi đi vào đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Đến 16h ngày 18/7, sức gió vùng gần tâm bão còn cấp 8, giật cấp 10.
Bão đi lệch Bắc nên vùng gió bão mạnh thu hẹp, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Gần sáng 18/7, gió mạnh lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trên biển, tối và đêm 17/7, phía Bắc vịnh Bắc Bộ gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội, người dân tuyệt đối không ở lại nơi neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Vị trí và đường đi của bão số 1. Ảnh: TT Dự báo KTTV quốc gia
Chủ động ứng phó bão số 1
Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó bão.
Tính đến 16h ngày 17/7, các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An vẫn còn 442 tàu biển và phương tiện đang hoạt động trên biển và đã nhận được thông tin về cơn bão. Các tỉnh đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè và khách du lịch trên các đảo về nơi an toàn. Đến thời điểm này các địa phương vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó bão.
Trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự chủ động là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống bão, nhất là khi đây là một trong những cơn bão mạnh nhất vào miền Bắc trong 5 năm trở lại đây; đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Mặc dù bão số 1 có dấu hiệu giảm cấp nhưng vẫn rất mạnh và khó lường, các địa phương ven biển đã tích cực triển khai những biện pháp ứng phó.
Quảng Ninh
Bộ đội Biên phòng Cô Tô kêu gọi người dân, tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn. Ảnh: TTXVN
Các tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: TTXVN
Hơn 6.000 tàu cá đã về bờ. Hơn 14.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản đã được gia cố. 384 tàu du lịch dừng hoạt động. Trên 8.000 khách du lịch tại huyện đảo Cô Tô đã được đưa về bờ an toàn. Từ 15h ngày 17/7, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển.
Các biện pháp đảm bảo an toàn được tăng cường tại các bãi thải, khu khai thác than. Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát và lên phương án tiêu úng cho cây trồng, khu công nghiệp và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt.
Hải Phòng
Đến 14h ngày 17/7, TP Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho tất cả các phương tiện hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn. Tại khu du lịch Cát Bà, một lượng lớn du khách đã về bờ. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, còn hơn 2.700 du khách đều được bố trí chỗ ở an toàn. Khu du lịch Đồ Sơn cũng đã tạm dừng đón khách du lịch.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh bão; đình chỉ hoạt động các phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, khu vực vui chơi giải trí tại ven sông, ven biển từ 18h ngày 17/7; đình chỉ các hoạt động vận tải thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long từ 21h cùng ngày và dự kiến sơ tán dân ra khỏi các khu vực xung yếu trước 7h ngày 18/7.
Thái Bình
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để tránh trú bão. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Bắt đầu từ 12h ngày 17/7, tỉnh đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kêu gọi hơn 1.000 tàu thuyền vào bờ và cũng hoàn tất việc di dời gần 1.200 lao động tại các chòi canh ngao, các hộ dân trong vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
Tỉnh cũng yêu cầu người dân chủ động điều tiết mực nước mặt ruộng hợp lý, bảo đảm cho trên 71.000 ha lúa mùa đã gieo cấy và hơn 3.000 ha cây màu Hè Thu đã trồng.