Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định “chỉ tốt lên”.
Bởi theo ông Cơ, sau 3 năm thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, bệnh viện đối diện với rất nhiều khó khăn, nhiều máy móc thiết bị kỹ thuật đắp chiếu, hệ thống nội soi tiêu hoá xuống cấp… làm chậm quá trình thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.
Do đó, việc Chính phủ cho phép bệnh viện chuyển sang thực hiện tự chủ theo NĐ 60/NĐ- CP là quyết định “rất hợp lý”. Bệnh viện cũng mong muốn được được tự chủ theo nhóm 2 trong giai đoạn này - tức là chỉ tự chủ chi thường xuyên.
Theo đó, bệnh viện chỉ tự chủ phần chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sữa chữa mua sắm các thiết bị - điều mà BV Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.
“Khi được đầu tư rõ ràng người bệnh sẽ được hưởng lợi. Trong giai đoạn tới chỉ tốt lên”, ông Cơ khẳng định.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện không ỉ lại vào nhà nước, tuy nhiên, Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối làm công tác an sinh xã hội. Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nặng ở tất cả các cơ sở y tế tại các tỉnh miền Bắc chuyển về đây.
“Hơn 90% là bệnh nhân có BHYT. Đối tượng này là đối tượng người nghèo, chính sách, vùng sâu vùng xa, người có công với cách mạng…
Nếu để tự chủ toàn diện, tính đúng, tính đủ thu của người bệnh thì e rằng ảnh hưởng đến đối tượng này. Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước để thực hiện việc này”, ông Cơ kiến nghị.
Trong khi chưa thể nâng trần mức giá tham gia BHYT lên mà giao cho tự chủ thì cũng sẽ rất khó cho bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn chỉ rõ, trước đây liên doanh, liên kết bản chất là thu một phần của người bệnh. Người bệnh nghèo mấy vẫn phải đóng. Do đó, nếu được nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ bản, sữa chữa mua sắm các thiết bị thì chi phí khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh giảm.
BV thôi tự chủ toàn diện, người bệnh có bị ảnh hưởng? (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, theo ông Cơ, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước, đặc biệt đội ngũ y bác sĩ vùng sâu, vùng xa đến học - chuyển giao các kỹ thuật. Bệnh viện là cơ sở thực hành của tất cả các trường đại học y dược ở phía Bắc.
Song song với việc đào tạo, Bệnh viện Bạch Mai cũng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bạch Mai là nơi cập nhật các kỹ thuật cao trên thế giới trước khi chuyển giao cho các tuyến- phải làm thuần thục ở Bạch Mai, xây dựng quy trình kỹ thuật rồi mới chuyển cho cơ sở.
Trong khi đó, thực thế thời gian qua bộc lộ rõ trang thiết bị thiếu, bệnh viện buộc phải thay đổi ca kíp, sáng sớm phải chụp chiếu cho người bệnh ngoại trú, buổi chiều và đêm dành cho bệnh nhân nội trú… Đơn cử như hệ thống nội soi tiêu hóa hỏng, xuống cấp, mỗi ngày có 800-1.000 người bệnh có chỉ định nội soi nhưng dù cố lắm thì bệnh viện cũng chỉ thực hiện được nửa, quá nửa.
“Tất cả mọi thứ đều cần nguồn lực tài chính. Nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ rõ ràng người bệnh sẽ được hưởng lợi.
Ngay cả những nước phát triển họ có tới 70% giường bệnh tư nhân nhưng họ vẫn có hệ thống y tế nhà nước là chủ đạo để làm công tác an sinh xã hội.
Những bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Việc Đức, Chợ Rẫy phải là những bệnh viện làm công tác an sinh xã hội là chính. Do vậy dù tự chủ thuộc nhóm nào thì vẫn phải nên đầu tư cho những bệnh viện này”, ông Cơ kiến nghị.
Hệ thống dao Gamma trước đây mỗi năm thực hiện 2.000 ca can thiệp trong đó thực hiện nhiều với bệnh nhân u não nay cũng đắp chiếu
Bởi nếu không được đầu tư, hạ tầng xuống cấp, máy móc trang thiết bị thiếu thốn người bệnh ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là bác sĩ giỏi sẽ rời đi.
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 cán bộ giỏi xin chuyển công tác mặc dù ban lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại. Ông Cơ cho biết, một bệnh viện tư nhân đã đón rất nhiều bác sĩ của Bạch Mai sang, lương có thể 200-300 triệu đồng một tháng, còn được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất. Bệnh viện có tuyển được các cán bộ trẻ về, nhưng để có cán bộ giỏi cần hàng chục năm đào tạo. Việc này tạo lỗ hổng về nhân lực.
“Bác sĩ sang khối tư nhân cũng vẫn là phục vụ người Việt mình thôi nhưng ai trong nhóm được phục vụ bởi các chuyên gia giỏi như thế? Họ phấn đấu, luyện tập, rèn luyện tay nghề rất cao ở Bạch Mai nhưng do cơ chế, thu nhập, áp lực khiến họ rời đi.
Sang các bệnh viện tư họ chỉ phục vụ một tầng lớp, nhóm người nhỏ có tiền mà thôi…”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Do đó, một lần nữa, ông Cơ khẳng định nếu được đầu tư thì người bệnh sẽ được hưởng lợi.
Ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Y tế trả lời về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33.
Theo đó, sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33, Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Hai bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.
Trả lời báo cáo của Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33.
Theo Nghị quyết số 33, sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, tức là Nghị định 60 hiện đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...
Trước đó, vào tháng 8, BV Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.