Tại cuộc gặp gỡ với báo giới trao đổi thông tin về chiến lược và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đặc biệt lưu ý đến vấn đề xuất nhập cảnh trái phép.
Phó Thủ tướng nhận định đây là hành vi hết sức nguy hiểm. Bình thường đó đã là một hành vi vi phạm pháp luật cần chế tài. Trong bối cảnh các nước xung quanh chúng ta dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hành vi này càng nghiêm trọng. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp đã bị phát hiện.
Những con số từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cung cấp cũng cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã phát hiện 205 người nhập cảnh, trong đó có 139 nhập cảnh trái phép. Trong đó trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã bắt giữ 109 đối tượng chủ yếu qua các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh.
Trên tuyến Việt Nam - Lào cũng đã phát hiện 3 đối tượng nhập cảnh trái phép qua các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị. Trên tuyến Việt Nam - Campuchia bắt giữ 29 đối tượng tập trung cở các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Đường xâm nhập khó kiểm soát nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở.
Lực lượng biên phòng phát hiện 8 đối tượng nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua tuyến biên giới An Giang.
Điển hình là vụ việc bệnh nhân COVID-19 là Đ.D.T (quê xã Đức Chính, Cẩm Giàng, Hải Dương) nhập cảnh trái phép, trốn khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác. Hiện đối tượng này đã bị khởi tố tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định tại điều 240 Bộ luật Hình sự.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đa phần các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính trong khi tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp và gây ra nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay về việc xử lý hình sự hành vi nhập cảnh trái phép được quy định tại Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Những lán trại nhỏ dọc biên giới của chiến sỹ Bộ đội Biên phòng để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép.
Theo quy định trên đây người thực hiện hành vi nhập cảnh trái phép chỉ bị xử lý khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Do vậy việc xử lý hình sự người nhập cảnh trái phép ngay lần đầu họ thực hiện hành vi căn cứ các quy định hiện hành là không thực hiện được.
Cụ thể tại Điều 240, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có cấu thành tội phạm vật chất nghĩa là đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra. Hậu quả này phải xuất phát từ hành vi vi phạm thì mới xử lý hình sự được.
Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
'Thực tế chỉ những hành vi 'tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép' hoặc cá nhân mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng mới bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự, còn đa phần các trường hợp nhập cảnh trái phép hiện nay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép. Điều này dẫn đến việc vì lợi ích trước mắt mà các cá nhân này đã bất chấp và tạo ra những nguy cơ gây hại cho cộng đồng xã hội. Hậu quả sẽ không đơn giản là tiền và công sức, mà là mạng sống của rất nhiều người dân nếu dịch lan rộng do các trường hợp nhập cảnh trái phép gây nên', luật sư Lực chia sẻ.
Lực lượng Biên phòng Hà Giang liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ xuất, nhập cảnh trái phép, trong đó chủ yếu diễn ra tại hai Mèo Vạc và Xín Mần.
Trong khi đó, Luật sư La Văn Thái (Giám đốc Công ty Luật Tầm nhìn và Thịnh vượng) bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm cần xem xét xử lý hình sự các trường hợp nhập cảnh trái phép, cố tình không khai báo dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xuất nhập cảnh thì 'Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam'. Như vậy, những người đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài về Việt Nam không làm thủ tục qua các cửa khẩu được coi là hành vi nhập cảnh trái phép.
Tại khoản 2 Điều 4 Luật Xuất nhập cảnh nghiêm cấm hành vi sau: 'Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định'.
Nhóm người vượt biên trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Luật sư Thái nêu: Các quy định của pháp luật hiện nay để xử lý hình sự đối với Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, nhập cảnh trái phép chủ yếu hướng đến các đối tượng tổ chức, môi giới được quy định ở điều 240, 347 và 348 Bộ Luật hình sự. Còn các đối tượng nhập cảnh trái phép lần đầu hoặc không chứng minh được việc làm lây lan dịch bệnh trong thực tế thường bị xử lý theo hướng phạt hành chính. Pháp luật chưa hình sự hoá những hành vi này.
Do vậy, việc xem xét 'xử lý hình sự các trường hợp nhập cảnh trái phép, cố tình không khai báo dẫn đến nguy cơ lây lan dịch COVID-19' là cần thiết chứ không chỉ phạt hành chính như trước đây.
Bởi, việc chấp hành đúng, đủ các quy định về phòng, chống dịch là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân. Đã là công dân thì cần có trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây vừa là cách để mỗi người tự bảo vệ bản thân, gia đình; đồng thời, cũng góp phần vào 'cuộc chiến' chống lại đại dịch COVID-19 hiện nay.
'Việc chấp hành đúng, đủ các quy định về phòng, chống dịch là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân. Đã là công dân thì cần có trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hình sự hoá hành vi nhập cảnh trái phép vừa nâng cao tính răn đe vừa góp phần vào 'cuộc chiến' chống lại đại dịch COVID-19 hiện nay', luật sư Thái nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia pháp lý, đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép cần xử lý hình sự thì cần phải xử lý ngay, sớm, kịp thời, thậm chí có thể xét xử lưu động để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cảnh tỉnh người khác.