Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sáng 28/5, thế giới có tổng số 169.616.816 ca nhiễm và 3.524.509 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 537.668 ca nhiễm và 11.643 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 28/5, đã có 151.326.802 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 14.765.505 ca bệnh đang điều trị, có 14.667.603 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 97.902 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 179.770 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (66.722 ca) và Mỹ (24.393 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.558 ca, sau đó là Brazil (2.130 ca) và Mỹ (630 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 50.336.003 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 28/5, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 668.048 ca đã tử vong do COVID-19 và 45.910.792 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 27.547.705; 5.220.549 và 2.875.858 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 318.821; 46.970 và 79.384 ca.
Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia, bà Dante Saksono Harbuwono, ngày 27/5, dự báo số ca mắc mới COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr và đạt đỉnh vào giữa tháng 6 tới. Bộ Y tế Indonesia dự báo rằng đỉnh dịch lần này sẽ không cao như thời điểm sau các kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2021 nhờ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt của chính phủ.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6. Theo Thủ tướng Yoshihide Suga, số ca nhiễm mới đang giảm ở một số khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, nhưng 'về tổng thể, tình hình rất khó dự đoán'. Chính phủ sẽ tham vấn nhóm chuyên gia cố vấn trong ngày 28/5 trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc có gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 64.467 ca nhiễm và 1.555 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.635.629; 5.035.207 và 4.473.677 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.758 ca, sau khi có thêm 10 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (125.793 ca) và Nga (120.002 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 39.639.671 ca, trong đó có 889.980 ca tử vong và 32.406.174 ca được điều trị khỏi. Với 33.999.680 ca nhiễm và 607.726 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.402.722 và 1.371.073 ca nhiễm, cùng 222.232 và 25.411 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 159.232 ca nhiễm và 3.874 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 28.309.133 ca và 767.998 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 66.722 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.342.162 vào thời điểm hiện tại. Với 2.130 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 547 ca tử vong mới và Colombia với 513 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 28/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.842.464 ca, trong đó có 129.912 ca tử vong và 4.362.378 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.649.977 ca nhiễm và 56.170 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 4.422 ca nhiễm mới và 93 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 518.122 và 340.250 ca nhiễm bệnh cùng 9.134 và 12.451 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 67.914 ca nhiễm (tăng 85 ca) và 1.252 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 15 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.063 ca, trong đó 910 ca tử vong./.