Nhiều người liên tục chia sẻ video vợ đánh ghen chồng và nhân tình ngày 3/5. Ảnh chụp lại màn hình
Hành vi vi phạm pháp luật
Mới đây, một video đánh ghen của một người phụ nữ được lan truyền, chia sẻ và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng sử dụng mạng xã hội. Câu chuyện thực hư, sâu xa thế nào chưa rõ, nhưng những hình ảnh vốn chẳng hay ho gì sau gần 1 tuần vẫn khiến cộng đồng mạng xôn xao bình luận. Nội dung của video đó, vốn chỉ là chuyện riêng của một gia đình nhưng có lẽ do phút bốc đồng của người quay bỗng chốc được phơi bày giữa bàn dân thiên hạ. Bởi nó công khai, nên tràn ngập cõi mạng là những lời cười đùa vì sự khốn khổ của cô gái bị đánh, là những bình luận khiếm nhã bởi những hình ảnh không mấy đẹp đẽ của 2 nhân vật trong đó.
Thực tế, việc đánh ghen hay ghi lại video đánh ghen để tung lên mạng xã hội nhằm hạ nhục 'đối thủ' là việc không mới. Đã rất nhiều những cảnh báo chỉ rõ việc chửi bới, động tay chân ở nơi công cộng được coi là những hành vi thiếu chuẩn mực, hoặc việc chia sẻ video đánh ghen là những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.
Theo các luật gia, việc đăng tải các video đánh ghen có thể khiến người đăng video, thậm chí cả người chia sẻ những video dạng này đối diện với nhiều tội. Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định: mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định, khi sử dụng hình ảnh của bất kì ai cũng phải được sự cho phép của cá nhân đó. Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan cũng đã nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Việc đưa những thông tin có tính chất đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức văn hóa của người Việt Nam lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, khi những video đánh ghen, khỏa thân được đăng tải lên không gian mạng thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ðối với những video bị phát tán trên mạng, khi người bị quay video có đơn tố cáo thì người quay video và người đăng tải video đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm nhục người khác hoặc đưa thông tin trái phép trên mạng internet tùy vào mức độ mà xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu sự việc nghiêm trọng, sự việc trên còn có thể bị xử lý hình sự về tội 'Đưa thông tin trái phép trên mạng', 'Lợi dụng quyền tự do dân chủ' theo quy định của Bộ luật Hình sự. Còn trong trường hợp, người bị quay video không nộp đơn tố cáo thì những video cũng mang nội dung, hình ảnh bị cấm tuyệt đối trên không gian mạng, người đưa thông tin này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hơn nữa, với hành vi đăng tải các video trên mạng xã hội công khai rồi lôi kéo nhiều người vào tham gia bằng cách lập ra các nhóm chat, các group để lan truyền video, hình ảnh cũng là hành vi vi phạm và có thể xử lý về tội 'Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy' theo Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, những hành vi dùng mạng xã hội như gửi link, gửi video đánh ghen cho người khác chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo Ðiều 101 Nghị định 15/2020/NÐ-CP. Như vậy, mặc dù hành vi ngoại tình với người khác là hành vi vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định trong Ðiều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng việc đi đánh ghen rồi quay video tung lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.
Sự tổn thương lớn về thể chất và tinh thần
Là một số không ít người phản đối việc đánh ghen hay cố tình hạ nhục người khác bằng cách đăng tải video lên mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Gia Lâm, Hà Nội) rất băn khoăn mỗi khi xuất hiện những video đó trên mạng xã hội. 'Cảm xúc ghen tuông với ai cũng có, thế nhưng ghen đến nỗi xô vào đánh đập, quay phim rồi đăng tải lên mạng xã hội thì có đáng hay không' – chị Tuyết nói.
Vì theo chị, việc đăng tải đó thường sẽ lợi bất cập hại. Hôn nhân không phải chỉ là chuyện hai người, đó là mối quan hệ mà bên cạnh đó là cha mẹ, con cái. Việc đánh ghen có thể khiến người ta xả được cơn tức giận lúc đó. Vì ít nhất, họ đã khiến người chồng, người thứ ba bẽ mặt. Nhưng sự việc ấy đưa lên ai cũng biết, rồi cha mẹ các bên, con cái họ thấy được những hình ảnh xấu xí của người thân của họ trên mạng xã hội, liệu tổn thương đến đâu?
Còn chị Trần Thanh Phương (quận Hai Bà Trưng) cũng không ủng hộ việc đăng tải những video đánh ghen, bắt ghen lên mạng xã hội. Việc có người thứ 3 trong quan hệ vợ chồng là điều không ai muốn. Để giải quyết vấn đề, theo chị, chồng hay vợ đều phải ngồi lại và thẳng thắn nhìn nhận lại mối quan hệ.
Theo các chuyên gia tâm lý, ghen tuông là một dạng bản năng của con người không thể loại bỏ mà chỉ có thể kiểm soát bằng lý trí, khả năng tự làm chủ bản thân hoặc thông qua những mối quan hệ xã hội tích cực, thiện chí. Nhìn về góc độ tích cực, thì hành vi ghen tuông thể hiện một tình cảm sâu nặng, ghen tuông đúng cách có thể giúp thắt chặt tình cảm đôi bên. Tuy nhiên, ghen tuông quá đà như đánh ghen hoặc quay video đánh ghen để hạ nhục đối phương sẽ gây nguy hại cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Ở góc độ tâm lý và y học, đánh ghen có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, làm giảm trí thông minh, thiếu logic, đánh mất sự tự tin, tiêu tan độ hấp dẫn cũng như nhân cách con người. Ngoài ra, việc đánh ghen để lại nhiều hậu quả đối với nạn nhân, người đi đánh ghen và cả người có liên quan. Ở cả ba đối tượng này, sau đánh ghen là một sự tổn thương lớn về thể chất và tinh thần. Ở họ sẽ luôn tồn tại nỗi lo sợ mất mát, nghi ngờ hoặc tức giận, tự hạ thấp lòng tự trọng...
Ghen tuông là cảm xúc, thế nên để lúc nào cũng làm chủ được nó là điều không dễ. Tuy nhiên, dù có làm gì cũng nên biết rõ các giới hạn, kiềm chế và ý thức hơn về cái lợi, cái hại sẽ phần nào hạn chế được những câu chuyện đánh ghen bất chấp như hiện nay.