Chính phủ Đức thông qua dự luật hợp pháp hóa cần sa gây tranh cãi

Chính phủ Đức đã thông qua một dự luật gây tranh cãi vào thứ Tư (16/8) để hợp pháp hóa việc sử dụng và trồng cần sa giải trí. Dự luật này bị lo ngại có khả năng tạo ra một xu hướng tương tự ở châu Âu và cả trên thế giới.

17/08/2023 07:38

google_Tiin.vn

Dự luật này vẫn phải được thông qua ở Quốc hội Đức. Và nếu được trở thành luật, nó sẽ cho phép người lớn sở hữu tới 25 gam cần sa, trồng tối đa 3 cây hoặc mua cần sa với tư cách là thành viên của các câu lạc bộ cần sa phi lợi nhuận.

Những người biểu tình phản đối dự luật hợp pháp hóa cần sa trước Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức vào ngày 20 tháng 4 năm 2022. Ảnh: Reuters

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz hy vọng luật này sẽ hạn chế thị trường chợ đen, bảo vệ người tiêu dùng khỏi cần sa bị ô nhiễm và giảm tội phạm liên quan đến ma túy.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, cho biết rằng mục tiêu của kế hoạch là nhằm loại bỏ những điều cấm kỵ xung quanh việc sử dụng cần sa, cũng như nâng cao nhận thức về những rủi ro và cuối cùng sẽ hạn chế tiêu thụ.

'Với các thủ tục hiện tại, chúng ta không thể bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên một cách nghiêm túc, chủ đề này đã trở thành một điều cấm kỵ', ông nói trong một cuộc họp báo ở Berlin để trình bày luật.

Theo Bộ Y tế Đức, số người trưởng thành ở Đức trong độ tuổi từ 18 đến 25 đã sử dụng cần sa ít nhất một lần đã tăng gần gấp đôi vào năm 2021 so với thập kỷ trước, lên mức 25%.

Thanh niên được coi là dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro sức khỏe của cần sa. Luật mới sẽ giới hạn lượng cần sa mà thanh niên có thể mua ở mức 30 gam một tháng, so với 50 gam đối với người lớn tuổi.

Sự phản đối đang diễn ra rất gay gắt trong dư luận và giới chức Đức, với cảnh báo rằng nó sẽ khuyến khích sử dụng cần sa và luật mới sẽ tạo ra nhiều gánh nặng hơn cho chính quyền. Armin Schuster, Bộ trưởng Nội vụ bang Sachsen, nói: “Luật này sẽ dẫn đến việc mất hoàn toàn quyền kiểm soát”.

Một cơ quan giám sát ma túy của Liên hợp quốc cho biết vào tháng 3 vừa rồi rằng các động thái của những nước nhằm hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa giải trí đã dẫn đến việc gia tăng tiêu thụ và các vấn đề sức khỏe liên quan đến cần sa.

Tuy nhiên, ông Lauterbach cho biết Đức đã học được từ những sai lầm của các nước khác. Chính phủ Đức đã loại bỏ đề xuất ban đầu là cho phép bán rộng rãi cần sa tại các cửa hàng được cấp phép sau khi tham khảo ý kiến của Liên minh châu Âu.

Thay vào đó, Đức cho biết họ sẽ khởi động một dự án thí điểm cho phép mở một số ít cửa hàng được cấp phép ở một số khu vực để kiểm tra tác động trong vòng 5 năm. Các dự án tương tự như vậy đã tồn tại hoặc đang được lên kế hoạch ở Hà Lan và Thụy Sĩ.

Nhiều quốc gia ở châu Âu đã hợp pháp hóa cần sa cho các mục đích y tế hạn chế, bao gồm cả Đức kể từ năm 2017. Malta là quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép trồng và sở hữu cần sa ở mức độ hạn chế để sử dụng cho mục đích cá nhân vào cuối năm 2021. Đức có thể sẽ trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu làm như vậy.

Theo Huy Hoàng (theo DW, Reuters)/Nhà báo và Công luận
Tin cùng chuyên mục
    Đọc nhiều
    Mới nhất