Chuyện về chuyên gia trang điểm cho người mất
Gần 1 năm nay, chị Đinh Thị Phương Loan (32 tuổi, quê ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) hiện đang sinh sống tại Hà Nội chính thức trở thành chuyên gia trang điểm cho người mất.
Với vẻ bề ngoài xinh đẹp, ưa nhìn cùng với giọng nói dễ nghe, ít ai nghĩ chị Loan lại làm công việc mà đến 'cánh đàn ông còn khiếp vía huống hồ lại là phụ nữ chân yếu tay mềm như mình' khi làm nghề makeup cho người đã khuất.
Chị Loan theo đuổi công việc trang điểm cho tử thi gần 1 năm nay.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Loan kể, có cơ duyên đến với công việc này cách đây gần 1 năm. Thời điểm đó, chị đang là chuyên gia makeup cho nhiều sự kiện, đám cưới, đám hỉ… Công việc của chị khá bận rộn cả ngày lẫn đêm, thu nhập ổn định. Bất kể khi nào khách cần chị đều có mặt đúng giờ. Thế nhưng chỉ vì trăn trở, chị quyết định 'rẽ ngang' sang công việc chẳng ai dám làm.
'Tôi gắn bó với nghề trang điểm hơn 4 năm. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chuyển công việc từ trang điểm cho người sống sang người đã khuất như hiện tại. Thời điểm đó, sau đám tang một người chị ruột của người bạn tôi mới ngoài 30 tuổi.
Bộ đồ nghề chị luôn mang bên mình.
Bạn tôi khi đó buồn bã nói muốn tìm người trang điểm cho chị thật đẹp trước khi khâm liệm để chị đẹp như lúc đang ngủ nhưng không có ai làm. Ở nhà tang lễ họ chỉ bôi chút son phấn thôi không kỹ càng…', chị kể lại.
Câu nói của người bạn khiến chị Loan về nhà trăn trở cả tháng trời. Trong đầu chị lúc đó quanh quẩn nhiều câu hỏi 'sao mình không làm việc này, việc không ai dám làm'. Thế rồi từ đó chị quyết định làm công việc này. Đây cũng là công việc ở Việt Nam chưa mấy ai làm. Khi ngỏ ý với mẹ về việc mình sẽ làm công việc này nhưng gia đình khuyên 'không làm đâu con nhé'.
Thế nhưng mọi trăn trở trong lòng cứ thôi thúc, chị quyết định giấu gia đình làm cái nghề chẳng ai làm này. Từ các mối quan hệ, chị cộng tác với Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Công việc của chị Loan thường bắt đầu từ khoảng 4-5 giờ sáng. Trước đó, chị cũng dậy từ sớm chuẩn bị đồ nghề để đến nhà tang lễ hoặc tại nhà có người mất.
'Tuy là phụ nữ nhưng tôi có tinh thần thép. Tôi cũng có theo dõi trên mạng về công việc này ở nước ngoài và cả cách trang điểm tại Việt Nam. Vốn là chuyên gia trang điểm nên từ việc xem qua mạng kết hợp với kỹ năng mình đã có trang điểm sao cho hài hoà, đẹp và tỉ mỉ, đặc biệt không được phép mắc lỗi', chị Loan nói.
Làm công việc này chị Loan thấy tâm mình luôn thanh thản, nhẹ nhàng và vì cái tâm.
'Khách hàng' đầu tiên của chị Loan là một người cao tuổi. Lần đó, chị cùng đồng nghiệp đã đến nhà xác. Chị chắp tay vái lạy 3 lần rồi tiến lại gần. Khi tấm vải trắng được lật lên, đồng nghiệp sợ khiếp vía còn chị vẫn bình thản đeo găng tay, chải chuốt tóc, trang điểm, son môi, sơn móng… từng công đoạn được làm tỉ mỉ. Mỗi lần làm công việc này, chị thường 'trấn an' các xác chết bằng những lời như: 'Ra đi thanh thản, Đừng lo lắng, tôi sẽ giúp bạn trông thật đẹp…'.
'Gia đình nào cũng muốn người thân trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn sao cho giống như khi đang ngủ nên tôi luôn cố gắng làm hết khả năng. Tôi muốn khi ra đi con người cũng vẫn trở nên đẹp nhất. Xác chết sau khi được lấy ra từ nhà lạnh ra, thay quần áo, lau chân, lau tay và dùng khăn thấm nhẹ ở mặt. Mỗi người có một cách trang điểm khác nhau, đàn ông trang điểm nhạt, chị em phụ nữ thì đậm thêm một chút, cụ bà thì trang điểm đậm hơn…', cô miêu tả.
Trước đó chị đeo găng tay, chuẩn bị để trang điểm.
Khi trang điểm cho người chết ở độ tuổi còn rất trẻ hoặc trông khỏe mạnh, chị thường cảm thấy buồn vì cuộc sống thật ngắn ngủi, không thể biết trước được điều gì. Tuy nhiên, chị Loan gạt đi cảm xúc cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
'Công việc này diễn ra trong khoảng 1 giờ. Tuỳ từng khuôn mặt, màu da mà tiến hành trang điểm cho họ thật đẹp. Thật ý nghĩa khi có thể khiến người đã khuất yên nghỉ và làm hài lòng thân nhân của họ bằng đôi tay này', chị bày tỏ.
Gia đình không biết chuyện làm nghề trang điểm cho người đã khuất
Từ những lần sau, chị Loan tiến hành công việc một mình mà không hề lo sợ điều gì. Tính đến nay chị đã trang điểm cho vài trăm xác chết từ người già cho tới người mất còn rất trẻ.
'Tôi trang điểm cho người mất đã 100 tuổi, cũng có trường hợp bé gái mất mới 15 tuổi. Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên nhận được lời đề nghị của gia đình về việc trang điểm cho cô bé thật xinh đẹp như đang ngủ lúc qua đời. Khi đến nơi lòng buồn như chính mình mất người thân. Trang điểm xong tôi về mang theo cả sự nuối tiếc bạn ấy', chị kể.
Đến giờ phút này gia đình chưa hề biết chị theo đuổi công việc này.
Chị kể, tới giờ phút này bố mẹ và con trai ruột vẫn chưa biết mình làm công việc này. 'Tôi không có ý định giấu gia đình nhưng tôi quyết định theo thì tôi sẽ làm bằng được. Tôi cũng vui khi mỗi lần xong công việc nhận được sự cảm tạ của thân nhân có người đã khuất. Khi biết chuyện gia đình tôi cũng sẽ đồng cảm với việc mình đang làm thôi', chị tâm sự.
Làm công việc này khiến chị Loan cũng bị nhiều người 'kỳ thị'. Nhiều bạn bè gặp hỏi chị làm gì khi nhận được câu trả lời họ tỏ ra sợ hãi và không hỏi thêm gì. Thế nhưng, với chị nghề nghiệp nào cũng cần được tôn trọng.
'Tôi là mẹ đơn thân, con trai đang học lớp 4 tạm thời đang gửi ông bà ở quê chăm sóc. Tôi dự định sẽ theo công việc này suốt đời. Chính vì vậy nếu sau này có ai đó có tình cảm với mình họ phải hiểu công việc của tôi đang làm thì mới tính đến chuyện tương lai xa được', chị vui vẻ nói.
Công việc hiện tại đang cho chị Loan mức thu nhập khá ổn định.Tuy vậy, đối vớichị, tiền bạc không phải điều quan trọng nhất, mà là sự hài lòng và biết ơn từ thân nhân người đã khuất.
'Khi một gia đình nói 'cảm ơn', tất cả công việc khó khăn đều đáng giá', chị nói. Trong thời gian tới, chị dự định sang Đài Loan trau dồi thêm tay nghề để trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc.