Theo Quyết định 1416 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 9-11, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT) - tăng 4,5% (86,42 đồng/KWh).
Tránh ảnh hưởng quá lớn
Chiều 9-11, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về việc điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh của EVN, cho biết với việc điều chỉnh giá điện trên, mỗi tháng, với khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng tối đa 3.900 đồng. Các bậc 2, 3, 4, 5, 6 tương ứng số tiền tăng tối đa 7.900, 17.200, 28.900, 42.000 và 55.600 đồng.
Theo ông Dũng, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm những hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 KWh/hộ; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 KWh/tháng được hỗ trợ tương đương số lượng điện sử dụng 30 KWh/hộ.
Theo EVN, việc điều chỉnh tăng 4,5% thì giá điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất nhưng giúp giảm phần nào khó khăn. Ảnh: MINH PHONG
Đại diện EVN nhìn nhận điện là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nhóm đối tượng yếu thế. Do vậy, việc tính toán giá điện được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng quá lớn đến người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách.
Đối với các ngành sản xuất - kinh doanh và dịch vụ, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh sau lần điều chỉnh này, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng và tỉ lệ sử dụng điện ở từng lúc cao điểm hay thấp điểm.
Giá điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất
Năm 2022, EVN lỗ hơn 26.000 tỉ đồng. Về việc tăng giá điện lần này có đủ bù đắp chi phí và giúp EVN giải quyết khó khăn về tài chính hay không, ông Nguyễn Đình Phước, kế toán trưởng EVN, cho biết việc điều chỉnh tăng 4,5% thì giá điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, song giúp tập đoàn có thêm doanh thu 3.200 tỉ đồng, giảm phần nào khó khăn.
Dựa trên tính toán của EVN, giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/KWh. Năm 2023, một vài thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Cụ thể, giá các nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, như than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020; than trong nước tăng 30%-46% so với giá năm 2021. Giá dầu cũng tăng 18% so với năm 2021, nhất là tỉ giá ngoại tệ tăng gần 4%, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành điện của EVN. Trong khi đó, sản lượng thủy điện - nguồn điện giá rẻ - giảm 17 tỉ KWh.
'Giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội, tập đoàn đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế' - ông Phước nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ - quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24), thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất.
'Như vậy, so với lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 4-5, việc tăng giá điện lần này đã bảo đảm thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng' - lãnh đạo EVN thông tin.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho hay việc điều chỉnh giá điện lần này vẫn chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỉ giá hơn 14.000 tỉ đồng của các năm trước. Toàn bộ các khoản chênh lệch tỉ giá ấy vẫn đang được treo lại vì nếu tính vào giá điện sẽ khiến giá tăng rất mạnh. 'Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào. Ước tính tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,035%' - ông cho biết.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã bảo đảm tuân thủ các quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng. Trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24, Bộ Công Thương đã đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần xuống 3 tháng và việc điều chỉnh tăng giảm giá điện phụ thuộc thông số đầu vào.
Cao nhất là 3.151 đồng/KWh
Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân EVN đưa ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký Quyết định 2941 quy định giá bán điện, áp dụng từ ngày 9-11.
Theo quyết định này, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50 KWh): 1.806 đồng (giá cũ 1.728 đồng); bậc 2 (51 - 100 KWh): 1.866 đồng (giá cũ 1.786 đồng); bậc 3 (101 - 200 KWh): 2.167 đồng (giá cũ 2.074 đồng); bậc 4 (201 - 300 KWh): 2.729 đồng (giá cũ 2.612 đồng); bậc 5 (301 - 400 KWh): 3.050 đồng (giá cũ 2.919 đồng); bậc 6 từ 401 KWh trở lên: 3.151 đồng (giá cũ 3.015 đồng).
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết theo kế hoạch, từ tháng 11-2023, khoảng 1,7 triệu khách hàng sử dụng điện tại Hà Nội sẽ chuyển ngày ghi chỉ số công tơ điện vào cuối tháng, thay vì đầu hoặc giữa tháng như thời gian qua. Nhiều ý kiến người dân lo ngại khi giá điện tăng cùng với việc thay đổi ngày chốt số công cơ sẽ khiến hóa đơn tiền điện tại Hà Nội tăng 'sốc', ông Dũng cho rằng tiền điện chi trả sẽ tăng ở tháng đầu tiên sau thay đổi nhưng không phải tăng chi phí mà do kéo dài ngày sử dụng điện.
Tại buổi cung cấp thông tin về điều chỉnh giá điện chiều 9-11, EVN đã giải đáp nhiều thắc mắc. Ảnh: MINH PHONG
Trưởng Ban Kinh doanh của EVN lý giải trước đây, chu kỳ ghi chỉ số công tơ vào ngày 20-10 và chốt chỉ số ngày 20-11 thì sắp tới sẽ chuyển ngày chốt công tơ vào 30-11, tức thêm 10 ngày. Vì thế, hóa đơn tiền điện tăng do số ngày sử dụng tăng.